Từ chuyện người mẹ “Chết để con được học”: Lo cho người nghèo: Cần chung tay

NGUYỄN THỊ HOÀI THU, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội:

Sao chính quyền không kêu gọi tiếp sức?

Từ chuyện người mẹ “Chết để con được học”: Lo cho người nghèo: Cần chung tay ảnh 1
Sáng sớm, chồng tôi cầm tờ Pháp Luật TP.HCM và nói: “Bà đọc cái bài này đi, đau lòng quá. Bà ghi cái địa chỉ này lại để ít bữa nữa tui chuyển ít tiền hỗ trợ họ”.

Đọc bài báo, tôi rất sốc. Nước ta là một nước thoát nghèo và đứng vào nhóm nước có thu nhập trung bình, có kỳ tích trong xóa đói giảm nghèo. Vậy mà lại có cảnh đau lòng thế này đây.

Tôi không trách người chết bởi cái chết của chị có mục đích rõ ràng: Bớt đi gánh nặng cho gia đình và để cho con được đi học. Tôi trách cho sự thờ ơ, vô tâm của đoàn thể ở địa phương. Họ áp dụng cứng nhắc tiêu chí hộ nghèo. Về luật thì địa phương đã làm đúng nhưng về tình nghĩa thì đáng trách, đáng ra các đoàn thể phải quan tâm hơn, có thể kêu gọi sự tài trợ từ các chương trình Tiếp sức đến trường, Tiếp sức ước mơ, Vượt lên chính mình... Hoặc mỗi trong các đoàn thể hội thanh niên, hội phụ nữ… có thể góp một ít tiền để mua cho chị một cái thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện. Sao cứ để người dân ngóng chờ tuyệt vọng vào tiêu chí Nhà nước?

Hằng ngày, chỉ nhìn lên tivi cũng thấy những cảnh đời đối lập: xa hoa phung phí và nghèo cùng cực. Hầu hết những gia đình nghèo đều có một mong ước cho con được học hành đến nơi đến chốn để thoát nghèo. Mong ước đó rất cao quý, cần được trân trọng và tiếp sức.

Tôi mong muốn Nhà nước có chính sách thắt chặt chi tiêu công, giảm hơn nữa những lãng phí trong hội họp để tăng thêm ngân sách cho xóa đói giảm nghèo.

Tôi không hoan nghênh chuyện tự tử của chị Nhân vì nó để lại nỗi đau cho những người thân còn sống nhưng cái chết của chị đánh động lương tâm của những người làm Nhà nước. Sao không thắt chặt chi tiêu công để nâng mức tiền công nhận chuẩn hộ nghèo lên? Một người một tháng sống có mấy trăm bạc thì sống làm sao?

Ông NGUYỄN THÀNH TÀI,nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nguyên Trưởng ban Chỉ đạo xóa đói giảm nghèo TP.HCM:

Nếu sâu sát, sẽ có cách giúp dân

Từ chuyện người mẹ “Chết để con được học”: Lo cho người nghèo: Cần chung tay ảnh 2
Đọc bài báo về trường hợp chị Nhân, tôi buồn hết sức. Tôi không ủng hộ cái chết của chị nhưng phải nhận thấy rằng đằng sau bức thư tuyệt mệnh là một ước mơ rất cao cả: Cho con được học thành người. Ước mơ đó đang là hạt mầm tốt cho một xã hội học tập Nhà nước ta đang gầy dựng. Dù theo tiêu chí thì gia đình chị không được cấp sổ hộ nghèo nhưng trường hợp của chị đặc biệt là bệnh nan y, có con học cao đẳng… Nếu chính quyền thực sự quan tâm thì đã có cách để lo.

Với kinh nghiệm làm xóa đói giảm nghèo hơn chục năm ở TP.HCM, tôi cho rằng cách làm xóa đói giảm nghèo ở bất kỳ nơi nào cũng cần sự quan tâm sâu sát hơn là những thủ tục hành chính. Đảng bộ TP.HCM nhận thức rằng kết quả của công tác xóa đói giảm nghèo là một phẩm chất chính trị của đảng cầm quyền, phải đặt vai trò của nó quan trọng như vậy thì mới chú tâm được. Phải coi công tác xóa đói giảm nghèo cho dân là chuyện đại sự.

Từ chuyện người mẹ “Chết để con được học”: Lo cho người nghèo: Cần chung tay ảnh 3

Sau cái chết của chị Nhân, chính quyền ấp 5, xã An Xuyên, TP Cà Mau ngồi lại và nhìn nhận đây là bài học đau xót vì chưa gần dân. Ảnh: TRẦN VŨ

Xóa đói giảm nghèo mà làm hành chính thì không xong. Chuẩn nghèo của TP thì luôn cao hơn các địa phương khác nhưng không vì vậy mà cứ nhất nhất làm theo cái chuẩn đó. Ví dụ những trường hợp bệnh nan y như chị Nhân thì không nhất thiết phải đưa vào diện hộ nghèo mà có thể đưa vào diện bảo trợ xã hội (Nhà nước hỗ trợ hằng tháng) hoặc có thể vận động các đoàn thể chăm lo. Ở TP.HCM có trường hợp gia đình có con nhiễm HIV giai đoạn cuối, chồng tai biến mạch máu não, vợ ung thư gan đi bán vé số nuôi cả nhà. Chúng tôi đưa họ vào diện bảo trợ xã hội để nhận sự hỗ trợ hằng tháng của Nhà nước và vận động thêm mạnh thường quân góp sức. Những năm về trước, khi giá cả tăng cao do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới, chúng tôi lo là người nghèo sẽ không trụ nổi. Những đoàn khảo sát hộ nghèo được lập ra, đi các quận, huyện thấy người dân đuối thiệt nên sau đó thành phố đã quyết định tăng thêm mỗi hộ nghèo một ít tiền mỗi tháng.

Nói chung, nếu thật sự sâu sát người dân thì sẽ có nhiều cách để làm.

T.MẬN- ĐÔNG YÊNghi

Bạn đọc tiếp tục giúp đỡ gia đình chị Nhân

Em Đinh Công Bằng, con chị Nhân là sinh viên lớp CĐ11H2- khoa Hóa học và Công nghệ thực phẩm Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu. Thầy Dương Quốc Khanh, giáo viên chủ nhiệm của Bằng, cho biết Bằng là một sinh viên khá, có ý chí tự lập, là lớp phó và là phó bí thư chi đoàn của lớp. Ngoài giờ học, Bằng đi làm thêm chạy bàn, bưng bê tại các nhà hàng, khách sạn để có tiền ăn học. Bằng không thuộc diện được miễn, giảm học phí bởi không thấy em nộp đơn, cũng biết em không có sổ hộ nghèo hay giấy xác nhận khó khăn. Đã nhiều lần thầy Khanh muốn trao đổi, trò chuyện và chia sẻ nhưng Bằng luôn bày tỏ mong muốn tự lực và được đối xử như với bao bạn cùng lớp. Thầy Khanh cho biết sẽ đề xuất với trường để có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho Bằng yên tâm học tập.

Cô Hồng Thị Nương - trưởng nhóm từ thiện Thiện Tâm (TP Vũng Tàu) đã liên hệ với phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM để hỏi thăm địa chỉ cụ thể của em Đinh Công Bằng. Cô Nương cho hay nhóm Thiện Tâm sẽ gặp trực tiếp em Bằng, trao đổi, chia sẻ, tìm hiểu nguyện vọng của em để hỗ trợ cho em trong cuộc sống, học tập cho đến khi tốt nghiệp.

TRÙNG KHÁNH

Tổng số tiền hỗ trợ gia đình chị Nhân đến nay là: 59.200.000 đồng. Trong ngày 28-4, dù là ngày Chủ nhật, nhiều bạn đọc hảo tâm tiếp tục chia sẻ, hỗ trợ gia đình chị Nhân với số tiền 12 triệu đồng, trong đó có nhiều người liên lạc qua Facebook PHÁP LUẬT TP.HCM:

Phan Tiến Dũng, Phó TGĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương, tầng 8, 83A Lý thường Kiệt, Hà Nội: 5 triệu đồng; Trần Đình Hoạch (Bộ TTTT): 500.000 đồng, nhà báo Hoàng Anh Sướng: 2 triệu đồng; Hải Điệp (Hà Nội): 300.000 đồng; một người bạn của Facebooker mẹ Bống: 1 triệu đồng; Facebooker Sữa Tươi: 500.000 đồng; Facebooker Đảo Chìm: 1 triệu đồng; Facebooker Khoai Lang 500.000 đồng; Facebooker Trung Dũng: 300.000 đồng; Facebooker Bui Lan Anh: 300.000 đồng; Facebooker Toàn Hà 300.000 đồng; Facebooker Hồng Quân: 300.000 đồng.

Mọi giúp đỡ, ủng hộ gia đình chị Nhân xin gửi về: Ban công tác Bạn đọc, báo Pháp Luật TP.HCM, cao ốc 34 Hoàng Việt, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM.

Hoặc chuyển khoản: Tài khoản 1607201005173 Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi nhánh Phan Đình Phùng TP.HCM.Chủ tài khoản: Báo Pháp Luật TP.HCM; nội dung chuyển khoản xin ghi rõ: Giúp gia đình chị Nhân, nhân vật trong bài Chết để con được học.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm