“Tư duy lạc hậu đang níu chân cải cách tư pháp”

“Yêu cầu là phải luật hóa các quan điểm mới trong Hiến pháp 2013 và đáp ứng tinh thần cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị nhưng xem ra tư duy cũ, lạc hậu vẫn còn níu kéo” - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Trương Trọng Nghĩa nhận xét. Ông Nghĩa dẫn chứng cụ thể bằng dự luật tổ chức cơ quan điều tra (CQĐT). Nguyên tắc lâu nay là VKS giám sát, kiểm tra với hoạt động điều tra; công tố gắn với điều tra. Các quyết định tố tụng quan trọng như khởi tố bị can, khám xét, bắt tạm giam... của CQĐT phải được VKS phê chuẩn. Khi cần thiết, VKS có quyền đưa ra yêu cầu điều tra bổ sung. Thế nhưng trong dự thảo do Bộ Công an chuẩn bị lại xuất hiện phương án: Khi không đồng ý với ý kiến của VKS cùng cấp, CQĐT có quyền báo cáo lên CQĐT cấp trên và chấp hành chỉ đạo của cấp trên thay vì thực hiện yêu cầu của VKS.

Về hoạt động luật sư, ông Nghĩa cho rằng Thông tư 70/2011 của Bộ Công an về “bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự” có những quy định gây khó cho luật sư, ảnh hưởng quyền của người bị tạm giam, tạm giữ. Theo Thông tư 70, người bị bắt giữ không có cơ hội gặp gỡ trực tiếp luật sư để bày tỏ quan điểm của mình về quyền mời luật sư. Thay vào đó, những giao tiếp ban đầu của họ phải thực hiện gián tiếp qua điều tra viên. Nhiều trường hợp gia đình mời luật sư nhưng CQĐT lại thông báo lại rằng người bị tạm giam không muốn luật sư, chẳng biết thật hư thế nào. Vướng mắc này chưa được giải quyết thì mới đây Bộ Công an lại ban hành Thông tư 28, có nội dung dẫn tới nguy cơ điều tra viên tùy tiện cản trở hoạt động của luật sư.

“Chúng tôi đã kiến nghị và mong Bộ Công an sớm sửa đổi. Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam có quyền hiến định nhờ luật sư bào chữa. Quyền này cần được luật hóa thành quyền được gặp luật sư. Như thế sẽ khắc phục phần nào tình trạng hầu hết bản cung đầu tiên rất quan trọng lại được thực hiện mà không có mặt luật sư. Sẽ khắc phục tình trạng nhiều vụ bức cung, nhục hình xảy ra ngay khi mới bắt giữ, ở giai đoạn tiền tố tụng không có luật sư” - ông Nghĩa đề nghị.

Nhiều thành viên đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương cũng tán đồng với kiến nghị của giới luật sư. Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Hữu Thể đánh giá việc sửa các luật tố tụng, luật tổ chức cơ quan tố tụng tới đây là cơ hội để khắc phục những yếu kém, hạn chế trong hoạt động tư pháp thời gian qua. Về vấn nạn bức cung, nhục hình, ông Thể đánh giá là thường xảy ra ở giai đoạn tiền tố tụng nhất. Vì theo quy định hiện hành, khi mới bắt giữ người, VKS và luật sư chưa có quyền tham gia để giám sát. Lúc ấy công an rất dễ lạm quyền.

Kết luận buổi làm việc, ông Trương Hòa Bình (Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Chánh án TAND Tối cao) ghi nhận các kiến nghị của Liên đoàn Luật sư. Ông Bình nhấn mạnh luật sư đang giữ vai trò ngày càng quan trọng hơn, không chỉ trong hoạt động tố tụng mà ở mọi mặt của đời sống.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm