Các chuyên gia vũ khí đã bắt đầu mổ xẻ đoạn băng quay vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đêm 28-7 của Triều Tiên. Họ phát hiện các chi tiết cho thấy vụ phóng tên lửa này không hoàn toàn thành công như Bình Nhưỡng tuyên bố.
Chi tiết khác thường
Đoạn phim ghi lại hình ảnh đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên vỡ ra thành nhiều mảnh do Đài Truyền hình Nhật Bản NHK cung cấp. Đoạn phim này lấy từ một camera thời tiết được gắn trên mái một căn nhà tại TP Muroran, đảo Hokkaido. Với sự may mắn hiếm có, vào ngày 28-7, camera này hướng góc quay vào nơi mà đầu đạn của ICBM Triều Tiên đang trên đường tái tiếp cận Trái đất, cách khoảng 200 km tính từ bờ biển Nhật Bản.
Michael Elleman, chuyên gia về tên lửa tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ở London, là người đã phát hiện những vấn đề của tên lửa Triều Tiên. Theo ông, sự cố của đầu đạn ICBM Triều Tiên trong quá trình tái xâm nhập đã làm dấy lên một số nghi ngờ về năng lực thật sự của tên lửa này. Có khả năng các nhà khoa học Bình Nhưỡng vẫn chưa tìm ra cách tối ưu để bảo vệ đầu đạn hạt nhân khỏi sức nóng và sự rung lắc dữ dội khi ICBM di chuyển với tốc độ cao lao đến mục tiêu.
Theo ông Elleman, lẽ ra đầu đạn hạt nhân phải phát sáng liên tục khi nó rơi xuống, tựa như một ngôi sao băng tạo ra một vệt sọc khi bay qua Trái đất vậy. Tuy nhiên, theo đoạn phim, đầu đạn này bắt đầu tỏa ra thành nhiều vệt sáng nhỏ khác nhau. Sau đó khá đột ngột, các vệt sáng mờ dần và biến mất hoàn toàn. Chuyên gia của IISS nhận định: “Lẽ ra nó phải liên tục phát sáng cho đến khi nó rơi xuống biển. Rất có thể là đầu đạn hạt nhân thử nghiệm đã vỡ thành nhiều mảnh”.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang kiểm tra một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào tháng 7. Ảnh: KCNA
Bước lùi cho Triều Tiên?
Nếu phân tích này là chính xác thì chương trình tên lửa Triều Tiên vẫn đang mắc phải một khuyết điểm đáng kể. Dù công nghệ động cơ tên lửa của Triều Tiên đã đủ sức đặt các TP lớn của Mỹ vào tầm ngắm, các nhà khoa học Bình Nhưỡng vẫn chưa làm chủ được các kiến thức khí động học cho phép chế tạo thành công đầu đạn ICBM, theo The New York Times. Nếu ICBM Triều Tiên được cho thực chiến, có khả năng đầu đạn hạt nhân sẽ nổ tung trước khi đến được mục tiêu. Đây là khuyết điểm chí tử mà Bình Nhưỡng cần khắc phục.
Phát biểu với các phóng viên trong cuộc họp báo ngày 31-7 (giờ địa phương) được tổ chức bởi 38 North, một viện nghiên cứu chuyên giám sát hoạt động của Triều Tiên thuộc trường nghiên cứu quốc tế chuyên sâu - ĐH Johns Hopkins, ông Elleman cho biết: “Việc khắc phục khiếm khuyết có thể tiêu tốn của Bình Nhưỡng thêm sáu tháng. Nhưng điều quan trọng là Triều Tiên sẽ phải thực hiện thêm các vụ phóng thử tên lửa”.
Ông Elleman đánh giá rằng Triều Tiên sẽ phải tiến hành ít nhất hai hoặc ba cuộc phóng thử ICBM trong tương lai để đảm bảo khắc phục khuyết điểm về vỏ bọc đầu đạn hạt nhân. Dù vậy, ông Elleman dự đoán Triều Tiên đến giai đoạn đầu năm 2018 sẽ phát triển thành công một ICBM có đầu đạn “đủ dùng”. Đến giai đoạn này, theo ước đoán của các báo cáo tình báo Mỹ, mọi công nghệ mà Triều Tiên cần có để vận hành ICBM sẽ được tích hợp đầy đủ.
Cũng theo ông Elleman, việc Triều Tiên sẽ tốn bao lâu để khắc phục được sai sót này cũng phụ thuộc nhiều vào việc họ rút ra được bao nhiêu bài học qua cuộc phóng thử vừa qua. Ông Elleman ước tính Triều Tiên sẽ cần tới sáu tháng để khắc phục lỗi, giả định rằng các kỹ sư của Triều Tiên có đủ khả năng để phân tích lỗi kỹ thuật và khắc phục chúng.
Lựa chọn nào cho Mỹ
Việc Triều Tiên cần phải thực hiện thêm các vụ phóng thử tên lửa đã mở ra cơ hội cho chính quyền của ông Trump.
Dưới thời của Tổng thống Barack Obama, các cuộc thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên thường xuyên bị “quấy rối” bởi các cuộc tấn công mạng hay điện tử, được tờ The New York Times phân tích là do Mỹ tổ chức. Trong các lựa chọn về mặt quân sự, chính quyền của ông Trump có thể gia tăng thêm các cuộc tấn công tương tự vào các cơ sở phóng tên lửa Triều Tiên. Tuy nhiên, trong sáu tháng qua, các cuộc tấn công này lại tỏ ra kém hiệu quả.
Ngoài ra, Mỹ cũng có thể đặt thêm nhiều tàu hải quân tại vùng biển quốc tế ở ngoài khơi bờ biển Triều Tiên. Với lựa chọn này, Mỹ có thể tiến hành các vụ tấn công đánh chặn nhắm vào các bệ phóng tên lửa trước khi nó khai hỏa. Đây là một cách tiếp cận nguy hiểm bởi nó có thể khơi mào chiến tranh. Một biện pháp an toàn hơn cho Mỹ là bắn hạ các tên lửa thử nghiệm khi chúng đang trong quá trình bay ra khỏi khí quyển.
Tổng thống Donald Trump ngày 31-7 (giờ địa phương) đã lên tiếng về việc phóng tên lửa của Triều Tiên, cam kết sẽ tìm ra giải pháp. Lầu Năm Góc cùng ngày cũng tuyên bố đã sẵn sàng điều thêm lá chắn tên lửa “Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối” (THAAD) đến Hàn Quốc, phát ngôn viên Jeff Davis cho biết. Trong một diễn biến khác, Mỹ cũng đã đồng ý đàm phán với Hàn Quốc về việc phát triển các tên lửa tầm xa và có thể tấn công toàn bộ Triều Tiên. Tuy vậy, điều này vẫn không giải quyết được nhiều về bài toán làm sao giảm khả năng tên lửa Triều Tiên tiếp cận lãnh thổ Mỹ. Trong khi đó, các nguồn tin quốc phòng Mỹ ngày 1-8 cũng tiết lộ cho kênh CNN khẳng định Triều Tiên đã cho thử nghiệm thêm công nghệ phóng tên lửa từ tàu ngầm vào ngày 30-7 vừa qua. _______________________________ Có thể là ba tháng. Hoặc cũng có thể là sáu tháng. Dù vậy, nếu Triều Tiên lại thất bại nữa, thời gian có thể sẽ được kéo dài thêm. Chúng ta không thể biết được. MICHAEL ELLEMAN, chuyên gia tên lửa tại Viện Nghiên cứu |