Ứng xử trên mạng cũng phải có văn hóa

Phải biết giữ gìn nhân cách của bản thân

Việc một ai đó có những quan điểm hoặc hành động không theo suy nghĩ của số đông hoặc một bộ phận dư luận xã hội bị “ném đá” bằng đủ mọi hình thức không có gì mới trong thời gian qua. Nạn nhân mới nhất của việc không ít người lạm dụng sự dân chủ trên các diễn đàn mạng, ở đây chủ yếu là Facebook, chính là bé Đỗ Nhật Nam. Bé Nam và cả bố mẹ của bé bị một bộ phận “người lớn” chỉ trích, phê phán và chụp mũ đủ điều, tạo ra cả một làn sóng phản ứng tiêu cực, chỉ vì họ bị cho là “thiếu khiêm tốn”, “khinh đời” và một lý do rất nực cười nữa, “không thích truyện tranh”.

Rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ, đã sử dụng mạng xã hội như một công cụ để vui đùa, xả stress, để soi mói cuộc sống của người khác và thể hiện cái tôi có phần tầm thường và ít va chạm xã hội, hoặc có định kiến với xã hội của mình. Sự nhanh chóng của Facebook, với việc có thể đưa lên ngay lập tức theo thời gian thực một quan điểm, càng khiến họ trở nên thiếu suy nghĩ, càng bộc lộ sự thiếu chín chắn của mình.

Tư duy sai lầm khi cho rằng đây chỉ là thế giới ảo, cho nên có thể nói gì, làm gì cũng được mà không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật do những lời mình viết lên sau bàn phím, đã tạo ra một sự dễ dãi trong cách hành xử với nhau trên mạng. Khi các mạng xã hội, mà ở đây là Facebook, được sử dụng để truyền tải những nội dung và quan điểm lệch lạc, dễ dãi, thiếu trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, nó trở thành một công cụ nguy hiểm trong tay của một số đông “cùng chất”. Tâm lý bầy đàn, hiếu kỳ, a dua a tòng và thiếu những suy nghĩ chín chắn ấy sẽ cùng tốc độ lây lan nhanh của Facebook tạo ra những làn sóng ập lên những “nạn nhân” khác “chất” của họ, như trường hợp của bé Nam. Điều nguy hiểm là tâm lý ấy không chỉ được nhân lên nhờ sự lan tỏa của Facebook, mà còn bị lợi dụng và định hướng theo mục đích câu view của không ít trang báo lá cải.

Nhật Nam rất thích đọc sách khoa học. Ảnh: INTERNET

Phải chăng bây giờ nhiều người có thể làm bất cứ điều gì để thể hiện cái tôi của mình, người mà ngoài đời thực không-là-gì-cả, với mục đích duy nhất là nhằm cho mọi người biết đến?

Tôi và nhiều admin của các fanpage bóng đá lớn đã khởi xướng phong trào “Cổ vũ có văn hóa” trong các diễn đàn bóng đá lớn. Làm thế nào để các fan bóng đá yêu bóng đá và bớt đi sự tục tĩu, thù hằn với nhau trong những cuộc cãi lộn hằng ngày, hằng giờ là một điều không hề dễ dàng, bởi nhiều trong số các fan còn rất trẻ ấy cho rằng việc thô tục ấy là một thói quen “vô hại”. Các bạn chắc chắn không thể tưởng tượng được trên nhiều diễn đàn bóng đá, các bạn trẻ đã cư xử với nhau bằng những ngôn ngữ hằn học, chợ búa và bậy bạ đến nhường nào. Một số bạn khi được hỏi tại sao lại dùng ngôn ngữ ấy với những người không thích đội bóng của mình thì họ trả lời, phải như thế “nó” mới biết sợ, và rằng “thực ra đây chỉ là nói nhau trên mạng thôi mà, có vấn đề gì đâu”. Họ suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Tôi muốn đặt một câu hỏi nữa: Một khi sự hận thù, đố kỵ, chỉ trích và vùi dập theo kiểu mông muội bầy đàn giữa những thanh niên được gieo rắc trên Facebook mà không ai ngăn chặn, lên tiếng thì những quan hệ đối xử tệ hại có vẻ như là ảo ấy, một lúc nào đó, có thành thật ở ngoài đời không? Tôi muốn nhường cho các bạn trả lời nhưng tôi tin là có.

Đừng để Facebook giết chết nhân cách của chính mình, sau khi chúng ta giết chết người khác ở trên mạng, chỉ vì người đó không giống ta!

Nhà văn, nhà báo TRƯƠNG ANH NGỌC

Tránh làm tổn thương nhau

Với tôi, ứng xử trên mạng cũng giống như ứng xử ở ngoài đời và ngôn ngữ trên mạng sẽ thể hiện chính bản thân bạn là ai. Do sức lan tỏa của mạng quá nhanh nên mọi người dễ dàng bị đổ xô vào một sự việc (ngôn ngữ mạng hay dùng là “ném đá”). Không thể phủ nhận có những lúc cộng đồng mạng ném đá đúng, chỉ trích đúng nhưng cũng có thể thấy nhiều người mượn sự kiện đó để đưa ra quan điểm, cái tôi của cá nhân mình.

Như trường hợp em Đỗ Nhật Nam, có một clip chế lại Nam lan truyền trên mạng. Xem những clip khác của bạn này làm, tôi thấy có nhiều vấn đề bạn ấy đề cập rất hay nhưng với bé Nam thì bạn ấy hơi cực đoan. Có người đồng tình với clip đó, cũng có người vào phản ứng với sự đồng tình đó nhưng nên nhớ rằng những vui buồn từ mạng ảo ảnh hưởng rất lớn đến đời thực.

Không ai ép ai phải thích người này, phải yêu người kia. Vậy nên khi nhận xét, đánh giá, bạn có quyền nói đúng suy nghĩ của mình. Có điều lời lẽ, thái độ phải hết sức lịch sự, văn minh để tránh không làm tổn thương nhau, cả ở đời thực cũng như trên mạng ảo.

TRẦN THỊ HỒNG HẠNH - Hanhfm(admin trang theoyeucau.com)

Chân thành trong đối đáp

Đằng sau những trang mạng vẫn là những con người, những cảm xúc, những nỗi niềm. Xin hãy hào phóng hơn với tình yêu thương và lòng chân thành trong đối đáp, vì hai giá trị này đang trở nên quá khan hiếm.

Có vẻ như chúng ta đang sống trong một môi trường mà nơi đó những ai giỏi giang khác người thì dễ bị công kích, còn những ai kém cỏi, thua thiệt thì thường được bảo bọc. Vế sau thì rất nhân văn nhưng vế đầu thì hơi khắc nghiệt.

Quay lại trường hợp bé Đỗ Nhật Nam, nếu chúng ta muốn cho em có một tuổi thơ hồn nhiên trong sáng thì chí ít ta cũng nên cho em quyền được nói những gì em thật nghĩ, quyền được làm điều em thật ưa thích. Trong đó chúng ta cũng không thể bỏ qua sự can thiệp định hướng của phụ huynh, thầy cô để em được phát triển tốt hơn, nhanh hơn so với việc để em tự phát triển. Sẽ là tai họa nếu ta ép em đi ngược năng khiếu, tố chất hoặc ép em đi ngược môi trường xã hội, vì như thế khi lớn lên em sẽ ác cảm tuổi thơ hoặc bị đa nhân cách, hoài nghi bản thân và khó hòa nhập với cộng đồng. Nếu phù hợp thì ta nên trân trọng và hy vọng rằng phụ huynh, thầy cô giáo của Nhật Nam sẽ tiếp tục giúp em được sống thật, sống trọn vẹn với năng khiếu, đam mê của em.

Lời cuối, xin đừng quên, Nhật Nam khi phát biểu trong video clip em chỉ 11 tuổi. Những từ ngữ em dùng, ví dụ như “đam mê” hoặc “chính trị”, là những từ ngữ ta thường nghe nơi người lớn có học thức sâu rộng và trải nghiệm sống sâu sắc. Song đừng vì vậy mà vội cho rằng em cũng có cùng mức độ trải nghiệm hoặc kiến thức uyên thâm như một học giả. Hãy quay về tuổi thơ tí chút để cùng hiểu và yêu thương em hơn.

Chuyên gia tâm lý TRẦN HỮU ĐỨC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới