Đọc bài "Vụ cô gái bị nạn không ai cứu: Tôi đau lắm!" phê phán những người qua đường đã lạnh lùng bỏ đi mà không cứu giúp nạn nhân, tôi thấy bóng dáng mình ở đâu đó trong số họ.
Câu chuyện tài xế taxi Vinasun và những người tham gia giao thông vào sáng ngày 25-6 tại giao lộ Tân Hương – Võ Công Tồn bỏ mặc hai nạn nhân khi xảy ra tai nạn đã gây nên nhiều bức xúc trong cộng đồng.
Không thể phủ nhận sự thờ ơ trước hai tính mạng đang lúc nguy kịch của tài xế và người dân là quá ư lãnh cảm, nếu không muốn gọi tên đúng cho hành vi này là độc ác. Nhưng tôi muốn mọi người hãy nhìn rộng thêm ở một khía cạnh khác.
Cha tôi là một tài xế lái xe ô tô và dù không có ý dạy con trở thành người vô cảm, nhưng từ những ngày đầu tôi lái xe máy, cha đã bảo tôi hãy tránh xa những vụ tai nạn. Bởi hơn ai hết, cha tôi biết điều đó sẽ gây nên biết bao rắc rối và phiền hà cho cả những ai có lòng tốt cứu giúp người gặp nạn.
Đã nhiều lần, cha tôi và nhiều tài xế khác là bạn của ông đã từng bị đánh, bị đuổi đòi giết khi cứu giúp những nạn nhân gặp tại giao thông. Người đuổi đánh có thể là người nhà nạn nhân, cũng có thể là người đi đường, việc tấn công như một cách đòi lại công bằng cho nạn nhân. Trong khi, những người cứu giúp đó họ không hề có lỗi, thậm chí cũng chẳng liên quan đến vụ tai nạn. Và cũng vì vậy, trong rất nhiều vụ tai nạn, khi nhận thấy nạn nhân có cơ hội sống rất mong manh thì người tài xế chọn cách bỏ mặc nạn nhân để bảo vệ tính mạng của mình, hoặc phải nhờ sự có mặt của CSGT mới có thể cứu chữa được cho nạn nhận.
Công an đang khám nghiệm hiện trường để phục vụ công tác điều tra vụ tai nạn giao thông tại giao lộ Tân Hương – Võ Công Tồn.
Không thể phủ nhận một thực tế là có nhiều người tham gia giao thông rất muốn cứu người nhưng lại sợ phiền hà. Điều này dễ nhìn thấy trong những vụ tai nạn giao thông, đặc biệt là những vụ có người gây tai nạn bỏ chạy, tai nạn xảy ra trên đoạn đường vắng thì những ai đến cứu giúp nạn nhân sau đó thường gặp rắc rối.
Tháng 2-2017, vụ việc một nam thanh niên bị đâm khi cứu giúp cô gái bị nạn ở Bắc Ninh là điển hình của sự rắc rối này. Nam thanh niên Nguyễn Hải Sơn từ việc đưa người gặp tai nạn đến bệnh việc cấp cứu đã phải nhận nhát dao đâm vào người vì người thân của nạn nhân hiểu nhầm anh Hải Sơn là người gây tai nạn.
Từ người tốt bị hóa thành kẻ xấu là chuyện chẳng lạ đối với nhiều cá nhân khi cứu giúp người bị tai nạn giao thông. Thực tế, khi một cá nhân nhập viện trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng thì đội ngũ y bác sỹ của bệnh viện đều khẩn cấp tìm người thân của nạn nhân để làm thủ tục nhập viện, viết giấy cam kết nếu có chuyện chẳng may xảy ra. Rất nhiều người cứu giúp nạn nhân cảm thấy lúng túng trong việc xử lý tình huống này. Chẳng sai, khi người ta sợ phải gánh lấy trách nhiệm từ trên trời rơi xuống, một mạng người đâu phải là chuyện nhỏ.
Đó là chưa kể đến, nếu không biết cách sơ cứu, chuyên chở nạn nhân đúng cách sẽ làm tăng thêm nguy hiểm cho nạn nhân. Thêm vào đó, sau khi cứu giúp nạn nhân, nhiều người lại vướng vào vòng lao lý, phải liên tục bị các cơ quan tố tụng gọi lên để đối chất, để cho lời khai, để làm nhân chứng. Khi ấy, họ phải mất thời gian, mất công việc. Như vậy, thử hỏi bạn có muốn giúp một người để rồi tự đưa mình vào biết bao phiền phức hay lựa chọn một cái nhấn ga bỏ đi.
Nhìn cảnh cô gái ra đi không một lời trăng trối với người thân, ra đi trong sự lạnh lùng của tài xế gây ra tai nạn và những người qua đường, tôi ước gì cô gái ấy đã được một người hùng nào đó cứu sống. Còn riêng tôi, thật lòng mà nói nếu có mặt ở đó, tôi nghĩ mình không đủ dũng khí để cứu giúp cô gái bị nạn ở giao lộ Tân Hương – Võ Công Tồn. Bởi tôi sợ mình tiếp tục trở thành nạn nhân của sự hiểu lầm, của những phán xét nóng vội và phải gánh nhiều hậu quả nặng nề khác.
(*) Bài viết là góc nhìn riêng của tác giả gửi đến PLO