Phim Việt giờ vàng: Khán giả bị “tra tấn” và coi thường

Dành giờ vàng cho phim Việt trên sóng truyền hình là một chủ trương đúng đắn về nhiều mặt, có lợi cho khán giả cũng như giới làm phim truyền hình cả nước. Tuy nhiên càng ngày người xem càng thất vọng với những bộ phim được lựa chọn phát sóng trên VTV gần đây.

Quảng cáo “thô” và “trơ”

Từ Tết Nguyên đán Tân Mão 2011, hàng loạt phim như “Tháng củ mật”, “Ai cũng có Tết”... và bây giờ là “Xin thề anh nói thật”, “Anh chàng vượt thời gian”... liên tục gây thất vọng cho khán giả.

Thất vọng đầu tiên là sự can thiệp thô bạo của các nhãn hàng tài trợ vào kịch bản phim khiến cho các nhân vật trở thành người phát ngôn cho các sản phẩm, dịch vụ của họ. Hàng loạt những bối cảnh được sử dụng liên quan đến các cửa hàng điện thoại, thời trang, ngân hàng, dịch vụ viễn thông... một cách đầy chủ ý.

Phim Việt giờ vàng: Khán giả bị “tra tấn” và coi thường ảnh 1

Thôi thì cũng thông cảm cho kinh phí của các nhà làm phim truyền hình Việt mà bỏ qua. Nhưng “thô” đến mức phải để cho nhân vật do diễn viên Lê Bình thể hiện suốt ngày ngồi sưu tập các trang quảng cáo của một mạng điện thoại rồi lại xông vào một cửa hàng đại lý điện thoại để hỏi nhân viên của một mạng về chương trình khuyến mãi của doanh nghiệp trong phim “Ai cũng có Tết” thì có lẽ người xem cũng phải “giơ tay đầu hàng” độ “trơ” của kịch bản.

Cũng ở phim này có một đoạn thoại “thô” thuộc hàng... kinh điển khi nhân vật nữ chính ngồi bấm điện thoại với vẻ mặt buồn chán, nhân vật nam chính hỏi: “Em làm sao vậy?”, cô gái trả lời: “Em cài mãi dịch vụ X mà không được”, thế là chàng trai thao thao bất tuyệt: “Sao em không sử dụng dịch vụ X của mạng Y, dễ cài mà chất lượng tốt lắm, em chỉ cần soạn tin rồi gửi đến...”.

Tương tự như vậy, ở phim “Anh chàng vượt thời gian”, sự xuất hiện của nhà tài trợ cũng đậm đặc không kém khi nàng cung nữ do Kim Hiền đóng kể rất tỉ mỉ công thức pha trà của một loại trà thảo mộc mà ai cũng biết là loại nào. Chưa kể hàng loạt các nhân vật nữ trong nhiều phim đều làm việc cho cùng một hãng thời trang dành cho phụ nữ khiến người xem phát ngán.

Với những sự can thiệp thô và trơ của các nhãn hàng tài trợ như vậy, chỉ có thể kết luận phim Việt giờ vàng dường như đang dần biến thành giờ dành cho quảng cáo trá hình mà thôi.

Vàng ấy vàng gì?

Tại thời điểm này, cùng lúc bị “tấn công” bởi sự nhảm nhí của hai bộ phim “Xin thề anh nói thật” và “Anh chàng vượt thời gian”, có lẽ khán giả của VTV đã quá sức chịu đựng.

Phim giờ vàng trên VTV đang quá xuống cấp và làm người xem thất vọng tới mức tôi không hiểu VTV chiếu những phim này có được duyệt và biên tập trước hay không?

Nguyễn Bích Thủy (Trường ĐH Hà Nội)

Bác Nguyễn Thị Phương ở Hoài Đức (Hà Nội) than thở: “Tôi không chịu nổi những dạng phim như thế này. Phim “Xin thề anh nói thật” xây dựng hình tượng một chàng trai tưng tửng không ra tưng tửng, vậy mà lại lừa được bao nhiêu cô gái. Các nhân vật người lớn khác trong phim cũng như một nhóm người ngoài hành tinh vì sự ngô nghê trong cách hành xử, không hề hợp với tuổi tác và xuất thân của họ”.

Phim “Anh chàng vượt thời gian” thì có lẽ đã đạt kỷ lục về sự cẩu thả của nhà làm phim, sự ngớ ngẩn đến khó hiểu của kịch bản khi làm phim cổ trang mà trang phục của nhân vật không biết là ở thời nào, triều đình thì lèo tèo vài ba ông quan với một chiếc bàn gỗ.

Khán giả Đỗ Quang ở ngõ Văn Chương (Hà Nội) cho biết: “Tôi chỉ xem tập đầu tiên là đã biết phim này không thể “tiêu hóa” nổi, không biết người ta làm phim kiểu gì mà nhân vật nói với nhau những câu cứ rề rà, vô nghĩa, 45 phút một tập phim mà chẳng có tình tiết nào ra hồn”.

Mới đây, đoàn phim “Anh chàng vượt thời gian” đã tự “vạch áo” cho khán giả xem lưng khi nội bộ liên tục xuất hiện trên báo để tố nhau, nhà sản xuất gọi nam diễn viên chính là kẻ “thiếu đạo đức” khi anh này đòi bỏ vai và các diễn viên khác nhân dịp này cũng tiết lộ những chuyện hậu trường chẳng ra sao. Phim làm theo kiểu “cuốn chiếu”, vừa quay vừa phát sóng trong hoàn cảnh nội bộ lục đục nên chất lượng như vậy cũng có thể hiểu được.

Bạn Nguyễn Bích Thủy - sinh viên Trường ĐH Hà Nội tâm sự: “Phim giờ vàng trên VTV đang quá xuống cấp và làm người xem thất vọng tới mức tôi không hiểu VTV chiếu những phim này có được duyệt và biên tập trước hay không? Có lẽ điều khán giả cần nhất bây giờ là sự lên tiếng của nhà đài, bởi nếu không, VTV cứ im lặng và lần lượt chiếu đến những tập cuối cùng mà không quan tâm đến phản ứng của khán giả thì cũng coi như một sự xem thường họ”.

Theo Lê Tâm (Dân Việt)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm