Theo các số liệu nghiên cứu thì Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới khi tỷ lệ và số lượng người già trên 60 tuổi của Việt Nam dự kiến đạt 29,8 triệu người, chiếm 27,2% tổng dân số cả nước vào năm 2050.
Việt Nam đang già hóa
Hiện tuổi trung bình của người Việt khoảng 75 tuổi nhưng lại có đến 14 năm sống với ốm đau bệnh tật. Trung bình cơ thể người già từ 60 tuổi trở đi sẽ có 3 bệnh mãn tính. Thông thường nhất là “tam cao”: cao đường, cao máu, cao mỡ dẫn đến tiểu đường, cao huyết áp và nguy cơ tim mạch. Sức khỏe người già Việt Nam chỉ đứng 116/174 nước được xếp hạng trong một nghiên cứu năm 2018 của ILO.
Không chỉ đối diện với những vấn đề sức khỏe thể chất, người già cũng đương đầu với những thách thức về sức khỏe tinh thần với khoảng hơn 20 % người từ 60 tuổi trở lên bị rối loạn tâm thần (khoảng 15,5 triệu người rối loạn tâm thần dạng nhẹ và vừa; khoảng 3,5 triệu người mắc các rối loạn tâm thần nặng).
Việt Nam đang là quốc gia có tốc độ già hóa nhanh |
Trong khi đó, cùng với sự phát triển của xã hội, các gia đình truyền thống nhiều thế hệ bị phá vỡ, ông bà không còn đóng vai trò gia trưởng truyền thống như trước đây. Nếu trước kia con cái phải sống cùng và phụ thuộc ông bà, cha mẹ cho đến tận khi lập gia đình, đến khi sinh con đẻ cái và luôn cần người cao tuổi trông cháu. Nhưng giờ đây, ngày càng có nhiều người trẻ chạy theo xu hướng sống độc lập từ sớm và không cần sự giúp đỡ từ ông bà, cha mẹ nữa. Điều này khiến thế hệ ông bà cảm thấy “buồn chán” với cuộc sống tuổi già khi không có con cháu.
Mặc dù lão hóa là không thể cưỡng lại, nhưng cùng với sự phát triển của y học, dinh dưỡng và luyện tập theo khoa học sức khỏe, ngày càng nhiều người “trẻ mãi không già”, 60-70 tuổi nhưng vẫn hoạt bát như thanh niên. Họ vui vẻ, tự do và hạnh phúc. Họ thậm chí còn khởi nghiệp và thành công ở cái tuổi “xưa nay hiếm” cũng giống như nhà văn Boris Pastermark 67 tuổi mới viết bác sỹ Zhivago và đạt giải Nobel văn học năm 1958 hay hai giáo sư kinh tế người Mỹ Paul Milgrom (72 tuổi) và Robert Wilson (83 tuổi) mới nhận giải Nobel về kinh tế năm 2020. Đấy là một trong những ví dụ điển hình của tự do và “lão hóa” thành công.
PGS. TS Trần Thành Nam: “Mỗi chúng ta thường đợi cả tuần cho ngày thứ 6, đợi cả năm cho đến kỳ nghỉ hè và đợi cả đời cho sự tự do và hạnh phúc tuổi già. Nhưng chúng ta đã chuẩn bị những gì?” |
Chuẩn bị cho sự tự do, hạnh phúc tuổi già
Chuẩn bị cho sự tự do không đồng nghĩa với việc nghỉ hưu. Tự do ở đây thiên về sự tự chủ, độc lập bản thân để tách mình khỏi những “công việc nhàm chán, ít ý nghĩa”, cho các ý tưởng hay công việc gì đó lớn lao và ý nghĩa hơn. Đó có thể là khởi nghiệp hoặc giúp đỡ những người trẻ khác khởi nghiệp. Đó có thể là dành thời gian cho du lịch, nghệ thuật, viết hồi ký. Cũng có thể là làm các kênh vlog và kinh doanh online. Cũng có thể là gây quỹ vì mục tiêu thiện nguyện. Hoặc đơn giản là dành thời gian cho những mối quan hệ quan trọng của hiện tại.
Vấn đề luôn được thảo luận sau đó thường liên quan đến tự do tài chính. Nói một cách đơn giản là bạn có bao nhiêu tiền để “nghỉ hưu”? Những con số thường được trích dẫn nhiều như phải tiết kiệm 75% thu nhập hàng năm trước khi nghỉ hưu của bạn cho mỗi năm bạn định sống tự do hoặc cần tính toán lượng tiền chi tiêu tối thiểu của cả gia đình một năm và nhân với 25 lần để ra được con số cần có cho tự do tài chính.
Thế nhưng, vấn đề là có quá nhiều biến số bất định ảnh hưởng đến việc tiết kiệm, chẳng hạn như nhiều người sống lâu hơn và thường dành 20-30 năm để nghỉ hưu, hoặc nhiều người già cũng có thể bắt đầu sự nghiệp từ những đam mê thời trẻ của mình. Có người sẽ thích đi du lịch và những thú chơi đắt đỏ mà cả đời đi làm không dám nhưng có người lại chỉ muốn sống tối giản và dè xẻn chi tiêu. Vì quá nhiều yếu tố “đau đầu” như thế, khiến chúng ta trì hoãn, tránh theo đuổi việc tiết kiệm cho tự do tài chính từ sớm.
Hơn nữa, vừa phải tiết kiệm cho “nghỉ hưu” lại vừa phải tiết kiệm cho những khoản chi thường xuyên là vấn đề rất lớn. Việc phải lập ngân sách hàng tháng, mua sắm và quyết định tài chính khác dường như rất xa xôi đối với độ tuổi 20-30, vì họ là người đang cần trả nợ cho các khoản vay. Còn ở độ tuổi 40, chúng ta lại phải tiết kiệm cho việc giáo dục con trẻ. Độ tuổi 50 thì phải tiết kiệm để thanh toán các khoản chi cho kỳ nghỉ, nhà ở, ô tô.,, Mỗi giai đoạn cuộc đời đều có các mục đích chi tiêu tài chính có vẻ “nổi bật” và “chính đáng” hơn nhiều so với việc tiết kiệm tiền để “nghỉ hưu”.
Thế nên, dẫu nhiều người độ tuổi 40 bắt đầu cảm thấy có trách nhiệm và khẩn trương với việc tiết kiệm cho nghỉ hưu nhưng cảm giác cấp bách này lại không chuyển thành hành động kịp thời.
Trong Khảo sát “Cuộc sống độc lập khi về già” do Prudential phối hợp cùng công ty nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam thực hiện cũng cho thấy mặc dù 85% người Việt Nam mong muốn có một cuộc sống độc lập khi về già nhưng chỉ có 40% lên kế hoạch và hành động chuẩn bị cho việc này. Đáng lo hơn là từ tuổi 40, chúng ta đã suy nghĩ hoạch định cho cuộc sống về già ở tuổi 40 ở ba khía cạnh: sức khỏe thể chất, tinh thần và tài chính nhưng chỉ có khoảng 40% số người tham gia trả lời cảm thấy tự tin có thể đạt được các kỳ vọng của mình về cả ba khía cạnh khi đến tuổi nghỉ hưu.
Chỉ có 4 trên 10 người Việt Nam lên kế hoạch và hành động cho cuộc sống về già của mình |
Nhiều người nghĩ “lấy đâu ra để tiết kiệm” nhưng phần lớn họ đều không hiểu cách tăng trưởng theo cấp số nhân của món tiền tiết kiệm như thế nào. Vì vậy, điều quan trọng là phải lập kế hoạch và chuyển thành hành động ngay, không đợi thêm một ngày nào nữa. Số tiền này sẽ tăng lên theo cấp số nhân, theo thời gian, bạn sẽ bất ngờ về giá trị của nó.
Tất nhiên cuộc sống là hữu hạn, lập kế hoạch cho tự do và hạnh phúc tuổi già không chỉ có tiền. Chúng ta cần đầu tư cho những điều có ý nghĩa của cuộc sống. Ví dụ như sự trưởng thành và độc lập của con cái. Chuẩn bị cho mình một sức khỏe thể chất tốt với kế hoạch luyện tập và ăn uống khoa học từ sớm. Chuẩn bị một sức khỏe tinh thần tốt bằng việc đầu tư phát triển các mối quan hệ ý nghĩa thân tình ngay khi còn trẻ, làm bận rộn bản thân bằng những hoạt động sở thích; tham gia các hoạt động thiện nguyện và trao tặng, thay đổi góc nhìn bằng tư duy mở.
Nếu chỉ có tiền mà sống không ý nghĩa, chúng ta chỉ đơn giản là tồn tại (PGS.TS Trần Thành Nam)