Tuyến metro số 5 đã có cam kết tài trợ

(PLO)- Ban quản lý Đường sắt đô thị (ĐSĐT) TP.HCM (MAUR) vừa có báo cáo gửi Sở KH&ĐT TP về tình hình triển khai Nghị quyết 13/2012 của Ban chấp hành Trung ương về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Quyết định 568/2013 của Thủ tướng về điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, hệ thống ĐSĐT TP.HCM gồm tám tuyến ĐSĐT xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của TP và ba tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (tramway hoặc monorail). Tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống ĐSĐT khoảng 220 km với tổng vốn đầu tư ước tính gần 25 tỉ USD.

Kế hoạch huy động vốn nước ngoài đầu tư các dự án ĐSĐT tại TP.HCM đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt tại Công văn 1662/2008 với số vốn 6,3 tỉ USD để đầu tư xây dựng cho sáu tuyến ĐSĐT (tuyến số 1, 2, 3, 4, 5, 6). Đến nay số vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đã huy động để đầu tư xây dựng hai tuyến ĐSĐT với tổng giá trị ban đầu khoảng 1,953 tỉ USD, sau đó điều chỉnh tăng là 3,587 tỉ USD, tương đương 75.753 tỉ đồng.

Ngoài hai tuyến số 1 và 2 đang triển khai thực hiện, theo MAUR, hiện tuyến ĐSĐT số 5, giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) đã có cam kết tài trợ và đang hoàn chỉnh hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án. Các dự án còn lại đang trong quá trình kêu gọi, xúc tiến đầu tư. Tổng số vốn metro 5, giai đoạn 1 dự kiến khoảng 40.000 tỉ đồng.

MAUR cũng nhận định các tuyến ĐSĐT đã dần hình thành và đạt được một số kết quả nhất định, tuy vậy nhìn chung tiến độ thực hiện các tuyến ĐSĐT còn chậm so với kế hoạch đề ra.

Theo MAUR, nguyên nhân chính là vì dự án ĐSĐT là các dự án có quy mô và tổng mức đầu tư lớn nhưng lợi nhuận thu được không cao nên khó có khả năng thu hút đầu tư của khu vực tư nhân hoặc sử dụng các nguồn vốn vay thương mại. Do đó, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ cho các dự án ĐSĐT là nguồn vốn quan trọng trong bối cảnh nguồn lực đầu tư trong nước có hạn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm