Vất vả đòi xin lỗi, bồi thường - Bài 1: Nhận sai nhưng… làm lơ

Nghị quyết 388 ngày 17-3-2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định các cơ quan tố tụng phải xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần khi làm oan người vô tội. Thực tế, nhiều cơ quan tư pháp vẫn cố tình làm ngơ trước yêu cầu chính đáng của người bị oan.

Vụ việc của ông Nguyễn Lâm Sáu (ngụ phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột, Dăk Lăk) là một minh chứng.

25 năm đi tìm một lời xin lỗi

Sau bảy năm công tác ở Nông trường Eakao, ngày 14-11-1985, ông Sáu bất ngờ bị Công an tỉnh Dăk Lăk bắt tại nhà riêng vì nghi ngờ buôn bán hàng trái phép. Lệnh bắt không có sự phê chuẩn của VKS, khi công an bắt người không có đại diện chính quyền địa phương chứng kiến. Trong biên bản bắt, công an thu giữ... một chai 65 ml dầu cam đã hư hỏng để làm vật chứng.

Chín ngày sau, ông Sáu được thả. “Lệnh tạm tha” của Công an tỉnh ghi rõ: “Bị can Nguyễn Lâm Sáu về địa phương và khi nào cơ quan pháp luật có giấy gọi, bị can phải đến đúng ngày, đúng giờ”... Từ đó đến nay đã 25 năm trôi qua, ông Sáu không hề thấy một tờ giấy gọi nào của cơ quan pháp luật.

25 năm qua, ông Nguyễn Lâm Sáu vẫn rong ruổi khắp nơi khiếu nại yêu cầu cơ quan làm oan xin lỗi. Ảnh: THANH TÙNG

Mấy chục năm mặc cảm với thân phận bị can, ông Sáu đi khiếu nại khắp nơi. Tháng 7-2008, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh Dăk Lăk khẩn trương kiểm tra, kết luận vụ việc. Tháng 2-2009, UBND tỉnh Dăk Lăk có Công văn 398, nội dung là Công an tỉnh nhận trách nhiệm làm sai tố tụng trong quá trình bắt tạm giam, tạm tha và không khởi tố vụ án nhưng lại không có quyết định rõ ràng, gây thiệt hại về vật chất, tinh thần đối với ông Sáu. UBND tỉnh chỉ đạo: “Công an tỉnh phải có văn bản chính thức công khai xin lỗi ông Sáu”...

Vậy mà đến nay, ông Sáu vẫn đang rong ruổi đi tìm công lý bởi chưa nhận được một lời xin lỗi nào. Tháng 7-2009, Văn phòng Chủ tịch nước đã chuyển đơn của ông đến VKSND Tối cao xem xét, giải quyết. Tháng 10-2009, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng chuyển đơn của ông đến Bộ Công an, VKSND Tối cao nhưng mọi chuyện vẫn giậm chân tại chỗ.

Dù rằng cái sai do những cán bộ thời cũ gây ra nhưng Công an tỉnh Dăk Lăk không thể chối bỏ trách nhiệm. “Mấy chục năm qua, tôi chỉ cần một lời xin lỗi mà cũng không được hay sao?” - ông Sáu than thở.

“Im lặng là vàng”?

Gần một năm qua, yêu cầu đòi bồi thường oan của ông Huỳnh Thanh Mừng (ngụ TP Cần Thơ) cũng bị chìm vào quên lãng.

Tháng 12-1990, công an ập đến bắt ông Mừng tại cơ quan, sau đó khởi tố, tạm giam ông ba tháng về tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa. Tháng 4-1991, bị bệnh nặng, ông được vợ bảo lãnh về nhà điều trị. Hai tháng sau, Công an huyện Vị Thanh (nay là thị xã Vị Thanh, Hậu Giang) lại có lệnh bắt khẩn cấp ông một lần nữa. Đến tháng 9-1991, sau tám tháng bị giam, ông Mừng được trả tự do.

Kể từ đó, các cơ quan tố tụng đã không ra văn bản xử lý tiếp theo khiến số phận pháp lý của ông cứ bị treo lơ lửng hơn 18 năm trời. Ông liên tiếp gửi đơn cầu cứu khắp nơi.

Tháng 3-2009, Công an thị xã Vị Thanh đình chỉ điều tra bị can đối với ông Mừng do đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo Nghị quyết 388, cơ quan này phải bồi thường oan cho ông Mừng nhưng gần một năm nay, ông đã viết hàng ký đơn gửi Công an thị xã và các cơ quan tố tụng khác nhưng đều không có phản hồi.

Chờ hết thời hiệu mới… lên tiếng

Đó là vụ việc của ông Nguyễn Thành Trung - nguyên Phó phòng Nông nghiệp huyện Vị Thanh (tỉnh Cần Thơ cũ).

Tháng 4-1988, ông Trung bị VKS huyện quy kết là cố ý làm trái nguyên tắc, chính sách, chế độ quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và khởi tố, bắt tạm giam.

Khi giam ông, các cơ quan tố tụng không hề lấy lời khai. Tháng 7-1988, VKS huyện ra lệnh tạm tha kèm yêu cầu ông phải có mặt nếu bị triệu tập. Nhưng kể từ đó, vụ án của ông bị bỏ lửng luôn.

Ông Trung liên tục khiếu nại để đề nghị được phục hồi đảng viên, chức vụ và bồi thường thiệt hại nhưng không cơ quan nào trả lời. Ông đến Công an Vị Thanh thì họ bảo đã chuyển đơn đến VKS, đến VKS hỏi thì được trả lời là hồ sơ bị thất lạc.

Bất ngờ đầu năm 2008, VKS thị xã Vị Thanh (mới) có văn bản cho biết trường hợp của ông không được bồi thường oan do hết thời hiệu khiếu nại. VKS còn cho rằng do ông đã không đi khiếu nại nhiều năm nên giờ mất quyền khiếu nại (!?).

Như vậy, gần 22 năm qua ông Trung vẫn chưa thể thoát khỏi thân phận một bị can. Hiện ông vẫn tiếp tục vác đơn đi cầu cứu khắp nơi.

Còn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm

Theo nhận định của VKSND Tối cao tại hội nghị tổng kết năm năm thực hiện Nghị quyết 388 tổ chức đầu năm 2009, một số vụ việc cơ quan tư pháp không nhận thấy hết trách nhiệm, hậu quả của việc gây oan, dẫn tới né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Có nơi cơ quan tư pháp còn đưa ra lý do thiếu chính đáng để từ chối xin lỗi, bồi thường, hoặc có thụ lý, giải quyết thì thiếu cầu thị, gây căng thẳng hoặc tính không đầy đủ, không toàn diện thiệt hại thực tế cho người bị oan...

VKSND Tối cao cũng đánh giá nguyên nhân chủ yếu là cán bộ tố tụng thiếu ý thức trách nhiệm, hạn chế năng lực áp dụng luật. Đến nay chưa phát hiện trường hợp cán bộ tố tụng vì động cơ cá nhân mà cố ý làm oan cho người vô tội.

Phải nhờ tòa phân xử

Cuối năm 2008, TAND thị xã Bến Tre đã tuyên buộc VKSND tỉnh này phải bồi thường 63 triệu đồng và công khai xin lỗi ông Châu Ngọc Ngừng vì đã làm oan và tạm giam ông 770 ngày.

- Năm 1990, ông Ngừng bị VKSND tỉnh Bến Tre truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa dù ông chỉ môi giới cho các doanh nghiệp làm ăn để hưởng hoa hồng. Ba năm sau, TAND tỉnh đã tuyên ông trắng án. Sau đó, ông liên tục gửi đơn đến công an, VKS tỉnh yêu cầu trả lại các tài sản bị tạm giữ và bồi thường thiệt hại nhưng đều không được thương lượng, giải quyết...

- Tháng 5-2008, TAND TP Cà Mau đã tuyên buộc VKSND cùng cấp phải bồi thường cho bà Phan Kim Luân hơn 162 triệu đồng do đã khởi tố, bắt giam oan. Cuối năm 1989, bà Luân bị khởi tố, bắt tạm giam về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Đến tháng 6-1990, VKS thị xã (cũ) trả tự do cho bà Luân nhưng mãi đến tháng 1-2007 mới trao quyết định đình chỉ điều tra.

- Tháng 9-2007, TAND tỉnh Bến Tre xử phúc thẩm, tuyên VKS tỉnh này phải bồi thường cho ông Lưu Việt Hồng hơn 350 triệu đồng do làm oan trong tố tụng. Năm 1991, ông Hồng bị VKS tỉnh Bến Tre truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, sau đó được tòa tuyên không phạm tội. Ông đã khởi kiện yêu cầu VKS tỉnh này bồi thường cho mình hơn 8,3 tỉ đồng.

Tại phiên sơ thẩm tháng 5-2007, ông Hồng đã rút bớt một phần yêu cầu, đòi VKS trả cho ông gần 2,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, TAND thị xã Bến Tre chỉ buộc VKS phải bồi thường gần 216 triệu đồng nên ông kháng cáo và được cấp phúc thẩm tăng mức bồi thường như trên.

- Tháng 6-2005, TAND quận Hai Bà Trưng đã tuyên buộc VKSND TP Hà Nội phải bồi thường cho ông Hoàng Minh Tiến gần 28 triệu đồng cho hơn 400 ngày tạm giữ oan và 900 ngày tại ngoại (bị quản thúc). Năm 1992, khi đương chức phó chủ tịch Hội đồng XNK Liên hiệp Sản xuất Việt Nam, giám đốc điều hành xuất nhập khẩu Liên hiệp Khoa học sản xuất Việt Nam, giám đốc cửa hàng xuất nhập khẩu tư doanh Đồng Tiến thì ông Tiến bị bắt. Tháng 6-1996, TAND Tối cao tuyên ông không phạm tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa như phán quyết của TAND TP Hà Nội trước đó.

THANH TÙNG - VĂN ĐOÀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới