Tuổi Công Phượng: Bộ Tư pháp cần vào cuộc

Vụ tuổi thật của cầu thủ Công Phượng đang ồn ào trên các phương tiện thông tin suốt thời gian qua nhưng đến nay vẫn chưa có lời giải.

Sau khi báo Thể Thao 24 Giờ và chương trình Chuyển động 24 giờ của VTV1 nêu nghi vấn Công Phượng sinh năm 1993 (lệch với năm sinh trong khai sinh và passport dùng để thi đấu trong đội U-19 Việt Nam và U-19 HA Gia Lai là 1995), đã có rất nhiều “đoàn” đến xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An để “đi tìm sự thật”.

Đại diện HA Gia Lai cùng một đoàn 15 thành viên của nhiều tờ báo đến đấy sớm nhất và được tư pháp xã, trường học nơi Công Phượng học cấp 1 cung cấp những văn bản liên quan đến việc Công Phượng sinh năm 1995 và “họp báo” kết luận.

Những “sai số” về năm sinh của Công Phượng. Ảnh: NN

Sau đó LĐBĐ VN cũng cử đoàn thanh tra đến làm việc tương tự với những bộ phận trên và đưa ra kết luận đã có đầy đủ những chứng từ khẳng định Công Phượng sinh năm 1995.

Thế nhưng đến trưa 16-11, tức chỉ ba ngày sau kết luận chính thức của LĐBĐ VN chương trình Chuyển động 24 giờ của VTV1 lại tiếp tục thực hiện một phóng sự điều tra trưng ra được những chứng cứ khác đề cập Công Phương sinh năm 1993.

Điều đáng lưu ý ở đây không còn là những tranh cãi đúng - sai về tuổi Công Phượng nữa mà hộ tịch của một công dân đã bị xáo trộn một cách kỳ lạ. Khi cán bộ và lãnh đạo xã được hỏi đều cho biết đã mất hết những hồ sơ lưu khiến tại địa phương này cả ngàn người phải khai sinh lại với bản khai sinh không sổ, không số. Bên cạnh đó ở địa phương đấy lại có những học bạ lạ khi cùng một lớp, một trường, một năm học lại khác nét chữ, khác giấy và chính học sinh trong cùng lớp cũng không biết nhau!

Cũng trong chương trình Chuyển động 24 giờ, VTV đã trưng ra đến hai bản tốt nghiệp cấp 1 trong hai năm khác nhau của Công Phượng nhưng lại cùng một trường và một lớp. Lạ ở chỗ là khi tranh luận thì bản nào cũng được đóng dấu của trường và cùng được xem là bản đúng (!?).

Vụ việc của cầu thủ Công Phượng không đơn giản chỉ là chuyện banh bóng, cầu thủ đá đúng hay sai tuổi mà đây là những dấu hỏi lớn ở hệ thống tư pháp nơi Công Phượng sinh sống, trưởng thành và sinh hoạt. Những chứng từ liên quan đến nhân thân con người rất lạ khiến ai theo dõi vụ này cũng phải đặt ra câu hỏi: Tại sao lại có quá nhiều chứng từ lệch nhau, liên quan đến cả giáo dục, quản lý nhân sự, lưu trữ hồ sơ…

Vì thế rất cần sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Tư pháp để làm rõ những vấn đề mà người hâm mộ cả nước thắc mắc về một công dân (cầu thủ Công Phượng) có hai lý lịch và một địa phương có cả ngàn người phải làm lại khai sinh (như lời khẳng định của cán bộ xã trên VTV1). Bởi đã có những lỗ hổng trong việc quản lý nhân thân, tư pháp. Không loại trừ việc làm lại và làm lệch từ khai sinh đến hộ khẩu và sang đến cả việc học hành, giáo dục của công dân, dù suy luận này có hơi xa…

Tổng cục TDTT khi được hỏi về vấn đề trên đã nói rằng sẽ có đoàn thanh tra vào cuộc nhưng điều cần nhất vẫn là bộ phận có trách nhiệm cao nhất: Bộ Tư pháp.

Vì một công dân không thể có hai tuổi, hai năm sinh và sẽ có nhiều hệ lụy.

NGUYỄN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm