Tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc tối qua, 4-10, Tổng Giám đốc Phạm Hồng Quang cho biết VEC đang đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trình cấp có thẩm quyền bổ sung vốn điều lệ, từ 1.115 tỉ đồng hiện tại lên 38.625 tỉ đồng.
Đây là điều kiện quan trọng để VEC có thể huy động vốn ngân hàng, chẳng hạn khoảng 9.700 tỉ đồng cho dự án mở rộng cao tốc đoạn TP.HCM - Long Thành lên 8 đến 10 làn xe.
Vốn điều lệ mạnh cũng là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp nhà nước này có thể tham gia vào các dự án có tổng mức đầu tư lớn.
Còn nếu duy trì vốn điều lệ thấp như lâu nay, VEC chỉ có thể đầu tư các dự án hạ tầng lớn nếu có bảo lãnh của Chính phủ. Theo cách này, VEC đã thu xếp các nguồn vốn trong và ngoài nước, hoàn thành đầu tư năm dự án đường cao tốc, với chiều dài 540 km, tổng mức đầu tư lên tới 108.000 tỉ đồng.
Đó là tuyến Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành, những năm qua đã góp phần đặt nền móng, thay đổi diện mạo hệ thống đường bộ cao tốc của Việt Nam.
“Hiện có bốn tuyến cao tốc đã đi vào hoạt động, phục vụ an toàn, thông suốt trên 430 triệu lượt phương tiện, tổng doanh thu thu phí đạt hơn 30.000 tỉ đồng…”- lãnh đạo VEC nói.
Đánh giá cao nỗ lực của VEC, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT nhớ lại cách đây 20 năm, nước ta chưa có một km đường cao tốc nào, trong khi Đại hội IX của Đảng đặt nhiều mục tiêu về phát triển hạ tầng giao thông. Trước bối cảnh đó, Bộ GTVT thành lập VEC, và mạng lưới cao tốc bắt đầu hình thành cho thấy hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước non trẻ này.
Nhưng những thành quả ấy đang dần trở thành quá khứ. Với sự ra đời của một mô hình mới để các bộ thôi làm chủ quản doanh nghiệp, tập trung vào chức năng chính là quản lý nhà nước - thì cũng như nhiều bộ khác, tháng 11-2018, Bộ GTVT bàn giao VEC về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Chủ trương lớn là đúng, nhưng VEC cũng gặp nhiều khó khăn, do pháp luật liên quan chưa kịp sửa đổi bổ sung. Điển hình là việc chuyển vốn vay về cho vay lại sang quản lý theo cơ chế cấp phát ngân sách nhà nước. Điều này đã ảnh hưởng đến tiến độ dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.
“Nhưng sự phối hợp chặt chẽ của Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đến nay dự án cơ bản được tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm đưa vào khai thác…” - lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định.
Với vai trò là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại VEC, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, mong thời gian tới VEC tiếp tục phát huy thế mạnh, nguồn lực tham gia đầu tư phát triển, quản lý khai thác vận hành hệ thống đường bộ cao tốc quốc gia.
Thêm vào đó, VEC cũng cần đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu mà Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã xác quyết: đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025, hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam.
Về nhiệm vụ này, ông Trương Việt Đông - Chủ tịch Hội đồng Thành viên VEC khẳng định đơn vị sẽ từng bước khắc phục khó khăn, quyết tâm thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2035 và kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển đến 2025 được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt để “đi nhanh hơn, đi xa hơn và vững chắc hơn”.
“VEC cũng sẽ tiếp tục khẳng định sứ mệnh của doanh nghiệp hàng đầu trong hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, khai thác bảo trì hệ thống đường bộ cao tốc quốc gia…”- ông Đồng nhấn mạnh.
VEC đang đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo cấp thẩm quyền phương án mở rộng cao tốc đoạn TP.HCM - Long Thành.
Theo đó, dự án được đề xuất mở rộng lên 8-10 làn xe tuỳ đoạn, với vốn đầu tư hơn 14.955 tỉ đồng, bao gồm hơn 5.555 tỉ vốn chủ sở hữu của VEC (37% tổng mức đầu tư), vốn vay thương mại 9.700 tỉ đồng (63% tổng mức đầu tư). Dự án sẽ thực hiện đầu tư từ tháng 3-2025 đến tháng 12-2027.