Từ năm 2025, Bộ GD&ĐT cho phép trường học xây cao 5 tầng

(PLO)- Từ năm 2025, Bộ GD&ĐT cho phép trường học xây cao 5 tầng trong bối cảnh các TP lớn đang thiếu đất xây trường.

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 23/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 13/2020 quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Đáng chú ý, ở thông tư mới, Bộ GD&ĐT nới lỏng quy định, cho phép trường học xây cao 5 tầng.

Từ năm 2025, Bộ GD&ĐT cho phép trường học xây cao 5 tầng để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh TP. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Cụ thể, ở cấp tiểu học, Bộ GD&ĐT nêu: Các hạng mục công trình phục vụ trực tiếp cho hoạt động dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục cao không quá 5 tầng (thông tư cũ quy định không quá 3 tầng).

Ở cấp THCS và THPT, Bộ GD&ĐT cũng điều chỉnh quy định về độ cao của các hạng mục công trình phục vụ trực tiếp cho hoạt động dạy học từ “cao không quá 4 tầng” lên “cao không quá 5 tầng”.

Việc trường học xây cao 5 tầng sẽ tăng thêm số lớp đồng nghĩa tăng thêm cơ hội học tập cho học sinh.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng giảm yêu cầu về diện tích bình quân trên một học sinh cho trường học ở đô thị loại III trở lên, từ 10 xuống 8m2 với trẻ mầm non, 8 xuống 6m2 với học sinh tiểu học và THCS. Riêng bậc THPT, quy định hiện hành chưa có tiêu chí này nên được bổ sung - cũng là 6m2 với một học sinh.

Theo thông tư mới, phòng nghỉ dành cho giáo viên, các tổ chức Đảng, đoàn thể hiện không còn là yêu cầu bắt buộc của các trường khi muốn đạt chuẩn quốc gia.

Việc ra quy định trường học xây cao 5 tầng đã cho thấy sự tiếp thu, lắng nghe ý kiến và tháo gỡ khó khăn của các địa phương từ Bộ GD&ĐT. Bởi, vấn đề này đã từng được TP.HCM, Hà Nội kiến nghị với Bộ GD&ĐT.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước. Năm học 2022-2023, toàn TP Hà Nội có khoảng 2.870 trường mầm non, phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên với gần 2,2 triệu học sinh.

Hà Nội kiến nghị, hiện nay, thủ đô đang có tình trạng tăng dân số cơ học cao. Mỗi năm, tăng từ 50.000 - 60.000 học sinh, tương đương cần xây mới 30 - 40 trường học, tuy nhiên, một số quận nội thành hiện không còn quỹ đất.

Để đáp ứng chuẩn xây dựng trường học, Hà Nội đề nghị các cấp xem xét cho phép TP Hà Nội sử dụng chỉ tiêu diện tích sử dụng trên đầu học sinh thay thế cho chỉ tiêu diện tích đất trên học sinh. Đồng thời, đề xuất Chính phủ cho phép Hà Nội được nâng tầng với các khối nhà xây dựng; cho phép Hà Nội xây tầng hầm cho nhà trường ở quận nội thành để khai thác quỹ đất hiệu quả.

Tương tự, TP.HCM cũng từng đề xuất với Bộ GD&ĐT về việc cho phép TP thực hiện thí điểm các dự án xây dựng trường học ở các quận nội thành không còn quỹ đất, được nâng tầng cao phù hợp thực tế từng địa bàn, tính chất từng dự án một...

Thông tư 23/2024 có hiệu lực từ ngày 31-1-2025.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới