Tôi bước đến gần và hỏi thăm thằng bé, nó trả lời tôi rằng nó đang học lớp 2. “Sao hôm nay con không đi học mà đến đây?” - câu hỏi thông thường dành cho những đứa bé mặc đồng phục học sinh nhưng không đến trường vào giờ đi học bật ra khỏi miệng tôi. Thằng bé không trả lời. Nghĩ nó không nghe, tôi lặp lại lần nữa. Sau câu hỏi lần hai, thằng bé càng cúi thấp hơn nữa, im lặng và nước mắt chực chờ.
Tôi chưa kịp xoa vai dỗ dành thằng bé thì bỗng: “Mày là thằng mất dạy, mày khốn nạn... Mày lên đây tao giao nó. Hôm nay tao giao nó cho mày, nó lên rồi nè, mày đừng có trốn tao...”.
Đó là giọng của một phụ nữ, lúc này đang đứng gần thằng bé, nói qua điện thoại. Tôi chợt hiểu ra đại từ nhân xưng ngôi thứ ba số ít “nó” trong câu chuyện của người phụ nữ chính là thằng bé gặm bánh mì mà tôi vừa hỏi thăm. Và dĩ nhiên “thằng mất dạy” trong ngôn ngữ của chị ta chính là cha thằng bé.
Những cuộc điện thoại liên tục của người phụ nữ bên cạnh dành cho “thằng mất dạy” và những người khác để kêu gào và kể tội, để mắng nhiếc và đòi trả con đã làm tôi hiểu được lý do hôm nay thằng bé không đi học dù đang mặc đồng phục học sinh.
Tôi quay sang nhìn thằng bé, mặt nó cúi gằm, ổ bánh mì như chực tuột khỏi tay. Tôi không biết rõ nó đang nghĩ gì. Có thể nó đang buồn, có thể nó đang lo hay cũng có thể là đang nghe ngóng xem cuối cùng thì ai sẽ là người nhận nó về. Cái “thằng mất dạy” mà người bên cạnh đang kêu gào và chửi bới đó có lên tòa để nhận nó về hay không, hay nó sẽ quay về với những lời chì chiết của người trực tiếp sinh ra nó (mà tôi đoán có lẽ nó phải nghe hằng ngày).
Tôi tò mò nhìn vào túi hồ sơ mà phụ nữ đó đang cầm. Đó là một tệp nylon, trong đó là lổn ngổn vài tờ giấy dạng đơn từ, bên ngoài là một vài tấm ảnh, bức ngoài cùng là ảnh của một gia đình gồm hai người lớn đang bế trên tay một đứa trẻ nhỏ. Tôi đoán đó là ảnh thằng bé và cha mẹ nó ở thời điểm gia đình còn hạnh phúc, nó còn là niềm hân hoan của hai đấng sinh thành. Bức ảnh tươi tắn làm sao! Tôi chợt nghĩ nỗi buồn có thể cất giấu nhưng hạnh phúc thì luôn rạng rỡ, sáng ngời.
Nhưng hôm nay, tại tòa án, đứa bé lại chứng kiến một hình ảnh khác: Hình ảnh một người từng rạng ngời trong bức ảnh đó lúc này đang kêu gào với người còn lại để “trả” nó vì không muốn nuôi nó nữa, vì người kia là “thằng vô trách nhiệm”, không trợ cấp tiền nuôi con…
Tôi không rõ bên kia nói gì, cũng không biết hoàn cảnh bên kia ra sao, có đủ điều kiện để trợ cấp nuôi con hay không, có đến thăm nom con hay không. Nhưng tôi nghĩ có lẽ tiếng kêu gào của phụ nữ đó còn bao gồm cả sự bất lực. Bất lực cho cái cảm giác bị bỏ mặc chăm lo cho thằng bé gầy còm này. Bất lực cho những khó khăn, vất vả mà cuộc sống một mình nuôi con mang lại.
Tôi tự nghĩ chắc cả hai con người đã tạo ra nó, hai con người quan trọng nhất cuộc đời nó và cũng là hai con người đang muốn đẩy nó ra đều có cái lý riêng của mình, những khó khăn, bức bách riêng của mình.
Thế nhưng nó và những đứa trẻ như nó thì sao?
Tự dưng tôi chợt thấy mình đã vô duyên quá đỗi. Sao lại hỏi một câu hỏi khó đến như vậy với thằng bé, làm sao nó có thể trả lời. Làm sao nó có thể nói với tôi tại sao hôm nay nó lại không đi học, không tíu tít đến trường như phần đông những đứa trẻ khác. Tại sao nó phải có mặt ở nơi đây, cho một điều mình không thể lựa chọn và không có quyền lựa chọn?
Chợt nghĩ có những câu hỏi mà người lớn cứ vô tình hay cố ý đặt ra với những đứa trẻ như nó rồi để nó phải trả lời bằng chính nỗi buồn nặng trĩu trong mắt. Tôi bước đi trước khi kịp biết được cha của thằng bé có đến tòa không hay lại tiếp tục “trốn hết lần này đến lần khác”, lại đổi địa chỉ liên tục để “làm khó” tòa, để không lên “nhận” thằng bé về khi mẹ nó “giao trả”.
Là một bà mẹ, nghĩ đến điều này, tôi bật khóc mất rồi…
LS ĐINH THỊ QUỲNH NHƯ