Ukraine bỏ tù 2 gián điệp Triều Tiên

Nhà chức trách Ukraine nói với CNN rằng hai người Triều Tiên trên đã lùng sục “tên lửa đạn đạo, hệ thống tên lửa, động cơ tàu vũ trụ, pin mặt trời, bồn nhiên liệu mau cạn, bệ phóng di động, bộ tích điện cùng các tiêu chuẩn quân sự khác” để đưa về Bình Nhưỡng.

Một báo cáo được các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) công bố hôm 14-8 nói rằng công nghệ tên lửa được sử dụng trong các vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên có khả năng bắt nguồn từ Cục thiết kế Yuzhnoye của Ukraine ở Dnipro.

Nhà tù ở thị trấn  Zhytomyr, Ukraine, nơi giam giữ hai gián điệp Triều Tiên. Ảnh: CNN

Theo CNN,hai gián điệp người Triều Tiên được nhìn thấy trong đoạn video giám sát không rõ nét kia đang thi hành án tù tám năm vì tội làm gián điệp ở thị trấn Zhytomyr, cách phía Tây thủ đô Kiev 140 km. Reuters cho biết, hai người Triều Tiên trên bị một tòa án Ukraine kết án tám năm tù vào năm 2012 với tội danh tiếp cận một nhân viên của một công ty trực thuộc nhà máy sản xuất tên lửa Yuzhmash để tìm tài liệu về động cơ đẩy tên lửa tối mật.

Phóng viên của CNN đã có dịp mục sở thị nhà tù giam giữ hai người Triều Tiên trên. CNN cho biết người tù lớn tuổi hơn là một người đàn ông ngoài 50 đến từ thủ đô Bình Nhưỡng, và trong tài liệu của tòa người này được gọi là X5. Ông này trông có vẻ hốc hác, khi đối chiếu với đoạn video thì thấy người này nói thông thạo tiếng Nga. Gián điệp Triều Tiên còn lại là một chuyên gia công nghệ, được gọi là X32.

X4 làm việc trong một nhà tù gần thị trấn Zhytomyr, Ukraine. Ảnh: CNN

Giới chức Ukraine cho biết đây là hai gián điệp Triều Tiên duy nhất bị giam ở Ukraine dù họ đã nhiều lần ngăn chặn người Triều Tiên cố tìm cách tiếp cận các bí mật tên lửa của họ. Một quan chức an ninh Ukraine cho biết, năm 2011, có hai người Triều Tiên khác đến từ Đại sứ quán Nga ở Ukraine đã bị trục xuất sau khi bị bắt quả tang tìm cách đánh cắp “đạn dược tên lửa, thiết bị điều khiển tên lửa chuyên dành cho tên lửa không đối không”. Một người Triều Tiên thứ ba với nhiệm vụ đưa các thiết bị trên ra khỏi Ukraine cũng bị phát hiện và trục xuất.

Người này nói tiếp, hồi năm 2015, năm người Triều Tiên cũng đã bị trục xuất do “tiếp tay cho mạng lưới tình báo của Triều Tiên ở Ukraine” song ông không nêu rõ chi tiết. Liên tiếp các vụ việc như vậy diễn ra, đến năm 2016 Ukraine đã cấm người Triều Tiên đến nước này.

Vị quan chức trên cho hay, ngoài hai người Triều Tiên đang bị giam trên, không có người Triều Tiên nào còn ở lại Ukraine bởi những ai không bị trục xuất đều đã tự nguyện về nước.

Các thiết kế đặc biệt mà hai gián điệp trên của Triều Tiên cố đánh cắp cho bằng được là tên lửa đạn đạo liên lục địa SS-24 Scalpel, theo hồ sơ tòa án.  SS-24 Scalpel hay còn được gọi là RT-23 được thiết kế từ thời Liên Xô, có khả năng mang tới 10 đầu đạn. Tên lửa nhiên liệu rắn này có thể được phóng từ tháp tên lửa hoặc xe ôtô ray. Hệ thống SS-24  bị cấm vào cuối thập niên 90 theo thỏa thuận  về nguyên tắc về cắt giảm kho vũ khí chiến lược START-II giữa Mỹ và Nga. Tuy nhiên, lệnh cấm chưa bao giờ có hiệu lực. Theo GlobalSecurity.org, việc thiết kế và sản xuất hệ thống tên lửa SS-24 Scalpel gần như do Ukraine nắm giữ nhưng nước này đã không còn sản xuất loại tên lửa này từ năm 1995.

Bí ẩn chưa có lời giải

Nghiên cứu của IISS dựa trên việc phân tích những hình ảnh do Triều Tiên công bố về các động cơ tên lửa được nước này thử nghiệm trên mặt đất hồi tháng 9-2016 và tháng 3-2017, cũng như các cuộc thử nghiệm trên không với tên lửa Hwasong-12 và Hwasong-14 hồi tháng 5 và tháng 7-2017. Tên lửa tầm trung Hwasong-12 và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-14 được Triều Tiên thiết kế để có thể bắn tới Mỹ.

Theo The Guardian, bằng cách so sánh các động cơ trong các bức ảnh, IISS nhận thấy chúng có thể là các phiên bản sửa chữa của mẫu động cơ RD-250 do nhà máy Yuzhmash sản xuất và đã giúp cho các vụ thử tên lửa của Triều Tiên có được thành công bất ngờ sau hàng loạt thất bại.

Hệ thống tên lửa SS-24 Scalpel. Ảnh: RT

ABC News dẫn báo cáo của chuyên gia về tên lửa thuộc IISS Michael Elleman  cho rằng ông không tin giới lãnh đạo Yuzhmash hay chính phủ Ukraine tham gia giao dịch này, song Ukraine có khả năng là nguồn cung cấp động cơ này nhất cho Triều Tiên. Ông lo ngại các kỹ thuật viên của Yuzhmash có thể đã hỗ trợ hai gián điệp Triều Tiên này.

Báo cáo của ông Elleman có đoạn: "Những động cơ này (dài gần 2 m và rộng 1 m) có thể được vận chuyển bằng hàng không, hoặc nhiều khả năng hơn là được chuyển bằng đường sắt đến Triều Tiên". Trong báo cáo nói trên, chuyên gia Elleman cũng khẳng định: "Điều này không đồng nghĩa với việc Chính quyền Ukraine có liên quan và cũng không nhất thiết có sự can dự của ban giám đốc của Cục thiết kế Yuzhnoye.

Theo trang tin The Daily Signal, động cơ tên lửa RD-250 được sản xuất tại nhà máy Yuzhmash cho tới năm 2001. Động cơ RD-250 trở thành “cặp bài trùng” với ICBM R-36 của Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Đông cơ này cũng được sử dụng cho rocket Cyclone 2 và Cyclone 3 mà Nga đã dùng để phóng vệ tinh vào không gian vào năm 2006 và năm 2009.

Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, nhà máy Yuzhmash tiếp tục sản xuất RD-250 nhưng chỉ dùng trong các tên lửa không gian được cung cấp tới Nga. Cả động cơ RD-250 và rocket Cyclone do Yuzhmash sản xuất đều trở thành mối quan tâm của Nga. Tổng cộng đã có 233 rocker Cyclone được sản xuất ở Ukraine và gửi tới Nga. Đến năm 2006, Nga đã ngưng đặt hàng loại rocket này và Yuzhmash cũng không tìm thấy người mua khác. Hiện chỉ có Nga là sở hữu rocket này và tất cả đều được kết nối với động cơ RD-250.

Ukraine phản pháo

Câu chuyện về nguồn gốc động cơ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đang gây ra những tranh cãi ở tầm quốc tế. Ukraine đã phản ứng gay gắt trước báo cáo nói trên của IISS.

Đại diện nhà máy Yuzhmash cho biết công ty họ không sản xuất tên lửa đạn đạo quân sự kể từ khi Liên Xô tan rã hồi năm 1991 và không có bất kỳ mối liên hệ nào với chương trình tên lửa hạt nhân của Bình Nhưỡng. Bộ phận tiếp thị của nhà máy Yuzhmash cho biết công ty này "chưa từng và không làm bất kỳ việc gì liên quan các chương trình tên lửa của Triều Tiên mang bản chất quốc phòng hoặc thử nghiệm vũ trụ".

Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraine Aleksandr Turchinov khẳng định không có bất cứ nhà máy quốc phòng và công nghệ hàng không nào của Ukraine cung cấp vũ khí và công nghệ tên lửa cho Triều Tiên. Ông nói rằng Ukraine luôn chấp hành tốt các nghĩa vụ quốc tế. Ông Turchinov đồng thời cũng lên tiếng cáo buộc "một số truyền thông nước ngoài" đang lan truyền các thông tin giả mạo về việc nhà máy Yuzmash chuyển công nghệ tên lửa cho Triều Tiên. 

Hôm 16-8, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã đăng một tuyên bố trên Facebook, trong đó chỉ trích báo cáo là không chính xác và ra chỉ thị điều tra cáo buộc. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm