Cảnh tượng chen lấn để giành suất sushi miễn phí tại Hà Nội cuối tháng 10 vừa qua không phải là hình ảnh hiếm thể hiện sự yếu kém trong văn hóa xếp hàng ở Việt Nam. Giữa tháng 9, dư luận xôn xao trước một đoạn clip quay lại cảnh giành giật áo mưa tại UBND quận Ba Đình, Hà Nội, trong chương trình phát 3.000 áo mưa miễn phí do Đại sứ quán Hà Lan tài trợ. Chương trình thu hút khá đông người dân tham dự, trong đó có không ít người hiếu kỳ đi ngang qua cũng ghé lại hưởng ứng.
Vài phút sau khi chương trình bắt đầu, nhiều người tranh giành nhau để được một chiếc áo mưa miễn phí. Không khí bắt đầu trở nên hỗn loạn khi không ít người chạy lên sân khấu, giật áo mưa từ tay các nhân viên Đại sứ quán và tình nguyện viên. Nhiều người trong số đó tay cầm một lúc 3-4 chiếc áo mưa, hoan hỉ mang “chiến lợi phẩm” ra về.
Nhận thấy sự hỗn loạn mỗi lúc một tăng, nhân viên an ninh và tình nguyện viên đã lập hàng rào đứng chắn, đẩy người dân ra khỏi khu vực chính để đề phòng sự cố. Không khí càng lúc càng rối loạn với những tiếng la hét, và chỉ tạm lắng sau khi ban tổ chức vì quá e ngại đã tìm cách phát nhanh cho bằng hết số áo mưa.
Những hình ảnh trên sau khi được đăng tải khiến dư luận bày tỏ sự bức xúc, phẫn nộ. Một phần nguyên nhân gây nên tình trạng hỗn loạn là số người tham dự vượt gấp nhiều lần dự tính, nhưng phần lớn là ở nhận thức của nhiều người dân khi cố tình không xếp hàng, chen lấn xô đẩy để giành phần lợi cho mình.
“Suy cho cùng cũng vì nhiều người ham đồ rẻ, đồ miễn phí. Nhưng giá mà mỗi người chịu nép vào hàng lối, kiên nhẫn chờ tới lượt mình thì tuy có thể có người được, người không, khung cảnh đã văn minh và dễ chịu hơn nhiều. Người Việt vì đó cũng không mất điểm từ các vị khách người Hà Lan trong một chương trình đậm tính thiện chí và hữu nghị như thế”, chị Phương Thanh, kế toán ngân hàng ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), chia sẻ.
Hiện tượng đám đông tranh giành nhau trong các chương trình ưu đãi cũng từng xuất hiện tại sự kiện đổi mũ bảo hiểm ở Đà Nẵng giữa tháng 4/2012. Trước đó, chương trình được quảng bá khá rộng rãi trên truyền hình và mạng xã hội, thu hút sự chú ý của đông đảo người dân trong thành phố. Người tham gia chương trình có thể đổi mũ bảo hiểm cũ và bù thêm 50.000 đồng một chiếc để lấy đồ mới.
Đè nhau để lấy mũ bảo hiểm ở Đà Nẵng. Ảnh: Facebook Tin Đà Nẵng.
Tuy nhiên, ngay khi bắt đầu chương trình, khung cảnh đã trở nên hỗn loạn khi hàng trăm người xung quanh khu vực đổi mũ chen lấn, xô đẩy nhau để giành giật đồ. Nhiều người có mặt tại sự kiện cho biết, vì tin đồn mũ được phát ra có số lượng hạn chế và chương trình chỉ thực hiện trong một ngày, đa số người dân nôn nóng đã tìm cách lấn sát lên. Người dân còn tìm cách leo lên các thùng hàng trên xe tải để tranh nhau đổi mũ. Hàng trăm chiếc mũ bảo hiểm phát ra chỉ trong vòng vài phút đã bị người dân giật lấy, kèm theo không ít tiếng la ó, chửi bới của những người mất phần. “Khung cảnh như thời loạn lạc. Nhiều người còn chồng chất, trèo lên nhau để với lấy mũ bảo hiểm từ tay người phát”, bà Thuận, chủ một tiệm nước gần khu vực, kể. Tình trạng nhức nhối của việc chen nhau giành giật ở những nơi công cộng còn xuất hiện trong nhiều lễ hội, trong đó có lễ hội đền Trần ở Nam Định. Lễ khai ấn vào cuối tháng 2 vừa qua với hình ảnh hàng trăm người dân chen chúc nhau mua ấn, thậm chí trèo lên đầu người phía trước để giành phần cho mình khiến không ít người lắc đầu chán nản. Số lượng người mua ấn quá đông, kèm theo quy định mỗi người chỉ mua 1 - 2 lá, khiến người sau chen lấn, giẫm đạp lên người trước để chiếm suất mua.
Cảnh chen lấn ở lễ hội khai ấn đền Trần tháng 2/2013. Ảnh: Hoàng Hà.
Nhiều người trong số đó không chỉ mua cho mình và người thân, mà còn tranh thủ mua số lượng lớn để bán lại cho những người ngại xếp hàng, khiến đám đông trở nên chen lấn, xô bồ và khó kiểm soát. Nhiều người dân sau màn mua ấn đã phải chuốc bực vào người vì bị rạch túi, móc túi trong quá trình mua mà không hề hay biết. Liên tiếp những sự kiện phơi bày nhận thức kém của một bộ phận người Việt trong các sự kiện đòi hỏi tính cộng đồng, tính văn minh khiến không ít người lo ngại: Văn hóa xếp hàng, tinh thần vì tập thể của nhiều người dân đang ngày càng trở nên thiếu vắng. “Không biết đến bao giờ, chúng ta mới có được văn hóa xếp hàng. Ở nhiều nước, sự văn minh thể hiện ở việc chỉ cần 3 - 4 người là họ tự động xếp hàng mua vé tàu điện ngầm, căng tin... Còn chúng ta thì lại chen lấn sứt đầu mẻ trán!”, Ngọc Khánh, du học sinh tại Virginia, Mỹ, cảm thán. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng xen lấn, xô đẩy ở những nơi phát hàng miễn phí, bán hàng giảm giá là hiện tượng phổ biến ở nhiều quốc gia, không riêng gì Việt Nam. “Chẳng hạn như sự kiện Black Friday ở Mỹ, dân chúng chầu chực và chen lấn, thậm chí choảng nhau dẫn đến thương tích. Đó không phải là một điều đáng khích lệ, nhưng nếu đó là hệ quả mà nhiều nước tiên tiến cũng không thể tránh khỏi, thì chi bằng hãy thông cảm với những người dân trên”, Hoàng Nguyên, nhân viên công nghệ thông tin, quận 3, TP HCM, chia sẻ.
Cơn sốt Black Friday tại Mỹ. Ảnh: In.
Trên nhiều trang mạng, những hình ảnh chen lấn, xô đẩy của nhiều người Việt được đặt song song cùng với cảnh người dân Nhật Bản kiên nhẫn xếp hàng chờ mua xăng dầu, hàng hóa sau đợt thảm họa kép động đất - sóng thần năm 2011. Một chuyên gia kinh tế chia sẻ, dưới thời bao cấp, người Việt Nam đã biết xếp hàng một cách rất kiên nhẫn. Song khi kinh tế khá dần lên, nhiều người lại lấy cá nhân đặt lên trên cộng đồng. “Người tiêu dùng Việt cần học cách tôn trọng cộng đồng hơn”, vị này cho biết. Theo Mai Mai (VNE)