Tương lai xung đột Israel - Hamas khi thoả thuận ngừng bắn sụp đổ

(PLO)- Xung đột Israel - Hamas leo thang nghiêm trọng và có xu hướng lan rộng khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về tương lai cuộc xung đột sau khi thoả thuận ngừng bắn đổ vỡ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 4-12 đánh dấu ngày thứ tư Israel và phong trào Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) nối lại chiến sự sau một tuần đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Và chỉ trong bốn ngày qua, cuộc xung đột đã bộc lộ những dấu hiệu leo thang nghiêm trọng từ trên chiến trường đến bàn đàm phán. Liệu tương lai cuộc xung đột Israel - Hamas sau khi đàm phán sụp đổ sẽ thế nào?

Giao tranh trở lại và đáng ngại hơn trước

Ngay sau khi thông báo sẽ mở lại chiến dịch ở Dải Gaza với lý do Hamas vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, Israel đã triển khai hàng loạt đợt không kích và pháo kích trên khắp dải đất. Chỉ riêng ngày 4-12, Bộ Y tế Gaza cho biết có 316 người Palestine ở Gaza thiệt mạng và 664 người bị thương do các cuộc không kích của Israel, nâng tổng số người chết ở Gaza từ đầu xung đột lên 15.523 người, theo tờ The Guardian.

Đáng chú ý, trong những ngày qua, lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã cho thấy ý đồ tiến công xuống phía Nam Dải Gaza - khu vực vốn chịu ít giao tranh trước thỏa thuận ngừng bắn và cũng là nơi trú ẩn của hàng ngàn người sơ tán từ phía Bắc Gaza.

Ảnh-chinh-5-12 xung đột Israel - Hamas
Đống đổ nát tại TP Khan Younis (phía Nam Gaza) sau các đợt không kích. Ảnh: REUTERS

Cụ thể, sau những lời kêu gọi dân thường sơ tán “sâu hơn” về phía Nam cùng sự gia tăng cường độ tấn công vào các TP lớn ở Nam Gaza như Khan Yunes, Deir al-Balah... Tham mưu trưởng IDF - Trung tướng Herzi Halev ngày 3-12 xác nhận lực lượng Israel đã bắt đầu hoạt động ở miền Nam Gaza, đồng thời tiếp tục tiến lên ở phần phía Bắc của dải đất. “Sáng 2-12, chúng tôi bắt đầu hành động ở phía Nam Dải Gaza. Hoạt động ở phía Nam sẽ không kém phần mạnh mẽ so với các hoạt động ở phía Bắc Gaza” - ông Halev cho hay.

Tình hình ở Nam Gaza leo thang nguy hiểm đến mức người phát ngôn của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) James Elder nói rằng cuộc tấn công của Israel vào phía Nam Gaza hôm 3-12 là “cuộc bắn phá tồi tệ nhất” kể từ khi xung đột bùng phát và đưa ra lời “cảnh báo cuối cùng để cứu trẻ em” trước khi tình hình tồi tệ hơn.

Ở phía ngược lại, rocket từ Gaza liên tục nã vào lãnh thổ Israel từ khi hai bên nối lại giao tranh, thậm chí một vài đợt rocket bắn tới tận TP Tel Aviv - diễn biến đã không xảy ra từ ngày 20-11. Không những thế, Israel cũng tiếp tục lâm cảnh “tứ bề thọ địch” khi nước này thường xuyên hứng các đợt tấn công từ Syria vào khu vực biên giới phía Bắc, trong khi IDF đã đọ súng xuyên biên giới với nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon) bốn ngày liên tục và nhóm vũ trang Houthis (Yemen) tuyên bố nhắm mục tiêu vào bất cứ tàu nào qua Biển Đỏ nếu tàu đó “có liên hệ với Israel”.

Trên bàn đàm phán, tình hình cũng không mấy khả quan khi Israel ngày 2-12 thông báo đã triệu hồi nhóm đàm phán của Israel từ Qatar về nước vì đàm phán đã đi vào “ngõ cụt”. Phần mình, Phó Trưởng văn phòng chính trị Hamas Saleh al-Arouri nói rằng các cuộc đàm phán để trao đổi con tin và tù nhân giữa Hamas và Israel đã tạm dừng và sẽ không có cuộc trao đổi nào nữa cho đến khi “chiến tranh kết thúc”, theo kênh Al Jazeera.

Tương lai sau khi ngừng bắn đổ vỡ sẽ thế nào?

Theo giới phân tích, từ những tuyên bố của cả Israel và Hamas, nguy cơ xung đột leo thang và kéo dài ngày càng tăng, tuy nhiên vẫn có chỗ cho một thỏa thuận ngừng bắn mới.

Tại thời điểm hiện tại, khi khoảng 137 con tin Israel vẫn đang bị Hamas cầm giữ cùng với rất nhiều người Palestine đang bị giam trong các nhà tù của Israel, việc hai bên đồng ý gia hạn ngừng bắn để trao đổi con tin là điều có thể xảy ra, các nhà phân tích nói với đài CNN.

Ngày 4-12, Nhà Trắng thông báo một phái đoàn các quan chức Mỹ do ông Philip Gordon - cố vấn an ninh quốc gia của Phó Tổng thống Kamala Harris dẫn đầu sẽ đến Israel và Bờ Tây, gặp gỡ các quan chức Israel và Palestine để bàn về “tương lai Dải Gaza thời hậu chiến”.

Ngoài vấn đề con tin và người Palestine đang bị giam giữ, Al Jazeera đưa tin rằng Hamas nhiều lần bày tỏ sự sẵn sàng đổi thi thể các con tin Israel để lấy thi thể các chiến binh Hamas mà Israel đang nắm giữ. Điều này cho thấy giữa Israel và Hamas vẫn còn nhiều vấn đề để “nói chuyện” với nhau.

Ngoài ra, những nỗ lực hòa giải từ cộng đồng quốc tế có thể là chất xúc tác khiến Israel và Hamas tiến tới lần ngừng bắn tiếp theo. Trong những ngày qua, bất chấp việc hai bên trong cuộc xung đột cho rằng đàm phán đi vào ngõ cụt, các nhà hòa giả Qatar và Ai Cập vẫn tiếp tục đến Israel và Gaza để tìm cơ hội kéo dài các thỏa thuận ngừng bắn.

Ngày 4-12, Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al-Thani nhấn mạnh cam kết rằng Doha sẽ cùng các đối tác hòa giải khác “nỗ lực không ngừng nhằm khôi phục lại sự bình yên cho khu vực”. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 2-12 cũng cho biết sẽ tới Qatar để hỗ trợ nỗ lực khởi động một lệnh ngừng bắn mới.

Dù lạc quan về khả năng của một lệnh ngừng bắn tạm thời mới, nhiều chuyên gia cũng lo ngại các đợt giao tranh tiếp theo sẽ dữ dội hơn. Ông Yakov Amidror, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu chiến lược Jerusalem, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cho rằng việc tạm dừng giao tranh tuần trước đã “phá vỡ động lực chiến đấu của IDF và giúp Hamas có thêm thời gian tái tập hợp lực lượng”.

“Chúng tôi hiểu điều đó và chúng tôi sẵn sàng trả giá, vì đó là cái giá phải trả để giải thoát các con tin” - ông Amidror nói về lệnh ngừng bắn, đồng thời cho biết thêm rằng Israel đã chuẩn bị cho cuộc chiến “khốc liệt hơn để bù đắp cho thời gian đã mất”.•

Hàng trăm ngàn người Palestine mất việc do xung đột Israel - Hamas

Ngày 4-12, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã công bố báo cáo cho thấy hàng trăm ngàn người Palestine làm việc ở Israel và các khu định cư đã mất việc hoặc bị cắt lương sau khi chính quyền Israel hủy bỏ giấy phép lao động của họ và áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt trong việc nhập cảnh vào Israel, theo tờ The Guardian.

Cụ thể, khoảng 182.000 người dân Gaza làm việc ở Israel và các khu định cư ở Bờ Tây đã bị mất việc. Tương tự, khoảng 160.000 công nhân ở Bờ Tây cũng mất việc “tạm thời” hoặc “có nguy cơ mất việc” do những hạn chế áp đặt đối với người Palestine trong việc tiếp cận thị trường lao động Israel cũng như việc đóng các cửa khẩu giữa Bờ Tây và Israel.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm