Theo thông tin mới nhất, virus chết người Ebola đã cướp đi sinh mạng của 1.013 người và gia tăng số người nhiễm bệnh lên tới 1.848.
Về cơ bản, Ebola là một căn bệnh truyền nhiễm thông thường và đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người kể từ khi được phát hiện vào năm 1976 tại Zaire, Cộng hòa Dân chủ Congo.
Dịch bệnh đáng sợ xảy ra năm 1976 này được ghi dấu ấn là một trong những dịch bệnh tồi tệ nhất của nhân loại khi virus Ebola lây lan cho 2.400 người và 1/3 số người trong đó đã tử vong.
Đại dịch Ebola bùng phát tại Sudan và Congo năm 1976 không phải là lần lây nhiễm bệnh cuối cùng. Nhiều dịch Ebola nhỏ lẻ đã xuất hiện từ năm 1976 và bùng phát mạnh trở lại ở Cộng hòa Dân chủ Congo năm 1995, với 315 trường hợp nhiễm bệnh.
Từ năm 2000 - 2001, Uganda ghi nhận 425 trường hợp nhiễm virus Ebola, Cộng hòa Dân chủ Congo có 264 trường hợp mắc đại dịch Ebola chỉ trong năm 2007.
Có thể nhận thấy, số người tử vong ở mỗi đợt dịch khá cao nhưng vẫn có người sống sót. Một trong những nhân chứng còn sống sót bởi nạn dịch Ebola năm 1976 là tiến sĩ Thomas Cairns. Hồi đó, ông là một bác sĩ trẻ làm công việc truyền giáo ở những khu rừng tại Zaire.
Ông bị lây nhiễm bởi một bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện trong trường hợp nguy kịch. Thomas Cairns chia sẻ: "Vài ngày sau khi bệnh nhân mất, tôi bắt đầu phát bệnh. Tôi đã bị sốt cao, đau đầu, nôn mửa, tiêu chảy, phát ban đỏ trên da. Da của tôi trở nên bong tróc. Tôi đã mất thính lực một bên tai, tóc trở nên trắng bệnh... Dường như lúc này, tôi đang không hiểu chuyện gì đang xảy ra".
Hình ảnh Thomas Cairns - người đã may mắn thoát khỏi "lưỡi hái Tử thần Ebola" trong nạn dịch năm 1976.
Nhưng thật lạ lùng, sau khi được các bác sĩ y tế cách ly và chăm sóc. Cơ thể Cairns đã dần hồi phục. Thomas Cairns đã khỏe hơn, các nốt phát ban cũng đỡ và ông có thể đi lại được trên đôi chân của mình. Rất nhiều bác sĩ thời đó vô cùng ngạc nhiên trước sự "hồi sinh" của Thomas Cairns bởi hầu hết những người có cùng triệu chứng bệnh như Thomas Cairns đều đã tử vong.
Sau khi trở lại bình thường, Thomas Cairns cũng không hiểu vì lý do gì mình được như thế. Ông cảm thấy mình vô cùng may mắn khi trong cơ thể có mức độ kháng thể cao, đủ để "đánh bại" virus Ebola.
Bên cạnh Thomas Cairns, cũng có nhiều trường hợp được ghi nhận sống sót trong đợt dịch bệnh Ebola khác ở châu Phi. Mặc dù các chuyên gia chưa thể giải thích được cơ chế kháng thể nào ở mỗi người đủ để chống lại virus Ebola nhưng cũng đã đưa ra một vài nhận định cơ bản lý giải vì sao dịch bệnh xưa dễ có thể kiểm soát hơn.
Đầu tiên là do mật độ dân số vừa phải. Theo các chuyên gia, mật độ dân số vừa phải sẽ khiến các bác sĩ có thể khoanh vùng, kiểm soát tình hình dịch bệnh tốt hơn.
Chính bởi tiến trình đô thị hóa nhanh hơn khiến cho dịch bệnh Ebola hiện tại đang mất dần kiểm soát. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng y tế hiện ở Tây Phi không đảm bảo, chưa đáp ứng đủ điều kiện để có thể ngăn chặn Ebola trước khi nó bùng phát.
Bên cạnh đó, tỷ lệ sống sót của bệnh nhân nhiễm Ebola là khác nhau, tùy thuộc vào chủng loại virus nhiễm bệnh. Theo điều tra cho thấy, hầu hết các dịch Ebola trước, bệnh nhân nhiễm các chủng virus Sudan Ebola virus - với tỷ lệ tử vong từ 42 - 56%.
Trong khi đó, mức độ tử vong của bệnh nhân khi nhiễm chủng Zaire Ebola virus - chủng nguy hiểm nhất - sẽ có tỷ lệ tử vong lên cao tới 89%.
Tuy vậy, theo các chuyên gia thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch Ebola hiện tại có tỷ lệ sống sót khoảng 40%. Trong điều kiện y tế đầy đủ, cơ thể người bệnh có sức đề kháng tốt thì họ vẫn có khả năng vượt qua bệnh.
Theo kenh14/NBC News/NY Times