Cuốn sách 199 mấy – Hồi ấy làm gì? gồm hai phần chính. Phần I là những câu chuyện kỷ niệm về nơi ở, về những hoạt động sinh hoạt cộng đồng mà gần như đứa trẻ nào ở những năm 1990 cũng từng được trải qua.
Đó là câu chuyện vui chơi xung quanh khu tập thể, những trào lưu nở rộ thời ấy như nghe nhạc người lớn, sinh hoạt hè và tập thể dục nhịp điệu, phá cỗ Trung thu, đốt pháo ngày Tết… Có cả những trò chơi mà chỉ thời ngày xưa mới có như bắt chuồn chuồn, chơi đồ hàng bằng lon sữa bò…
Phần II là hình ảnh của những món đồ tuổi thơ như quà vặt, đồ chơi, truyện tranh, chơi chuyền chơi chắt, nhảy dây nhảy ngựa… hay những bộ phim kinh điển mà thế hệ 8X, 9X đến giờ vẫn còn nhớ.
Tất cả những kỷ niệm đó được kể lại không chỉ bằng lời văn mộc mạc, giản dị của tác giả Trang Neko mà còn được tái hiện một cách sinh động bằng những bức hình của họa sĩ X.Lan.
Một số trang trong cuốn sách.
Đó là câu chuyện của những đứa em vì tuổi nhỏ hơn nên không được phép chơi cùng các anh chị lớn, chỉ biết lẽo đẽo đi theo sau và trở thành “bình vôi” trong mắt anh chị.
Hay là hồi ức cảnh hai chị em nhăn mặt vì thi nhau ăn những lát chanh, lát sấu ngậm đầy muối. Hoặc cảnh chiếc vợt cầu lông bị cháy xém vì cậu bạn hàng xóm mượn để làm lưới nướng thịt.
Những dịp Trung thu với mâm cỗ đầy ắp là niềm mơ ước của nhiều trẻ em thời ấy, vì chỉ đến Trung thu mới được ăn nhiều bánh kẹo. Rồi dịp sinh hoạt hè trong khu tập thể thay vì tập aerobic, lũ trẻ lại chuyển sang chơi ném lon hay chơi vòng quanh sô cô la thịnh hành khi đó.
Trang Neko và X.Lan đều là những người trẻ thuộc thế hệ cuối 8X. Vào những năm 1990 họ vẫn chỉ là những đứa trẻ tiểu học, vẫn còn nghịch ngợm, ham chơi và ngây thơ. Nhưng chính những nét hồn nhiên ấy đã phác họa lại một thời ký ức mà ai cũng tìm thấy một phần tuổi thơ của mình trong đó.
Hai tác giả lựa chọn kể câu chuyện của mình vào những năm 1990 – 1999 bởi lẽ quãng thời gian đó là khi đất nước đã được hoàn toàn giải phóng và bắt đầu xây dựng đời sống kinh tế sau thời kỳ đổi mới.
Trẻ con được hoàn toàn là trẻ con, được học hành, được vui chơi đúng nghĩa. Thời ấy dù chẳng có điện thoại cầm tay hay bất cứ đồ chơi hoa mỹ nào mà vẫn vui suốt cả bốn mùa.