Tuyển sinh 2019: Nhiều ngành mới độc, lạ

Tính đến thời điểm này, cả nước có gần 40 trường ĐH công bố phương án tuyển sinh dự kiến cho năm 2019. Theo đó, so với năm 2017, các trường không chỉ có những điều chỉnh về phương án tuyển sinh mà còn tung ra những ngành học mới, lạ nhằm đáp ứng xu thế mới, tăng cơ hội lựa chọn cho học sinh (HS).

Những ngành chỉ dành cho HS giỏi

Theo kế hoạch dự kiến của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, trường sẽ mở mới bốn ngành học là robot và trí tuệ nhân tạo, quản lý hạ tầng kỹ thuật xây dựng, vật liệu dệt may và kinh doanh quốc tế.

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, những ngành mới này nhằm đáp ứng đào tạo nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do còn mới và đào tạo phức tạp nên ngành robot và trí tuệ nhân tạo chỉ tuyển 20 chỉ tiêu, dành cho những HS giỏi, thi THPT quốc gia đạt 24 điểm trở lên ở khối A, A1 và ưu tiên HS trường chuyên.

“Đặc biệt, sinh viên theo học sẽ được miễn học phí hoàn toàn, ngành được đào tạo bằng tiếng Anh do giáo viên Việt Nam và quốc tế giảng dạy. Đây là ngành học xuyên ngành vì có sự phối hợp của ba khoa là cơ khí, điện điện tử và công nghệ thông tin. Đây là bước đột phá trong tư duy về ngành nghề ở bậc ĐH trong kỷ nguyên số” - GS Dũng khẳng định.

Một số trường ĐH tại Hà Nội cũng dự kiến mở các ngành mới, lạ để thu hút. Đơn cử như ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến mở ngành kinh doanh số, quản trị điều hành thông minh, đầu tư tài chính, công nghệ tài chính... Trong đó, ngành kinh doanh số là khoa học liên ngành công nghệ thông tin - kinh doanh và phân tích dữ liệu.

Trường sẽ xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia, trong đó ưu tiên tuyển thẳng những em có tham gia vòng thi tuần của chương trình Đường lên đỉnh Olympia và những HS có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết quả cao như đạt IELTS 6.5 trở lên, TOEFL ITP 575 điểm trở lên, TOEFL iBT 90 trở lên.

Trường ĐH KHTN (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng xây dựng kế hoạch mở các ngành mới trên lĩnh vực về công nghệ sinh học, kỹ thuật số và vật lý... Trước đó, trường này đã mở ngành khoa học thông tin địa không gian.

Sinh viên Trường ĐH KHTN (ĐH Quốc gia TP.HCM) thực hiện và trình diễn những mô hình robot  từ ứng dụng toán-tin. Ảnh: phạm anh

HS cần bình tĩnh chọn lựa

Đánh giá về các ngành học trên, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho rằng hiện tại và tương lai rất cần nguồn nhân lực cho nhóm công nghệ kỹ thuật, đặc biệt là khối cơ khí có kết hợp công nghệ thông tin. Tuy nhiên, mở ngành là một chuyện, quan trọng nhất vẫn là chất lượng đào tạo.

Năm 2019, ĐH Quốc gia TP.HCM dự kiến nâng số lượng mã ngành/nhóm ngành/chương trình tuyển sinh trình độ ĐH lên 197.

Trong đó, một số ngành mới như quản trị thông tin, Việt Nam học, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của Trường ĐH KHXH&NV; ĐH Kinh tế luật TP.HCM có hai ngành mới là luật tài chính-ngân hàng chất lượng cao tăng cường tiếng Pháp và quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành… 

“Nhân lực 4.0 là phải đáp ứng năm yếu tố: Nghề nghiệp, kỹ năng, kỷ luật, am hiểu công nghệ thông tin và ngoại ngữ. Tức là phải đào tạo ra con người có kiến thức tổng hợp. Tất cả ngành nghề đều phải đổi mới đào tạo để nâng chất lượng phù hợp với thời cuộc” - ông Tuấn nói.

Ông Tuấn đề xuất ngành giáo dục và LĐ-TB&XH phải rà soát lại các ngành nghề đào tạo, ngành nào không còn phù hợp thì bỏ hoặc gom lại, không để mở ngành mới liên tiếp mà không giảm đi cái không cần thiết.

“Hiện chúng ta có 367 ngành nghề ở hệ ĐH, CĐ là 575 ngành, trung cấp là 822 ngành. Như vậy là quá nhiều, tư vấn hướng nghiệp rất khó và các em cũng sẽ mơ màng không định hướng được” - ông lưu ý.

Ông Tuấn nhắc nhở HS và gia đình đừng ngộ nhận ngành mới, tên ngành “sang” thì mới tìm được việc làm.

“HS thường chạy theo thị hiếu để chọn ngành trong khi thực tế cho thấy có việc làm tốt hay không là do bản thân mà ra. Các em phải bình tĩnh, cân nhắc cái gì phù hợp với năng lực bản thân thì chọn. Sau đó là thái độ học tập và làm việc có kỷ luật, xây dựng được giá trị nghề nghiệp, kết hợp với công nghệ, phát triển tư duy. Có như thế việc chọn ngành và học tập của các em mới thành công” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Sáu nhóm ngành nghề hot trong cách mạng công nghiệp 4.0

Nhóm 1: Công nghệ thông tin (phân tích dữ liệu, kỹ thuật phần mềm, an ninh mạng,...) và công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh tài chính và nhiều lĩnh vực khác.

Nhóm 2: Công nghệ tự động hóa (cơ điện tử, điện tử, điều khiển tự động, chế tạo ô tô, chế tạo vật liệu,…).

Nhóm 3: Các ngành kỹ thuật xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, năng lượng, công nghệ in 3D.

Nhóm 4: Các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, kỹ thuật y sinh (tích hợp kỹ thuật số - vật lý - sinh học),...

Nhóm 5: Nhóm ngành quản trị, dịch vụ quản trị tài chính-đầu tư, logistics, du lịch, dinh dưỡng,...

Nhóm 6: Nhóm ngành nghệ thuật, xã hội, nhân văn và sáng tạo (như kiến trúc, thiết kế, dịch thuật,...).

Ngoài ra, có tám ngành nghề mà lao động có kỹ năng tay nghề cao được 10 nước ASEAN thống nhất công nhận giá trị tương đương của chứng chỉ đào tạo của các nước thành viên là dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ điều dưỡng, kiến trúc, giám sát thi công, kế toán, bác sĩ, nha sĩ, du lịch.

Ông TRẦN ANH TUẤNPhó Giám đốc Trung tâm Dự báo 
nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới