Chị Nguyễn Thị Tiến, Chi hội trưởng Phụ nữ ấp 5, người hiểu rõ ngọn nguồn câu chuyện, nói: “Báo Pháp Luật TP.HCM đã thay chúng tôi nói những điều trắc ẩn. Xin cho tôi được nói thêm vài lời gửi gắm đến các nhà lãnh đạo cấp trên”.
Chị Tiến khẳng định việc xét hộ nghèo ở ấp 5 hoàn toàn không có vấn đề, làm đúng với quy định, được nhân dân trong ấp đồng tình. “Với vật giá như hiện nay, một thợ hồ loại phụ hồ thôi cũng kiếm được 100.000 đồng/ngày, tức 3 triệu đồng/tháng. Như vậy, gia đình năm khẩu, chỉ cần một người đi làm thợ hồ thôi đã không thể xét hộ nghèo. Bởi 3 triệu đồng chia cho năm thì được 600.000 đồng, trong khi mức chuẩn cận nghèo là 520.000 đồng xuống đến 401.000 đồng, chuẩn nghèo từ 400.000 đồng trở xuống. Như vậy thì trường hợp gia đình anh Bảo, chị Nhân rõ là nghèo nhưng mà không được coi là nghèo” - chị Tiến nói.
Chị Nguyễn Thị Tiến, Chi hội trưởng Phụ nữ ấp 5, xã An Xuyên, thay mặt báo Pháp Luật TP.HCMchuyển số tiền 20 triệu đồng (đợt ủng hộ đầu tiên của bạn đọc) cho anh Đinh Hoài Bảo, chồng chị Mỹ Nhân. Ảnh: TRẦN VŨ
Chị Tiến xót xa nói: “Suy cho cùng, nếu không có sức ép từ tiền học phí cho con và tiền đi chích cho bản thân, chị Nhân sẽ không bao giờ tự vận. Cái sức ép từ tiền học hành và tiền trị bệnh hiện đang đè nặng trên vai người dân, cả người dân không nghèo. Nói chi cho xa, ngay bản thân tôi cũng đâu có thoát khỏi những sức ép đó”. Cách đây một tháng, chồng chị đã mất sau hai tháng điều trị bệnh. Dù có mua bảo hiểm y tế nhưng mỗi ngày vẫn phải tốn thêm gần 1 triệu đồng tiền thuốc ngoài danh mục và phần cùng chi trả 20%. Còn về học phí, chị xót xa kể: “Chồng tôi là thầu khoán, thuộc dạng khá giả trong xóm. Nhưng cả bốn đứa con tôi đều không được học đại học chính quy. Đứa nào cũng học giỏi nhưng vì học phí quá cao nên tất cả chúng nó đều học đại học tại chức, dạng vừa học vừa làm mới đi hết con đường học tập”.
Để dẫn chứng cho việc sức ép học phí đang đè nặng lên người dân không thuộc diện hộ nghèo, chị chỉ chúng tôi những hoàn cảnh ngay gần nơi chị sinh sống. Ngay tại ấp 2, xã An Xuyên, cách gia đình chị Nhân 500 m có anh Phạm Bình Đẳng là thầy thuốc Nam, làm việc tại một hiệu thuốc trong TP Cà Mau với mức thu nhập 3 triệu đồng/tháng. Anh còn có năm công đất nuôi tôm nhưng vẫn phải vay mượn tiền thêm để bù đắp khoản thiếu hụt cho con trai học đại học.
Anh Đẳng kể: “Thi đại học, con tôi đậu thủ khoa, được báo Tuổi Trẻ tặng học bổng. Hiện nó đang học đại học luật năm thứ nhất tại Cần Thơ. Chỉ sau một năm học, tôi đã vay mượn người ta hơn 10 triệu đồng để nó đi học. Còn bốn năm nữa, tôi chưa biết phải liệu thế nào đây”. Anh Đẳng cũng đã lên xã tìm cách vay tiền cho con ăn học nhưng không được vì không phải là hộ nghèo hay cận nghèo, giống như chị Nhân.
“Cái câu ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành thì… ai cũng thuộc. Nhưng thực tế, học hành ngày càng khó với tới. Tôi mong qua cái chết chị Mỹ Nhân, các nhà lãnh đạo phải suy tư hơn về chuyện học phí, viện phí” - chị Tiến tha thiết nói.
GS NGUYỄN MINH THUYẾT,nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồngcủa Quốc hội: Không thể để tái diễn những trường hợp tương tự Cái chúng ta cần là điều chỉnh, bổ sung chính sách của Nhà nước về an sinh xã hội cho phù hợp. Ví dụ, đối với việc cho học sinh, sinh viên vay vốn, có nhất thiết cứ phải thuộc diện nghèo mới được vay tiền, hay các diện khác cũng được vay để học, miễn là có biện pháp để sau này ngân hàng có thể thu hồi lại được vốn? Không có khó khăn thì chẳng ai vay tiền đi học làm gì. Đã phải năn nỉ vay tiền cho con đi học có nghĩa là người ta cần thật. Tôi nghĩ Chính phủ nên thay đổi chính sách này để những trường hợp như gia đình bà Nguyễn Thị Mỹ Nhân có thể vay được tiền cho con theo học. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải có những chính sách khác như thành lập các quỹ trong dân để giúp đỡ những gia đình khó khăn; xây dựng các bệnh viện chữa trị miễn phí hoặc với mức phí thấp cho người nghèo. Đặc biệt, cần có những biện pháp quyết liệt ngăn chặn tình trạng lãng phí, thất thoát trong việc triển khai các dự án kinh tế-xã hội để tiết kiệm nguồn vốn lo an sinh xã hội cho dân. Không thể để tái diễn những trường hợp tương tự bà Nhân trong xã hội chúng ta. Ông PHẠM BẠCH ĐẰNG, Bí thư Thành ủy TP Cà Mau: Một số chủ trương về an sinh đang lạc hậu Còn với hoàn cảnh cụ thể của chị Nhân, chúng tôi thành tâm chia sẻ với gia đình và đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn rà soát, giúp đỡ các con chị được học hành đến nơi đến chốn. THÀNH VĂN - TRẦN VŨ ghi |
Nhiều bạn đọc hỗ trợ gia đình chị Nhân Một mạnh thường quân tặng cho con chị Nhân chiếc xe máy. Hôm qua (29-4), phóng viên Pháp Luật TP.HCM đã chuyển đến gia đình chị Mỹ Nhân 20 triệu đồng hỗ trợ đầu tiên của bạn đọc. Thay mặt gia đình, anh Bảo - chồng chị Nhân xin cảm ơn sự chia sẻ, giúp đỡ của quý bạn đọc. Anh Bảo cho biết sẽ sử dụng số tiền trên một cách tiết kiệm, hợp lý để lo cho việc học và tương lai của các con. Một số bạn đọc từ nước ngoài cũng liên hệ qua Facebook và cho biết sẽ tìm cách hỗ trợ thiết thực. Nhà thơ Đỗ Trung Quân cho biết sẽ bán đấu giá một bức tranh sơn dầu, số tiền thu được sẽ chuyển hỗ trợ gia đình chị Nhân. Một số thành viên chương trình Cơm có thịt thông qua nhà báo Trần Đăng Tuấn đã chuyển 8 triệu đồng hỗ trợ. Cũng có độc giả băn khoăn rằng số tiền trên liệu có đến được trọn vẹn với người được ủng hộ? Xin thưa: Toàn bộ tiền các bạn chuyển ủng hộ sẽ đến tay người nhận. Tất cả các chi phí đi lại, trao tiền, các loại phí chuyển khoản cho người nhận nếu có do báo Pháp Luật TP.HCM chịu. Việc nhận và trao tiền hỗ trợ sẽ được công khai trên báo ngày, trên Pháp Luật TP.HCM online và Facebook PHÁP LUẬT TP.HCM. Chiều 29-4, anh Nguyễn Phước Thành (chủ nhà hàng bò tơ Xuân Anh, Củ Chi) đã đến báo Pháp Luật TP.HCM gửi tặng chiếc xe máy Wave cho em Đinh Công Bằng, con của chị Nhân (ảnh). Ngoài ra, anh Thành còn gửi tặng cho gia đình chị Nhân 5 triệu đồng. “Thay vì cho em tiền nhưng vì đọc báo thấy em vừa học vừa đi làm thêm nên tôi giúp phương tiện để em đi lại. Mong em hãy phấn đấu học tập tốt. Sau này ra trường thì làm nuôi các em của mình ăn học thành người và giúp đỡ người khác như người khác đã giúp mình” - anh Thành nhắn nhủ. NHẬT HÒA - DUY TÍNH - NGUYỄN TÝ Trong ngày 29-4, báo Pháp Luật TP.HCM đã nhận được số tiền 34.000.000 đồng ủng hộ gia đình chị Mỹ Nhân từ những bạn đọc sau: Anh Trần Hoài Nam và anh Trung (BIDO) qua chương trình Cơm có thịt: 8 triệu đồng (chuyển khoản); Facebooker Tám Vườn Trầu: 1 triệu đồng; Facebooker Trần Minh Ngọc: 1 triệu đồng; Facebooker Cô gái quê có nhà quận 1: 1 triệu đồng; Facebooker Hồ Lan Hương: 500.000 đồng; Facebooker Đàm Hà Phú: 3 triệu đồng, một bạn đọc ngụ quận 5: 1 triệu đồng; hai cháu Thanh Tâm - Ngọc Thanh (quận 3): 500.000 đồng; ông Nguyễn Thanh Khuê - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH SX-TM-DV Anh Khải Ký: 5 triệu đồng; ông Nguyễn Phước Thành (nhà nhiếp ảnh Xuân Anh) - Giám đốc Công ty TNHH ĐT-PT Nhà hàng khách sạn du lịch Xuân Anh, Củ Chi: 5 triệu đồng và một xe máy hiệu Wave; ôngNguyễn Hoàng Chính và nhân viên tiệm vàng Kim Ánh (Bình Thới, quận 11): 5.500.000 đồng; BS Lê Ngọc Hải (quận Gò Vấp): 500.000 đồng; bàPhạm Thị Nở (25 D1 Giãn Dân, phường Long Thạnh Mỹ, quận 9): 500.000 đồng; Ngô Trinh Hạc (82 Nguyễn Trường Tộ, TP Vũng Tàu): 1 triệu đồng; Trần Tô (quận Tân Bình): 500.000 đồng. Tổng số tiền ủng hộ gia đình chị Mỹ Nhân cho đến nay là: 93.200.000 đồng và một chiếc xe máy. Mọi giúp đỡ, ủng hộ gia đình chị Nhân xin gửi về: Ban Công tác bạn đọc, báo Pháp Luật TP.HCM, cao ốc 34 Hoàng Việt, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM. Hoặc chuyển khoản: Tài khoản 1607201005173 Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi nhánh Phan Đình Phùng, TP.HCM.Chủ tài khoản: Báo Pháp Luật TP.HCM; nội dung chuyển khoản xin ghi rõ: Giúp gia đình chị Nhân, nhân vật trong bài “Chết để con được học”. PHÁP LUẬT TP.HCM |
TRẦN VŨ