Vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh “lạ”

“Hiện ngành y tế đang truy tìm nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, chúng tôi không đợi chờ tìm nguyên nhân mà đang tiến hành can thiệp bằng nhiều giải pháp với mục tiêu giảm số người chết, người mắc bệnh đến mức thấp nhất…” - ông Long nói.

Gạo mốc chỉ là nguy cơ

Theo báo cáo của Bộ Y tế, cho đến thời điểm này chứng bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân đã xuất hiện ở năm xã nhưng tập trung chủ yếu tại xã Ba Điền của huyện Ba Tơ. Đặc biệt, có tới bảy gia đình có 100% thành viên mắc bệnh.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết kết quả qua các đợt điều tra, khảo sát và đánh giá các mẫu xét nghiệm đã làm cho thấy hầu hết bệnh nhân có men gan tăng trên cơ địa người bệnh có dinh dưỡng kém, thiếu máu. Không thấy các yếu tố chứng tỏ là bệnh truyền nhiễm (virus, vi khuẩn) do không có hội chứng nhiễm trùng. Xét nghiệm xác định các mẫu máu bị bệnh tại Trường ĐH Nagasaki (Nhật Bản) cho thấy bệnh không có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

Ngoài ra, chưa tìm thấy bằng chứng về các mối nguy cơ do vi khuẩn, virus từ các mẫu xét nghiệm đất, nước, lương thực thực phẩm. Các kim loại nặng bao gồm cả arsen, chì, thủy ngân, cadimi, đồng và một số kim loại khác ở mức giới hạn cho phép trong số các mẫu đất, nước, lương thực kể cả mẫu tóc, máu, móng tay, vảy da đã xét nghiệm. Không phát hiện thấy hóa chất bảo vệ thực vật trong các mẫu đất, nước, gạo đã xét nghiệm.

Vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh “lạ” ảnh 1

Bệnh “lạ” vẫn còn là ẩn số trong khi người dân trong vùng bệnh đang sống hoang mang. Trong ảnh: Lấy mẫu máu tìm nguyên nhân gây bệnh “lạ”. Ảnh: LUẬN NGỮ

“Đặc biệt các mẫu xét nghiệm cho thấy có nhiều loại nấm mốc và phát hiện thấy Aflatoxin trong các mẫu lúa ủ, gạo ủ (một cách trữ gạo của đồng bào dân tộc - NV) đã xét nghiệm. Trong đó Aflatoxin được y văn nói tới là tác nhân gây ra tổn thương gan, ung thư gan. Nguy cơ mắc ở người ăn gạo ủ, mốc gấp 4,8 lần so với người ăn gạo trắng thông thường. Dựa trên các kết quả này, hội đồng khoa học đã xác định: Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân nghĩ nhiều đến nguyên nhân nhiễm độc trên cơ địa người bệnh có tình trạng suy dinh dưỡng kém, thiếu một số vi chất dinh dưỡng” - ông Long khẳng định.

Không lây từ người sang người

Về giả thuyết nguyên nhân bệnh “lạ” do dioxin di lưu lại từ thời chiến, ông Long cho hay: “Hiện các mẫu đất, nước lấy xét nghiệm dioxin chưa có kết quả. Tuy nhiên, Ba Tơ không phải là vùng trọng điểm về dioxin. Cũng chưa có bằng chứng bệnh lây qua không khí. Có gia đình bị một người, có gia đình mắc bệnh cả nhà. Nếu lây qua không khí, việc lây truyền bệnh sẽ mạnh hơn. Bộ trưởng Bộ Y tế trực tiếp đến đây, cá nhân tôi ở vùng bị bệnh hai ngày, tiếp xúc 20 bệnh nhân nhưng không bị lây nhiễm”. Về nguyên nhân có 34 trường hợp mắc bệnh lại, theo ông Long có khả năng các bệnh nhân bị nhiễm độc lại chứ không phải do lây nhiễm từ người sang người.

Theo Bộ Y tế, đến nay tại nhiều cuộc họp hội đồng chuyên gia về căn bệnh này, trong đó có sự tham dự của những chuyên gia da liễu hàng đầu trong nước và quốc tế thì chưa tìm được hội chứng nào trên thế giới có triệu chứng tương tự. “Có trường hợp giống tổn thương da nhưng không giống tổn thương gan hoặc ngược lại. Hiện vẫn đang nghiên cứu 222 mẫu người được điều tra” - thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Ông Long cho biết thêm: Hiện tại ngành y tế đang cử những chuyên gia da liễu, dinh dưỡng, dịch tễ thường xuyên túc trực tại Ba Tơ để hướng dẫn, giúp người dân phòng, chống bệnh. Các trường hợp mắc bệnh đều được Nhà nước hỗ trợ kinh phí điều trị. Việc điều trị bệnh đã có phác đồ, đồng thời được phân theo ba tuyến xã, huyện và trung ương, trong đó các ca nặng, nguy cấp sẽ trực tiếp được các bệnh viện đầu ngành tiếp nhận. Ngành y tế cũng tham khảo sự hỗ trợ thường xuyên của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) và CDC (Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ tại Việt Nam).

Chiều 14-5, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Lê Hàn Phong cho biết huyện đã hoàn thành cấp phát 65,7 tấn gạo cho 1.400 hộ dân xã Ba Điền - nơi hiện đang xảy ra bệnh “lạ” theo đề xuất của Bộ Y tế nhằm để thay thế gạo bị mốc có thể dẫn đến dịch bệnh với mỗi nhân khẩu được cấp 45 kg để ăn trong ba tháng. Đồng thời, huy động 200 đoàn viên thanh niên và các hội đoàn thể về địa phương giúp đồng bào trong xã cấy sạ lúa hè thu. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã cấp trên 13.000 viên vitamin tổng hợp để nâng cao sức đề kháng cho người dân trong vùng dịch bệnh, cấp 2.000 chiếc chiếu và màn đã tẩm hóa chất để xua đuổi côn trùng, tiến hành phun hóa chất khử trùng ở khu dân cư có người bị bệnh lạ.

VÕ QUÝ

Hơn một năm sau khi chứng bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân xuất hiện tại huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi, đến nay đã có 205 trường hợp mắc bệnh và 21 người tử vong. Trong đó, xã Ba Điền có tới 195 ca
(95,1 %), còn lại 10 ca rải rác tại các xã Ba Ngạc, Ba Xa, Ba Vinh và Ba Tô. Đã có hàng chục đoàn công tác của Bộ Y tế và các ban, ngành liên quan đến vùng đất Ba Tơ khảo sát để thu thập các mẫu, tiến hành xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

TRỌNG PHÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm