Ngày 23-3, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị công bố điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại TP Cần Thơ.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CTV
Bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết đồ án quy hoạch vùng ĐBSCL đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2009. Thời gian qua, vùng đã nhận được nhiều chính sách hỗ trợ, ưu tiên đầu tư phát triển của Trung ương. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn nhiều thách thức mới như tác động của biến đổi khí hậu, hạn chế trong liên kết vùng, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng… làm ảnh hưởng đến sự phát triển của vùng.
“Trong bối cảnh phát triển mới, để đáp ứng các yêu cầu phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 15-1-2018. Theo đó, sự phát triển của ĐBSCL không chỉ có ý nghĩa đối với các tỉnh trong vùng mà còn đối với quốc gia, đặc biệt trong vấn đề phát triển sản xuất nông nghiệp” – Thứ trưởng Linh nói.
Theo đó, nội dung điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL gồm các phần: mục tiêu phát triển; phạm vi, quy mô; tính chất; chỉ tiêu dân số, đô thị hóa, đất xây dựng đô thị và nông thôn; mô hình phát triển và cấu trúc không gian; định hướng phát triển không gian vùng; định hướng phát triển hệ thống giao thông; định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật; đánh giá môi trường chiến lược.
Về mục tiêu phát triển, phát triển vùng ĐBSCL theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, có vai trò, vị thế quan trọng đối với quốc gia và khu vực Đông Nam Á. Phát triển vùng ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm quốc gia về sản xuất nông nghiệp và đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, phát triển mạnh kinh tế biển, du lịch sinh thái cảnh quan sông nước. Phát triển không gian vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, mang đặc thù của vùng ĐBSCL, nhằm phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường cảnh quan sinh thái đặc trưng của vùng hạ lưu sông Mêkông, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Phạm vi vùng ĐBSCL bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của TP Cần Thơ và 12 tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Tổng diện tích toàn vùng khoảng 40.604,7 km2.
Dự báo đến năm 2030, dân số toàn vùng khoảng 18 – 19 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 6,5 – 7,5 triệu người, tương ứng tỷ lệ đô thị hóa 35%– 40%.
Về định hướng phát triển hệ thống giao thông, đối với đường bộ thì hoàn thiện và xây mới các tuyến đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Cần Thơ – Cà Mau, Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng.
Các quốc lộ hiện hữu cải tạo nâng cấp. Xây mới các tuyến đường quốc lộ tránh đô thị và nâng cấp một số tuyến đường tỉnh quan trọng trong vùng lên quốc lộ. Các tuyến quốc lộ đạt tiêu chuẩn đường cấp II, cấp III đồng bằng…
Đối với đường biển thì tập trung cải tạo, nâng cấp luồng vào các cảng trên sông Hậu, sông Tiền, bán đảo Cà Mau và ven biển Tây. Đường thủy nội địa ưu tiên đầu tư phát triển các tuyến kết nối thuận tiện và đồng bộ với giao thông đường bộ.
Về đường sắt, xây dựng và phát triển các tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ và Cần Thơ – Cà Mau tuân thủ Quyết định 1468/2015 của Thủ tướng.
Về đường hàng không, đến năm 2030, các cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc đạt tiêu chuẩn cấp 4E (tiêu chuẩn của tổ chức hàng không quốc tế ICAO), các cảng nội địa Cà Mau, Rạch Giá đạt tiêu chuẩn cấp 4C.