Thời gian qua, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra một số vụ bắt cóc trẻ em, như PLO đã thông tin: “Nợ nần do thua cờ bạc, bắt con của bạn thân đòi 2 tỷ tiền chuộc”, “Nghi phạm bắt cóc bé gái ở Hà Nội với động cơ tống tiền 1,5 tỷ đồng”... Những vụ việc nói trên là hồi chuông cảnh báo đối với các bậc phụ huynh trong việc quản lý con cái để tránh xảy ra sự việc đáng tiếc.
Để bạn đọc hiểu rõ hơn về loại hình tội phạm này, tâm lý các nghi phạm bắt cóc và cách phòng ngừa vấn nạn bắt cóc có thể xảy ra với trẻ em, chuyên gia tâm lý GS.TS Lê Quý Anh (Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Khoa học Công nghệ TP.HCM) đã có những chia sẻ với PLO.
Bắt cóc là hiện tượng đáng báo động
. Phóng viên: Thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ án bắt cóc trẻ em rất là manh động, thậm chí là sát hại. Ông nghĩ sao về hành động của các đối tượng này?
+ GS.TS Lê Quý Anh: Như chúng ta thấy, những năm trước nước ta hiếm có hành động bắt cóc kiểu này, ở phương Tây và các nước khác là nhiều.
Có lẽ những hiện tượng này xuất hiện là do các đối tượng học ở trên mạng xã hội. Kèm theo đó là những ẩn ức cá nhân như khó khăn về kinh tế, về làm ăn thua lỗ hoặc là về cờ bạc, các đối tượng nghĩ ra một thủ đoạn nào đấy để kiếm tiền.
Đây là một hiện tượng đáng báo động, cần được làm rõ, sáng tỏ để cảnh tỉnh xã hội.
. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện, các đối tượng sẵn sàng trong tâm thế là chống trả, thậm chí là có thể sát hại nạn nhân dù biết là phạm tội nặng. Đã có những hậu quả đau lòng xảy ra. Ông nhận định những hành vi này ra sao?
+ Trước hết chúng ta phải nói về tâm lý, người Việt đã có nói câu “Khi mà đuổi chó chạy đường cùng thì nhất định con chó nó sẽ quay lại cắn liều”. Khi đối tượng quyết tâm bắt cóc thì chúng có hi vọng là sẽ được người khác trả bằng tiền để chúng giải quyết vấn đề nợ nần của cá nhân.
Khi đối tượng thấy rằng mong muốn của chúng không thực hiện được mà công an đã vào cuộc thì biết chắc rằng không con đường nào thoát, chúng thường liều lĩnh chống trả. Trạng thái tâm lý lúc này không còn tỉnh táo, sẽ nảy sinh trạng thái tâm lý liều lĩnh. Đây là những hiện tượng cần lưu ý để chúng ta không đẩy các đối tượng vào đường cùng.
Phụ huynh cần làm gì để phòng tránh, ngăn chặn?
. Trường hợp gia đình bất ngờ nhận được cuộc gọi báo con mình bị bắt cóc thì phụ huynh nên làm gì, thưa ông?
+ Việc đầu tiên khi mà nhận được tin bắt cóc như vậy thì gia đình phải bình tĩnh. Cần hiểu rằng nạn nhân bị bắt cóc, tức là con của mình vẫn đang còn thì lúc đó mình phải khôn khéo, một mặt là phải thỏa thuận, thỏa hiệp với đối tượng bắt cóc để đối tượng tin rằng là đã giải quyết được phần nào mong muốn của chúng, đối tượng không bị rơi vào đường cùng.
Mặt khác, gia đình cần bí mật bàn với các cơ quan chức năng an ninh để các cơ quan này có nghiệp vụ, có chuyên môn để xử lý vấn đề làm như thế nào để cứu được nạn nhân. Phụ nên cứ yên tâm rằng khi đối tượng bắt cóc mà gọi điện đến tức là con của mình chưa bị sát hại.
Nếu gia đình không khôn khéo, làm ầm lên hoặc manh động thì có thể đối tượng sẽ sát hại nạn nhân sau đấy. Như vậy thì việc đầu tiên đừng có làm ầm ĩ lên và đừng làm chuyện phức tạp, lúc ấy gia đình phải tế nhị và khôn ngoan, khéo léo, đặc biệt là tế nhị, một mặt là vẫn liên hệ với đối tượng thường xuyên. Một mặt nữa là phải có sự liên hệ bí mật với cơ quan chức năng.
. Hiện nay nhiều phụ huynh thuê thuê bảo mẫu hoặc những người giúp việc để trông giữ con cái của mình. Ông có góp ý như thế nào để họ lựa chọn những bảo mẫu, những người mà mình tin tưởng nhất để trông giữ con của mình?
+ Đối tượng bắt cóc bao giờ cũng nhắm vào những gia đình khá giả và chúng không bao giờ bắt cóc đối với những gia đình khó khăn. Đối với người bảo mẫu thì tùy trường hợp mà cần cảnh giác vì có thể họ trở thành tay trong. Các gia đình nên chọn bảo mẫu đáng tin cậy, lý lịch rõ ràng.
Nếu như bảo mẫu có những cử chỉ hành động hay biểu hiện tâm lý khác thường thì chúng ta cũng phải chú ý cảnh giác chứ không thể phó thác con mình cho bảo mẫu một cách hoàn toàn như vậy.
. Ông có những khuyến cáo hay những biện pháp nào nhắc nhở phụ huynh để không xảy ra những vụ bắt cóc trên?
+ Tôi quan sát thấy gần đây nạn bắt cóc có tính lây lan, khi có một đối tượng bắt cóc này thì vài hôm sau xuất hiện một đối tượng bắt cóc khác. Các phụ huynh cần cảnh giác, để ý làm sao để con mình trong vòng an toàn, kiểm soát được.
Phụ huynh cũng cần trang bị các kỹ năng an toàn cho con như không nhận quà từ người lại, đi thưa về trình...
Những gia đình có con cái luôn luôn phải cảnh giác và để ý mình, nhất là những gia đình khá giả như vậy thì phải kín đáo, đừng chứng tỏ mình có tiền và luôn luôn theo dõi thường xuyên con của mình. Chúng ta nhất định phải ngăn chặn hành động bắt cóc này bằng đóng góp tích cực của các gia đình, nếu như đợi xã hội can thiệp vào việc bắt cóc thì mọi việc đã rồi và lúc ấy có thể nguy hiểm đến tính mạng của con em mình.
Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là tội danh thuộc nhóm tội về xâm phạm sở hữu của Bộ luật Hình sự. Căn cứ Điều 169 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), người phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm, 05 năm đến 12 năm, từ 10 năm đến 18 năm, 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân trong trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Th.S LS Nguyễn Đức Thắng Ý, Đoàn Luật sư TP.HCM