Dự kiến, Bộ Công thương sẽ ban hành quyết định chính thức trong vài ngày tới. “Việc điều chỉnh giá điện được thực hiện theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 6-2017. Căn cứ vào các tiêu chí này thì lẽ ra năm 2018 đã có đợt điều chỉnh, nhưng do yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô mà chưa tăng. Nay không thể trì hoãn nữa”, ông Vượng cho biết.
Theo Bộ Công thương, hiện có nhiều yếu tố tác động vào giá điện. Như cơ cấu nguồn, mấy năm gần đây tăng trưởng phụ tải khoảng 10%/năm trong khi tốc độ triển khai các dự án phát điện chậm trễ. Ba năm qua chưa khởi công được nhà máy điện nào. Để đáp ứng nhu cầu, ngành điện đã phải huy động các nguồn giá cao như điện khí, than, diesel.
Gần đây có thêm một số nguồn điện gió, điện mặt trời với giá mua bán điện tại nguồn cao chỉ kém diezel. Than là nguồn năng lượng lớn thì năm qua thị trường thế giới cũng trở nên đắt đỏ, kéo giá than trong nước tăng theo. Ngoài ra, yêu cầu ngày càng cao về phát thải cũng đòi hỏi đầu tư lớn về môi trường, làm tăng chi phí sản xuất.
“Yêu cầu môi trường càng sạch thì giá càng cao. Nếu tính đầy đủ các chi phí đầu vào thì lần điều chỉnh này phải ở mức gần 10%, nhưng cân đối yếu tố vĩ mô thì chọn mức tăng 8,36%”, ông Vượng cho biết.
Giá bán điện hiện có nhiều khung, mức khác nhau cho từng nhóm khách hàng, từ hộ gia đình theo bậc thang giá điện sinh hoạt, hộ kinh doanh phân theo từng loại kinh doanh dịch vụ hay sản xuất, và các ngành sử dụng nhiều điện năng như xi măng, thép... Bộ Công thương sẽ tính toán mức tăng cụ thể để không bù lỗ chéo cho các ngành thâm dụng năng lượng này.
Theo tính toán của Bộ Công thương và Tổng cục Thống kê, với mức tăng giá điện 8,36% thì sẽ làm giảm 0,22% GDP, và chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ tăng 0,29%. Nhưng nếu không tăng giá điện thì sẽ dẫn tới nguy cơ thiếu điện trong tương lai gần, ảnh hưởng tiêu cực sẽ nghiêm trọng hơn.
Đây sẽ là đợt điều chỉnh giá điện lần thứ chín kể từ năm 2010, trong đó lần tăng cao nhất là năm 2011 với mức điều chỉnh 15,28%. Các lần điều chỉnh còn lại đều trên 6%.
Giá điện bình quân hiện tại ở Việt Nam là hơn 7 cent/KW, sẽ tăng lên gần 8 cent sau khi điều chỉnh, so với các nước xung quanh: Ấn Độ 8 cent, Trung Quốc 8 cent, Lào 9 cent, Indonesia 10 cent, Canada 11 cent…
Theo Quy định 24 của Thủ tướng, hàng năm, sau khi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ.
Nếu đầu vào giảm thì giá điện được điều chỉnh giảm, không quy định cứng mức giảm. Nhưng nếu đầu vào tăng khiến cho giá điện bình quân phải tính tăng từ 3% trở lên thì mới được điều chỉnh tăng. Thời gian tối thiếu giữa hai lần điều chỉnh là sáu tháng.
Về thẩm quyền, EVN hiện có độc quyền tự nhiên trong mua bán điện - mua của các nhà máy điện đến bán cho các hộ sử dụng điện. Bộ Công thương quản lý nhà nước về năng lượng và Bộ Tài chính quản lý nhà nước về giá. Vậy nên Quyết định 24 cho phép EVN toàn quyền giảm giá điện, còn tăng giá điện từ 3 đến dưới 5% thì “làm trước báo cáo sau”; tăng từ 5 đến dưới 10% thì báo cáo trước, được chấp thuận mới triển khai; tình huống phải tăng từ 10% trở lên thì trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam trình, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.
Như vậy, lần điều chỉnh giá điện này, EVN chỉ công bố chính thức sau khi được Bộ Công thương chấp thuận.