Vì sao cần phải thu thập mống mắt khi làm thẻ căn cước?

(PLO)- Mống mắt là một trong những thông tin của công dân được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu căn cước.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mống mắt là gì?

Theo BS CKII Phạm Nguyên Huân, Phó giám đốc BV Mắt TP.HCM về mặt giải phẫu, mống mắt là phần có màu sắc tại mắt nằm xung quanh đồng tử (con ngươi). Mống mắt nằm trước thủy tinh thể và nằm sau giác mạc, bao xung quanh là thủy dịch.

Việc thu thập thông tin mống mắt để làm cơ sở đối soát, xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người (các trường hợp khuyết tật, vân tay bị biến dạng…).

Sử dụng mống mắt là một trong những phương pháp sử dụng đặc điểm sinh trắc để nhận dạng và dễ quan sát, hạn chế được sự can thiệp làm sai lệch từ bên ngoài, đa số ổn định suốt đời. Bên cạnh đó, nhờ sự phát triển của công nghệ, việc thu thập dữ liệu hình thái mống mắt cũng trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Thu thập mống mắt khi làm căn cước
Ảnh minh họa mống mắt. Ảnh: Internet

Có cần phải thu thập mống mắt khi làm căn cước?

Mống mắt là một trong những thông tin của công dân được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu căn cước.

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước về trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước cho người từ đủ 14 tuổi trở lên, người tiếp nhận thu nhận thông tin nhận dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước.

Tức công dân từ đủ 14 tuổi trở lên khi đi làm thẻ căn cước cần phải thu thập một số thông tin sinh trắc học, trong đó có mống mắt.

Làm giấy chứng nhận căn cước cũng cần thu nhận mống mắt

Tại khoản 6 Điều 30 Luật Căn cước, Chính Phủ quy định thẩm quyền, trình tự thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi, giữ, trả lại và thời hạn sử dụng của giấy chứng nhận căn cước (CNCC). Bộ trưởng Bộ Công an quy định mẫu giấy CNCC.

Do đó, mới đây Bộ Công an đã hoàn thành Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước.

Trong Dự thảo cũng quy định rõ về trình tự thủ tục cấp, cấp giấy CNCC, người tiếp nhận thu nhận thông tin nhận dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp giấy CNCC.

Như vậy, khi làm giấy CNCC người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch cũng cần thu thập mống mắt.

Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định.

Giấy chứng nhận căn cước được cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch mà đang sinh sống liên tục từ 6 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.

Giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam...

Theo Điều 3 và Điều 30 Luật Căn cước

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm