Chủ tịch Hội nghề cá Bình Thuận:

'Từng có lúc biển của chúng tôi không còn con gì'

(PLO)-  “Ngày trước giã cào bay giã nát biển, trong 100m2 không còn một con nào sống. Sau khi hình thành cộng đồng thì chỉ sau hai năm, 1m2 lên 425 con”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 16-8, một toạ đàm khá ý nghĩa về phát huy vai trò cộng đồng trong thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được Bộ NN&PTNT tổ chức, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

Chia sẻ câu chuyện ở địa phương mình, ông Huỳnh Quang Huy, Chủ tịch Hội nghề cá Bình Thuận cho hay: Bình Thuận được trời thương cho nguồn lợi thủy sản lớn, được đánh giá là một trong ba ngư trường trọng điểm của cả nước. Bao đời nay, ngư dân Bình Thuận sống bằng nguồn lợi đó, nhưng đến một giai đoạn, biển của Bình Thuận không còn gì.

“Năm 1990, chúng tôi đánh giá liên tục trong 5 năm liền, khảo sát 100 m2 giật mình khi thấy không còn một con gì. Khi đó tôi còn làm cán bộ quản lý, đã nhận nhiều ý kiến của ngư dân, trách móc chúng tôi rằng giữ biển như vậy con cháu còn gì mà ăn. Tôi cũng nhận được đơn của ngư dân, họ học lớp 2 thôi, họ bảo để chúng tôi giữ biển, chứ các ông giữ biển kiểu đó nguồn lợi còn gì mà ăn” - ông Huy nhớ lại.

Bản đồ phân vùng nguồn lợi môi trường tỉnh Bình Thuận. Nguồn: Huỳnh Quang Huy

Bản đồ phân vùng nguồn lợi môi trường tỉnh Bình Thuận. Nguồn: Huỳnh Quang Huy

Ông Huy cho biết, hậu quả của tình trạng đó là việc nhiều chủ trương quản lý không còn hiệu quả nữa.

“Ở biển chúng tôi có 192 km đường biển nhưng chỉ có ba tàu kiểm ngư mà tốc độ chỉ 7 lý/giờ, trong khi tàu đánh cá 14 lý/giờ. Họ chạy gấp đôi chúng tôi thì làm sao mà chúng tôi bảo vệ được, tàu chạy đến nơi thì họ đi mất tiêu rồi” - ông Huy nói, đồng thời cho biết giải pháp khi đó được đưa ra là phải giao biển cho ngư dân đồng quản lý.

Việc giao biển cho ngư dân đồng quản lý vừa để khắc phục sự quá tải trong quản lý, vừa đáp ứng mong mỏi của ngư dân về việc cơ quan quản lý phải vào cuộc.

“Ban đầu, tôi mất 30 buổi cà phê mới kiếm được 5 ngư dân tham gia vào dự án giữ biển, sau đó lên 10 người, thành lập ban vận đồng hình thành cộng đồng để giữ biển vào năm 2013” - Chủ tịch Hội nghề cá Bình Thuận chia sẻ.

Quá trình lo thủ tục để thành lập cộng đồng này rất khó khăn, phải thông qua 37 văn bản với 4 lần phản biện và không có nguồn lực, ngư dân nhiều người còn không tin tưởng.

Nhưng chỉ sau hai năm nỗ lực triển khai, cộng đồng đã phát huy hiệu quả. Lượng giã cào bay xâm phạm giảm 90%.

“Ngày trước giã cào bay đi sát bờ biển, giã nát biển, trong 100m2 không còn một con nào sống. Sau khi hình thành cộng đồng, cộng đồng đứng lên bảo vệ thì sau 2 năm, 1m2 lên 425 con. Mừng nhất là người dân đã hiểu được làm cộng đồng là như thế nào, bảo tồn là thế nào, phục hồi được nguồn lợi, ngăn chặn xâm phạm” - ông Huy cho hay.

Ông Huỳnh Quang Huy, Chủ tịch Hội nghề cá Bình Thuận chia sẻ tại toạ đàm chiều 16-8. Ảnh: Nông nghiệp

Ông Huỳnh Quang Huy, Chủ tịch Hội nghề cá Bình Thuận chia sẻ tại toạ đàm chiều 16-8. Ảnh: Nông nghiệp

Với sự hỗ trợ của UNDP, Bình Thuận triển khai được ba dự án cộng đồng như vậy, quản lý 43 km2, dọc theo bờ biển của huyện Hàm Thuận Nam. Từ năm 2017 đến nay, sau khi nguồn hỗ trợ của UNDP kết thúc, các mô hình vẫn hoạt động hiểu quả, người dân ngày càng tự giác tham gia.

“Năm 2015, có những đêm ngư dân làm không kiếm nổi 500.000 đồng nhưng bây giờ, có đêm kiếm được đến 10 triệu đồng từ thủy sản” - ông Huy thông tin.

Theo ông Huy, đây là kết quả của việc người dân tham gia vào cộng đồng bảo vệ, phục hồi nguồn lợi thủy sản, cụ thể là làm cội chà thả xuống biển để tôm cá có nơi phát triển. Nếu như thời gian đầu rất nhiều người lên án việc thả cội chà, cho rằng ảnh hưởng đến giao thông biển thì bây giờ ngư dân còn tự bỏ tiền làm cội chà để thả xuống biển, tái tạo nguồn tôm cá.

Chủ tịch Hội nghề cá Bình Thuận cho rằng, để phát triển quy mô của cách làm này, có thể huy động nguồn từ Quỹ bảo vệ nguồn lợi thủy sản để khuyến khích cộng đồng. Bên cạnh đó, cần xây dựng sinh kế bền vững cho cộng đồng, có thể phát triển du lịch sinh thái. Đồng thời cần thêm sự đầu tư, có sự tham gia của doanh nghiệp để các hoạt động này hiệu quả và bền vững.

Phát biểu sau đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, khi kết luận sau phiên chất vấn chiều 15-8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có nhắc tới từ “cộng đồng”, phát triển cộng đồng đồng quản lý.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng đây là gợi ý để ngành nông nghiệp đi tiếp, bắt đầu từ nội lực cộng đồng, sau đó thu hút nguồn lực bên ngoài, trong đó có nguồn lực của Nhà nước.

Bộ trưởng cho rằng cần thuyết phục người dân để họ hiểu rằng mô hình cộng đồng, mô hình hội quán là sản phẩm của người nông dân và cần phải giúp người dân hiểu được giá trị của những mô hình này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm