Theo Báo cáo đánh giá nhiệm kỳ 2007-2012 của Hội LHPN Việt Nam, tình trạng bất bình đẳng giới còn tồn tại, phụ nữ ít có cơ hội tham gia học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp. Lực lượng lao động nữ tuy đông về số lượng nhưng tỉ lệ qua đào tạo thấp nên chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập.
Một số cuộc khảo sát cũng cho thấy tỉ lệ nữ đứng đầu doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với nam giới. Phần nhiều lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn, chỉ có thể làm những công việc không ổn định, thu nhập thấp, dễ mất việc, thời gian lao động kéo dài, rủi ro nghề nghiệp cao… hoặc gắn với các ngành nghề như dịch vụ lưu trú, ăn uống, bán buôn bán lẻ... Lao động nữ còn chịu thiệt thòi khi nhiều DN tìm cách không nhận hoặc sa thải lao động nữ có thai, đang nuôi con nhỏ hoặc có DN quy định lao động nữ hai năm sau khi ký hợp đồng chính thức mới được có thai…
Các nữ lao động trong một buổi thảo luận về bình đẳng giới. Ảnh: TM
Tất cả khảo sát, đánh giá nói trên cho thấy phụ nữ cần được quan tâm nhiều hơn trong việc trao quyền để bình đẳng với nam giới trong lao động.
Ngày 26-10-2013, 20 DN Việt Nam đã ký vào bản khuyến nghị ủng hộ những nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ do Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đưa ra. Những nguyên tắc này nhằm mục tiêu thúc đẩy giới và hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các cơ hội việc làm, đào tạo, chi trả lương và thu nhập.
Riêng tại TP.HCM, từ năm 2008 đến 2012 đã giải quyết việc làm cho hơn 1,3 triệu người, trong đó có trên 55% là lao động nữ. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động tại TP.HCM, cho rằng xu hướng thị trường lao động TP.HCM từ nay đến 2020 tiếp tục phát triển đa dạng ngành nghề về quy mô, số lượng và chất lượng. Các DN vừa và nhỏ sẽ phát triển năng động, quan tâm hơn đến chính sách phát triển nguồn nhân lực. Đây sẽ là môi trường phù hợp với đa số lao động nữ để họ phát triển.
Bảy nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ - Thiết lập nguyên tắc lãnh đạo cấp cao đối với bình đẳng giới. - Đối xử bình đẳng nam và nữ trong công việc, tôn trọng, hỗ trợ phụ nữ và không phân biệt nam nữ. - Đảm bảo sức khỏe, an toàn và không bạo lực đối với cả lao động nam và nữ. - Khuyến khích giáo dục, đào tạo và phát triển nghề nghiệp cho phụ nữ. - Phát triển DN, chuỗi cung ứng và các hoạt động marketing nhằm thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ. - Khuyến khích thực hiện bình đẳng giới thông qua các sáng kiến cộng đồng. - Các công cụ theo dõi và báo cáo tiến bộ trong công tác bình đẳng giới. |
ĐÔNG YÊN