Vàng đang là kênh đầu tư sinh lời nhiều nhất nhưng...

(PLO)- Vàng là tài sản sinh lời nhất những tháng đầu năm 2024. Nhưng khi giá vàng trong nước đã lên chót vót và Chính phủ ra thông điệp cứng rắn, thì nhà đầu tư nên cẩn trọng...

Bất động sản còn đang trì trệ và chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc, chứng khoán nhấp nhổm, trái phiếu doanh nghiệp thì rủi ro, lãi suất tiền gửi xuống thấp chưa từng có... Đấy là bối cảnh chung khi người dân, nhà đầu tư tìm đến vàng thời gian qua.

Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức an toàn (dưới 70% danh mục) và hạn chế sử dụng tỷ lệ ký quỹ cao, theo khuyến nghị của Công ty Chứng khoán VNDirect.

Vàng mang lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư những tháng đầu năm...

Từ đầu năm 2024, những chuyên gia kinh tế - tài chính như TS Nguyễn Trí Hiếu phán đoán vàng sẽ là kênh đầu tư được chú ý. Và đến nay, dự báo này đã được chứng minh bằng con số.

Theo tính toán của ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, tính từ đầu năm đến hết tháng 4, vàng đã mang lại mức lợi suất cao nhất với tỷ lệ 14,69%, sau đó đến cổ phiếu là 10,95%, trái phiếu 2,45% và cuối cùng là tiền gửi tiết kiệm 1,28%.

Còn nếu tính riêng trong tháng 4, vàng đứng đầu với lợi suất 5,07%, sau đó đến trái phiếu 1,35%, tiền gửi 0,32%. Với kênh cổ phiếu trên sàn chứng khoán, nhà đầu tư có thể thua lỗ đến 4,78%.

Dù vậy, dòng tiền trong dân có thể sẽ chuyển hướng, khi từ cuối tháng 4 đến nửa đầu tháng 5 này, đã có hơn 20 ngân hàng nâng lãi suất huy động. Dẫn đầu làn sóng này, như Ngân hàng Xây dựng (CBBank) tăng thêm 0,9%/năm áp dụng cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Còn sớm để đánh giá về cuộc đua tăng lãi suất huy động này, nhưng đến giờ đã thấy sự nhập cuộc của ngân hàng thương mại thuộc nhóm Big4. Trong số bốn ngân hàng quốc doanh lớn ấy, VietinBank đang dẫn đầu với lãi suất 4,8%/năm, dành cho khách hàng cá nhân gửi từ 24 tháng trở lên, áp dụng trong tháng 5.

... Nhưng dòng dòng tiền đang chuyển hướng

Như PLO đã có bài phân tích đầu tuần trước, sự dịch chuyển dòng tiền về kênh tiết kiệm ngân hàng nhiều khả năng sẽ diễn ra nhưng chưa quá mạnh. Ông Trần Trương Mạnh Hiếu – Trưởng bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán KIS nay tiếp tục dự báo như vậy.

“Lãi suất huy động dù đã tăng trong tháng 4 và đầu tháng 5 nhưng nhìn chung vẫn ở ngưỡng thấp so với thời gian trước. Hơn nữa, lãi suất lại chủ yếu chỉ tăng ở các kỳ hạn ngắn từ 3 tháng trở xuống, còn các kỳ hạn dài hơn lãi suất dù có tăng nhưng không tăng mạnh”, ông Hiếu lưu ý.

Cũng theo chuyên gia này, bất động sản chưa thể khởi sắc ngay, bởi dù thoát khỏi đáy 2023 thì đến nay các sản phẩm đầu tư trong lĩnh vực này lại thiết lập vùng giá quá cao, giảm sức hấp dẫn. Chưa kể, đầu tư vào bất động sản cần dòng vốn lớn, không dành cho đại đa số người dân.

Trái phiếu doanh nghiệp từng là một lựa chọn trong những năm trước, nhưng sau những diễn biến tiêu cực, trong năm nay kênh này khó hấp dẫn trở lại. Theo lý giải của ông Nguyễn Trí Hiếu, việc triển khai Nghị định 65 nhất là về xếp hạng tín nhiệm mới khả năng tác động mạnh đến kênh đầu tư này.

Trên sàn chứng khoán, tháng 5 hàng năm thường chứng kiến nhiều đợt bán mạnh của nhà đầu tư, nên các công ty chứng khoán đang khuyến nghị nhà đầu tư cẩn trọng.

Công ty Chứng khoán VNDirect khuyến nghị trong bối cảnh VN-INDEX hồi phục tương đối mạnh từ đáy, nhà đầu tư cần đặt việc quản lý rủi ro danh mục lên hàng đầu. Theo đó, nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức an toàn (dưới 70% danh mục) và hạn chế sử dụng tỷ lệ ký quỹ cao. Các chỉ số thị trường ngắn hạn chính cần được theo dõi chặt chẽ là diễn biến của DXY và lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ.

Lời khuyên cẩn trọng...

Từ góc độ vĩ mô, chuyên gia Nguyễn Minh Tuấn thuộc AFA Capital nhấn mạnh lạm phát là yếu tố mà các nhà đầu tư tài chính cần lưu tâm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng hiện đã ở mức 3,93%, còn so với cùng kỳ chạm mức 4%, không quá xa so với mức lạm phát mục tiêu 4-4,5% mà Chính phủ đề ra.

Cũng ở khía cạnh này, chuyên gia kinh tế Phan Lê Thành Long lưu ý yếu tố lạm phát kỳ vọng. Mỗi khi lãi suất thấp, người dân có tâm lý chi tiêu nhiều hơn, vì vậy cũng đẩy lạm phát kỳ vọng cao hơn. Tiền gửi trong toàn hệ thống ngân hàng ba tháng đầu năm giảm là điều ít thấy trong suốt hơn 20 tháng gần đây. Ngoài ra, kế hoạch cải cách tiền lương khu vực công áp dụng từ 1-7 tới cũng gây sức ép lạm phát.

"Trong bối cảnh chung ấy không khó hiểu tại sao dòng tiền có thể vẫn tìm đến vàng", ông Hiếu nói.

Tuy nhiên, diễn biến mới là cơ quan quản lý và các nhà hoạch định chính sách cuối tuần qua đã phát đi những thông điệp rất mạnh mẽ về về chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cao bất thường, xử lý nghiêm vi phạm trong sản xuất và kinh doanh vàng miếng.

Bởi vậy, chuyên gia cũng lưu ý các nhà đầu tư cần thận trọng khi xuống tiền ở thời điểm mà giá vàng trong nước lên cao chót vót, chênh lệch một cách đầy rủi ro với giá vàng thế giới.

Thực tế mở cửa phiên giao dịch sáng 13-5, vàng miếng SJC trên toàn thị trường rơi không phanh. Thậm chí, so với vùng cao kỷ lục 92,4 triệu đồng/lượng vào chiều thứ 6 tuần trước, đến nay mỗi lượng vàng miếng SJC đã bốc hơi 3,9 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, còn chiều mua vào giảm 4,6 triệu đồng/lượng. Đáng chú ý trong những ngày qua, có thời điểm giá vàng miếng SJC đắt hơn giá vàng thế giới gần 20 triệu đồng/lượng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới