Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương (Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP của Việt Nam), cho biết dệt may là vấn đề lợi ích cốt lõi trong TPP, trong đó quy định nguyên tắc xuất xứ là nội dung quan trọng.
Thứ trưởng cho biết Việt Nam vẫn phải nhập khẩu vải, mặc dù vải Việt Nam có thể sản xuất được nhưng chất lượng không đáp ứng được xuất khẩu. Mỹ là thị trường lớn đối với dệt may Việt Nam và họ có quy định khắt khe; hai bên vẫn đang đưa ra những điểm để tìm tiếng nói chung trong đàm phán. Trước mắt, Mỹ đưa ra phương án có thể cho Việt Nam nhập khẩu vải từ đối tác thứ ba nhưng dựa trên những danh mục sản phẩm theo chuẩn mà phía họ cung cấp vào thị trường Việt Nam, xem đó là loại vải có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam. Tuy nhiên, phương án này có thể tạo ra “nguyên tắc xuất xứ lỏng” - Việt Nam chỉ cần nhập vải về và cắt may. Điều này sẽ khiến DN Việt Nam không có động lực để đầu tư vào dệt may. “Để phát triển toàn diện ngành dệt may, không còn cách nào khác là cần nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, chủ động về nguồn nguyên liệu sợi, nhuộm; đầu tư cơ sở sản xuất, tránh sản xuất kiểu “mì ăn liền” - Thứ trưởng khuyên DN.
Về mặt hàng thực phẩm, theo ông Khánh, thịt gà, thịt heo là mặt hàng nông nghiệp khó khăn nhất khi tham gia TPP. “Đến bây giờ dù là nước thuần nông nhưng tôi vẫn không hiểu nổi tại sao thịt heo của Việt Nam không đủ sức cạnh tranh được với nước ngoài; thậm chí thuế nhập khẩu thịt heo lên đến 40% nhưng không thể cạnh tranh nổi với thịt heo nhập từ Mỹ”. Bên cạnh đó, hiện nay Việt Nam còn đang tiêu thụ phần lớn thịt bò từ Lào, Campuchia và một phần từ Úc dù mức giá chênh lệch với thị trường trong nước không lớn. Khi tham gia TPP thì sẽ có một lượng lớn thịt bò từ Úc, New Zealand vào Việt Nam vì thuế suất 0%. Điều mà ông Khánh băn khoăn: “Việt Nam là nước nông nghiệp và không có gì có thể ngăn cản chúng ta phát triển chăn nuôi bò nhưng đến nay vẫn chưa chủ động, tự túc được thịt bò”.
TRÀ PHƯƠNG