Tình cảnh khốn cùng của chị Nhân khiến ta nhớ đến hình ảnh của chị Dậu (quê ở làng Đông Xá) trong tác phẩm Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố, viết dưới thời Pháp thuộc. Chị Dậu ngày ấy cũng rơi vào cảnh cùng quẫn, đành phải bán đi đứa con gái - cái Tí, mà mình đứt ruột đẻ ra và đàn chó con chưa mở mắt để có tiền nộp suất sưu, cứu anh Dậu khỏi cảnh đang bị “làng nước” đóng trăng. Bi kịch của chị Dậu đã làm rúng động cái xã hội Việt Nam trước năm 1945.
Từ ngày chị Dậu bán con, bán đàn chó chưa kịp mở mắt và đi ở vú để có tiền cứu chồng cho tới nay, người ta cứ ngỡ hình ảnh chị Dậu không còn trên mặt đất này nữa. Nhưng mọi người đã lầm to. Thời nào, ở đâu mà chẳng có những chị Dậu như thế. Chị Nhân ở xã An Xuyên (Cà Mau) chính là hình ảnh chị Dậu tái diễn trong xã hội thời nay. Tất nhiên nó có khác đi đôi chút, nhưng giữa họ có nhiều điểm giống nhau: nông dân, nghèo khổ, bế tắc…
Ngày trước chị Dậu bán đàn chó con chưa kịp mở mắt thì bây giờ túng cùng quá, chị Nhân cũng đem bán mấy con chó “chưa đủ lớn” (theo lời tâm sự của anh Bảo, chồng chị Nhân). So với chị Dậu thì gia sản chị Nhân khá hơn chút, có thêm gà, vịt để bán, nhưng cũng toàn “chưa đủ lớn” cả. Cùng đường, chị toan bán mảnh đất và căn nhà nhà ọp ẹp đang ở, nhưng cũng chẳng ai mua. Rồi chị đi mượn tiền của bà con chòm xóm để duy trì sự sống cho gia đình, lo cho con cái ăn học, và để chữa bệnh. Kể cả đi vay “nóng” chị cũng đã từng. Xoay sở đủ cách, chị vẫn không thoát khỏi cảnh nợ nần thiếu thốn triền miên. Quá bế tắc, chị đã treo cổ trong buồng ngủ tại nhà mình, để kết thúc một quãng đời đầy bi kịch. Có lẽ chị thấy mình bịnh tật, đau yếu luôn luôn, không làm gì ra tiền, sống chỉ thêm gánh nặng cho người chồng làm nghề phụ hồ cũng đã khổ nhiều vì chị, nên chị quyết quyên sinh? Theo anh Bảo, chồng chị, kể lại thì trước khi chết một ngày, chị có ra thành phố Cà Mau để chích thuốc nhưng vì sợ tốn kém nên chỉ đi được 1 lần rồi thôi
Trong lá thư tuyệt mệnh để lại cho chồng và các con, có đoạn chị viết trong nước mắt như sau:
“Em nghĩ chết là hết, để cho anh gánh nặng, chứ đời em thương anh nhiều lắm, bỏ lại ba đứa con cho anh (…). Các con ơi, vì mẹ không qua được tinh thần để sống.Với các con vì lo các con ăn học mà mẹ lâm vào nợ, thiếu tiền người ta, tiền hụi dì Ánh 1 tháng 1 triệu tiền hụi cho dì Ánh.” (Trích Thư tuyệt mệnh của chị Nhân-Theo Báo Pháp luật Tp.HCM).
Chị Nhân ơi, nếu “chết là hết” như chị đã nói trong thư tuyệt mệnh, thì chị cần gì phải bận tâm đến cuộc đời vốn quá khốn khổ này nữa? Đằng này chị vẫn đau đáu: lo cho chồng con, lo trong nhà không tiền không hết gạo, lo không biết sẽ được cấp sổ nghèo hay không, lấy đâu mỗi tháng 1 triệu để trả tiền hụi, và tiền đâu để đóng học phí năm cuối cho đứa con lớn, “bà con lối xóm giúp đám ma dùm tôi”… Chết rồi mà chị vẫn còn lo lắng đến thế là cùng. Kiếp người khốn khổ, lo toan đến thế là cùng. Ôi chị Nhân ơi!
Cái chết của chị Nhân là một hồi chuông ai oán cảnh tỉnh chính quyền địa phương các cấp, trước hết là ở ấp 5, xã An Xuyên, và sau đó là cả nước: Hãy từ bỏ lối làm việc quan liêu, thiếu trách nhiệm, thiếu nhiệt tình và vô tâm trước những mảnh đời bất hạnh, có hoàn cảnh khó khăn, bế tắc, điển hình là thảm cảnh của chị Nhân và gia đình chị.