Ngày 19-4, báo Pháp Luật TP.HCM phối hợp cùng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP.HCM và Văn phòng luật sư Quang Duy tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “101 thắc mắc về căn cước”.
Tại buổi giao lưu trực tuyến, rất nhiều bạn đọc đã gửi câu hỏi thắc mắc liên quan đến thẻ căn cước quy định tại Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1-7 tới đây.
Các khách mời là Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó Trưởng phòng PC06; Trung tá Võ Trí Thành, Phó Đội trưởng Đội 2 (PC06); Đại úy Võ Tuấn Thanh, cán bộ Đội 2 (PC06); luật sư Nguyễn Thanh Kha, Văn phòng luật sư Quang Duy (Đoàn Luật sư TP.HCM), đã giải đáp một cách tường tận những thắc mắc của bạn đọc gửi đến.
Thông tin thẻ căn cước có được bảo mật?
Bạn đọc Phạm Hữu Vinh hỏi: Một trong những điểm mới của Luật Căn cước là khi làm thủ tục cấp thẻ căn cước, người dân sẽ phải cung cấp thông tin về mống mắt. Vậy Công an TP có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?
Đại úy Võ Tuấn Thanh, cán bộ Đội 2 (PC06), trả lời: Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước về trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước, người tiếp nhận sẽ thực hiện thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước.
Hiện nay, Bộ Công an đang chủ trì tham mưu Chính phủ ban hành nghị định và các quy định hướng dẫn chi tiết cụ thể về việc thu nhận sinh trắc học mống mắt.
Bạn đọc Gia Khôi thắc mắc: Luật Căn cước còn quy định thu thập cả ADN và giọng nói cùng nhiều thông tin khác vào cơ sở dữ liệu căn cước, nhiều người băn khoăn rằng liệu có xảy ra nguy cơ lộ, lọt dữ liệu. Xin Công an TP chia sẻ về những băn khoăn trên?
Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó Trưởng phòng PC06, chia sẻ: Sinh trắc học ADN và giọng nói tại Luật Căn cước chưa quy định bắt buộc. Tại điểm d khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước quy định các thông tin sinh trắc học phải thu là khuôn mặt, vân tay, mống mắt.
Tuy nhiên với mong muốn dữ liệu căn cước đầy đủ, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu quản lý xã hội, hỗ trợ người dân thì các thông tin sinh trắc học sẽ được thu thập để đưa vào dữ liệu căn cước theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Luật Căn cước. Các dữ liệu sinh trắc học này do người dân tự nguyện cung cấp hoặc do các cơ quan đã có các dữ liệu này chia sẻ, cung cấp.
Các dữ liệu này được thu thập, quản lý theo quy định của pháp luật và đảm bảo an toàn không để lộ, lọt. Các cơ quan thu thập, quản lý phải chịu trách nhiệm về nguy cơ lộ, lọt những thông tin này.
“Một người từ tỉnh nào chuyển nơi thường trú ở tỉnh khác thì có thuộc trường hợp cấp lại thẻ căn cước không?” - bạn đọc Quan Ngọc Diễm đặt câu hỏi.
Đại úy Võ Tuấn Thanh, cán bộ Đội 2 (PC06), trả lời: Căn cứ khoản 1 Điều 24 Luật Căn cước thì trường hợp công dân từ tỉnh nào chuyển nơi thường trú ở tỉnh khác không thuộc các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước. Tuy nhiên, nhằm tạo điều kiện trong giao dịch hành chính dân sự, công dân có thể yêu cầu cơ quan quản lý căn cước làm thủ tục đổi thẻ căn cước theo điểm g khoản 1 Điều 24 Luật Căn cước.
Không có thường trú vẫn được cấp thẻ căn cước?
Bạn đọc Ý Vi hỏi: “Tôi đã có giấy khai sinh và trước đây tôi có đăng ký hộ khẩu tại Bình Phước. Tuy nhiên, cách đây năm năm, tôi đã cắt hộ khẩu tại Bình Phước và không nhập hộ khẩu tại TP.HCM vì căn nhà tôi đang ở không có giấy tờ hợp lệ. Cho tôi hỏi trường hợp của tôi có được cấp thẻ căn cước khi Luật Căn cước có hiệu lực?”.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó Trưởng phòng PC06, trả lời: Đối với trường hợp của bạn cần liên hệ công an phường, xã nơi bạn đang cư trú để được hướng dẫn thực hiện việc đăng ký tạm trú hoặc khai báo nơi ở hiện nay.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 19 Luật Căn cước, mọi công dân Việt Nam đều được cấp thẻ căn cước.
Bạn đọc Tú Anh thắc mắc: Nếu đã có căn cước điện tử thì ra đường có cần mang theo thẻ căn cước vật lý không?
Luật sư Nguyễn Thanh Kha, Văn phòng luật sư Quang Duy (Đoàn Luật sư TP.HCM), trả lời: Về nguyên tắc, công dân đi ra đường đã mang theo căn cước điện tử thì không bắt buộc phải mang thẻ căn cước vật lý.
Khi người có thẩm quyền hoặc cơ quan chức năng yêu cầu xuất trình giấy tờ tùy thân thì công dân chỉ cần xuất trình căn cước điện tử là đủ.
Bạn đọc Dung Nguyễn thắc mắc: Người đang sử dụng CCCD còn thời hạn, khi Luật Căn cước có hiệu lực thì người dân có phải làm thủ tục bổ sung mống mắt không?
Trung tá Võ Trí Thành, Phó Đội trưởng Đội 2 (PC06), trả lời: Khi Luật Căn cước có hiệu lực thì công dân làm thủ tục cấp thẻ căn cước sẽ được thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh, khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người được cấp thẻ căn cước theo điểm b khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước.
Những trường hợp bị tạm giữ thẻ căn cước
Bạn đọc Chú Tư hỏi: Theo luật mới thì ai sẽ bị tạm giữ thẻ căn cước, cơ quan nào có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ và đến khi nào thẻ căn cước được trả lại?
Luật sư Nguyễn Thanh Kha, Văn phòng luật sư Quang Duy (Đoàn Luật sư TP.HCM), trả lời: Thẻ căn cước bị tạm giữ trong những trường hợp: Người đang bị áp dụng biện pháp tư pháp tại trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc, người đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù.
Thẩm quyền tạm giữ và thu hồi thẻ căn cước là cơ quan quản lý căn cước, cơ quan thi hành quyết định tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, cơ quan thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Khi những người vi phạm nêu trên bị giữ thẻ căn cước đã thi hành xong các quyết định thì cơ quan tạm giữ sẽ trả lại thẻ căn cước cho họ.