Về vùng quê câu cá, làm mồi lai rai đón giao thừa tết Tây

(PLO)- Giao thừa tết Tây ở vùng quê không sôi động, không nhạc xập xình nhưng vẫn ấm áp và tràn đầy tình thân.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sống ở TP.HCM từ nhỏ, đón giao thừa tết Tây nơi đây suốt thời gian dài nên chúng tôi không còn nhiều hứng thú. Năm nay, được người bạn rủ về huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ đón giao thừa tết Tây, chúng tôi ừ ngay.

Sáng sớm 31-12-2022, rời TP.HCM náo nhiệt, chúng tôi chạy xe về miệt Vĩnh Thạnh. Con đường nhỏ dẫn tới nhà người bạn hai bên lúa chín rợp đồng, cò thẳng cánh bay lượn. Chưa hết, nhiều mái nhà ẩn mình sau bụi tre khóm chuối, trẻ nhỏ chạy nhảy vui đùa bên bờ kênh, tạo nên khung cảnh yên ả, thanh bình.

Trời đứng bóng, cũng là lúc chúng tôi vừa tới ngõ nhà bạn. Ăn xong miếng cơm, chẳng thèm nghỉ trưa, chúng tôi háo hức theo chân bạn ra sau vườn thọc trứng kiến vàng làm mồi câu cá rô đồng.

Hứng khởi khi câu được con cá tai tượng bằng hai bàn tay. Ảnh: TRẦN BÌNH

Hứng khởi khi câu được con cá tai tượng bằng hai bàn tay. Ảnh: TRẦN BÌNH

Đồ nghề thọc trứng kiến là cây tre dài cỡ 6 m, đầu gắn cái rổ nhỏ. Nhìn thấy ổ kiến vàng trên cây xoài, người bạn rung nhẹ đầu tre để trứng kiến rớt vô rổ. Phát hiện ổ kiến vàng khác, người bạn đưa tôi thọc thử. Lần đầu được thọc trứng kiến vàng, tôi vừa thích vừa lúng ta lúng túng. Do tôi rung mạnh đầu tre, kiến vàng rớt xuống và bám trên người. Vừa nhảy vừa phủi, tôi cũng bị kiến vàng cắn vài nhát đau điếng.

Chọc thêm vài ổ kiến vàng, chúng tôi thu được tầm nửa chén trứng. Mang theo vài cần câu, người bạn dẫn chúng tôi tới những ruộng lúa ngập nước để “giựt” cá rô đồng. Trứng kiến quả thật quá ngon với lũ cá, bằng chứng bỏ mồi xuống nước không lâu là chiếc phao giật giật rồi bị kéo chìm. Chúng tôi chỉ giật nhẹ là dính con cá cỡ 2-3 ngón tay.

Câu tầm hai tiếng, chúng tôi thu được hơn ký cá rô đồng. Người bạn cho biết một nửa cá nấu canh chua bắp chuối, nửa còn lại kho tộ với ba rọi để ăn cơm chiều. “Giờ ra ao cá tôi nuôi, câu vài con tai tượng để chiên xù cuốn rau với bánh tráng, ngồi lai rai chờ giao thừa tết Tây” – người bạn nói.

Đưa chúng tôi ra ao cá nuôi sau nhà, người bạn đổi cần câu và cũng dùng trứng kiến vàng làm mồi. Nửa tiếng sau, năm con cá tai tượng bằng hai bàn tay nhảy đành đạch trong thau. “Chà, mấy con cá này làm mồi thì “bắt dữ” à nghe. Mà nhiêu đây chưa nhằm nhò gì, phải thêm dĩa gỏi gà và nồi cháo vịt thì mới đủ nhậu. Gà, vịt khỏi lo, nuôi trong vườn bắt vô làm thịt. Rượu thì nhà người quen nấu, đảm bảo không có cồn công nghiệp” – giọng người bạn tếu tếu, vui vẻ.

Chụp hình lưu niệm với họ hàng người bạn ở vùng quê sau giao thừa tết Tây. Ảnh: TRẦN SỬU

Chụp hình lưu niệm với họ hàng người bạn ở vùng quê sau giao thừa tết Tây. Ảnh: TRẦN SỬU

Sau buổi cơm chiều, chúng tôi nằm võng đong đưa và nghêu ngao vài bài hát xuân. Tầm 22 giờ, cá tai tượng chiên xù cùng rau và bánh tráng, gỏi gà, cháo vịt được vợ con người bạn bày đầy trên hai bàn. Gọi thêm anh chị và hàng xóm gần bên, chẳng mấy chốc nhà bạn tôi rộn ràng tiếng nói, tiếng cười.

Ngồi vào bàn, họ hàng người bạn hỏi han chúng tôi đủ điều, từ chuyện nhà chuyện cửa đến công ăn việc làm. Đâu chỉ vậy, do là khách quý Sài Gòn nên chúng tôi liên tục được họ hàng người bạn mời hết ly đế này tới chung rượu khác.

Chúng tôi luôn được họ hàng người bạn gắp đầy thức ăn vô chén và không cho qua tua rượu nào. Bữa nhậu ở miền quê dân dã, mồi toàn “cây vườn lá nhà” nhưng quá vui, quá thân tình, quá ấm cúng đến nỗi chúng tôi quên cả cái lạnh ùa về và đàn muỗi đói vo ve. Đâu chỉ vậy, nhiều lúc hứng chí, chúng tôi và họ hàng người bạn cất lên những câu vọng cổ dở tệ nhưng vẫn nhận được nhiều tràng vỗ tay tán thưởng.

Thời khắc giao thừa tết Tây cũng tới. Chúng tôi và họ hàng người bạn siết tay, khoát vai và chúc những lời chân thành, tốt lành. Một chút lắng đọng, chúng tôi cảm nhận không khí giao thừa tết Tây ở vùng quê không sôi động, không nhạc xập xình nhưng vẫn ấm áp và tràn đầy tình thân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm