Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, ngày 26-12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì họp ban chỉ đạo xây dựng, thực hiện dự án này. Trong đó, ông Trần Hồng Hà nhấn mạnh kế hoạch thực hiện dự án phải rõ việc, rõ người, rõ bước đi khoa học, bài bản, đồng bộ, toàn diện, không “vừa làm, vừa chờ”.
Kế hoạch triển khai càng chi tiết càng tốt
Trên tinh thần ấy, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, cho biết ngay khi Quốc hội cho chủ trương, đơn vị liền xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai dự án gồm: Lựa chọn tư vấn; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; đấu thầu các gói thầu thi công xây dựng… Với mục tiêu khởi công dự án vào tháng 12-2027 như yêu cầu của Quốc hội.
Về kế hoạch cụ thể, ông Huy nói Bộ GTVT đang lấy ý kiến các bộ về dự thảo nghị quyết của Chính phủ trong triển khai dự án. Trong đó, Bộ GTVT đề xuất quy định cụ thể các mốc tiến độ chính của dự án; thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương; xây dựng một số chính đặc thù, đặc biệt đối với dự án.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài nguyên và môi trường góp ý kế hoạch triển khai dự án phải làm rõ hơn các nhiệm vụ liên quan đến phát triển công nghiệp đường sắt, các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước.
Còn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, đề nghị Bộ GTVT phối hợp tối đa để tính toán, xác định nhu cầu nguồn nhân lực theo định hướng lựa chọn công nghệ, "càng chi tiết, càng tốt". Từ đó, bộ sẽ có kế hoạch triển khai, phân bổ cụ thể đến từng trường đại học, phương án hợp tác đào tạo quốc tế.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, nhấn mạnh đến việc lựa chọn tư vấn thiết kế, giám sát, thẩm định… những việc này rất quan trọng. “Đây phải là những tổ chức có kinh nghiệm, năng lực, chuyên môn hàng đầu thế giới”.
Cần tránh tình trạng “đẽo cày giữa đường”
Kết luận, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đưa ra yêu cầu là “chúng ta phải từng bước nắm bắt, làm chủ ngành công nghiệp đường sắt, các phân ngành liên quan đến thông tin, điều khiển, vận hành quản lý và các hệ sinh thái kinh tế đi cùng”.
Ông cũng nhắc các bộ, ngành phải chú trọng từng khâu, có tầm nhìn rõ ràng về khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách, tránh “đẽo cày giữa đường”.
Để làm được như vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT xem xét sửa đổi Luật Đường sắt. Trong đó, đơn vị phải tính toán, đưa vào hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến đường sắt cao tốc, bao gồm tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến công nghệ, thiết bị vận hành, điều hành, cơ chế chính sách đặc thù để làm được đường sắt cao tốc…
Thêm vào đó, Bộ GTVT cần đưa vào những cơ chế, chính sách để lựa chọn "trúng, đúng" tổ chức, đơn vị tư vấn quốc tế uy tín, kinh nghiệm, năng lực hàng đầu thế giới. Họ phải tham gia từ khâu thiết kế kỹ thuật tổng thể, đến thẩm định, đánh giá, giám sát, quá trình lập quy hoạch, lựa chọn hướng tuyến, xây dựng nội dung các gói thầu, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư.
Các quá trình trên, đơn vị tư vấn của Việt Nam có thể tham gia, học hỏi, nâng cao năng lực.
Trên cơ sở thiết kế kỹ thuật tổng thể, Bộ GTVT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xác định những đầu việc cần làm. Chẳng hạn như xác định chỉ tiêu sử dụng đất, thực hiện giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để tạo quỹ đất phát triển đô thị, nông thôn theo hướng tuyến giao thông (TOD), xác định tổng vốn và phương án huy động để thực hiện dự án…
Bộ GTVT cần thành lập các tổ công tác có sự tham gia của bộ, ngành liên quan, đơn vị tư vấn, chuyên gia hàng đầu trong từng nội dung cụ thể: Lựa chọn nhà thầu, đào tạo nhân lực, đất đai, vốn, mô hình ban quản lý dự án…
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ GTVT và các bộ cần xác định rõ doanh nghiệp Việt Nam sẽ làm chủ những khâu nào, nhập khẩu những trang thiết bị gì.
“Kế hoạch phải rõ sản phẩm, rõ tiến độ, rõ người thực hiện, rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư, nhà thầu, xuyên suốt dự án từ Bắc đến Nam, phân chia từng loại công việc công trình, phi công trình”- Phó Thủ tướng yêu cầu.