Vay vốn nước ngoài cải thiện hệ thống đường thuỷ khu vực phía Nam

(PLO)- Việt Nam dự kiến vay vốn nước ngoài để cải tạo, nâng cấp hệ thống đường thuỷ nhằm giảm chi phí logistics, xoá đói giảm nghèo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT, Bộ Tài chính vừa đề nghị Chính phủ xem xét ký hiệp định tài trợ giữa nước ta và Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) cho dự án phát triển các hành lang đường thuỷ và logistics khu vực phía Nam.

Theo đó, Việt Nam dự kiến vay IDA 81,2 triệu SDR (đơn vị tiền tệ quy ước được tạo ra bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế), với thời hạn vay là 30 năm gồm 5 năm ân hạn. Lãi suất vay mỗi năm là 1,25% trên tổng số vốn đã rút cộng với các chi phí liên quan. Thời hạn đóng vốn vay vào cuối năm 2029.

Với số tiền trên, trong nước dự kiến đầu tư cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, giảm tắc nghẽn, tai nạn, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy thông qua việc cải tạo, nâng cấp luồng sông trên hành lang vận tải Đông - Tây kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Cụ thể là cải tạo luồng sông Hậu (TP Cần Thơ), Trà Ôn, Mang Thít, Cổ Chiên, kênh Chợ Lách, sông Tiền, rạch Kỳ Hôn, kênh Chợ Gạo, rạch Lá, sông Vàm Cỏ, kênh Nước Mặn, sông Cần Giuộc, sông Soài Rạp (TP.HCM).

Việt Nam vay vốn nước ngoài để cải thiện vận tải thuỷ. Trong ảnh là cảng Gemalink thuộc cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Ảnh: TRÙNG KHÁNH

Thêm vào đó, cơ quan chức năng sẽ thực hiện cải tạo hành lang vận tải Bắc - Nam kết nối khu vực Đông Nam Bộ với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Cụ thể là khơi thông luồng trên sông Đồng Nai, Nhà Bè, Lòng Tàu, Đồng Tranh, Tắc Cua, Gò Gia, Thị Vải.

Ngoài nạo vét luồng, dự án cũng sẽ xây dựng cầu Chợ Lách 2 bắc qua kênh Chợ Lách, xây dựng đường dân sinh…

Theo Bộ GTVT dự án trên có tổng mức đầu tư khoảng 3.899 tỉ đồng, tương đương 163,34 triệu USD.

Cũng theo Bộ GTVT, việc thực hiện dự án có tác động lan tỏa, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong phạm vi dự án nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Khi dự án triển khai, người dân thuộc đối tượng bị ảnh hưởng sống dọc theo các tuyến kênh, sông chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống theo quy định của khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dự án. Gia tăng việc làm, thúc đẩy phát triển xây dựng cơ bản, thu hút đầu tư, đóng góp chung vào phát triển kinh tế của các địa phương.

Đặc biệt, dự án sẽ rút ngắn thời gian lưu thông đường thủy nội địa trên hành lang Đông - Tây từ các cảng chính ở TP.HCM và khu vực Cái Mép - Thị Vải đến các cảng ở Cần Thơ. Tạo điều kiện thuận lợi cho tàu đến 5.000 tấn và tàu container 4 lớp không phải chờ nước trên hành lang Bắc - Nam. Từ đó kéo giảm chi phí vận tải, tăng tính cạnh tranh so với đường bộ.

Ngoài ra, dự án sẽ góp phần cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng mạng lưới đường thủy trên tuyến hành lang đường thủy từ TP.HCM đến Cần Thơ qua kênh Chợ Lách, Mang Thít. “Qua đó giúp gia tăng lượng phương tiện thủy lưu thông trên tuyến góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long…”- Bộ GTVT nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới