Những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm vi rút gồm: cán bộ y tế; thành viên gia đình hay người tiếp xúc gần với người mắc bệnh và người đi dự tang lễ tiếp xúc trực tiếp với thi thể người chết do nhiễm vi rút Ebola.
Bệnh do vi rút Ebola (từng được biết đến là bệnh Sốt xuất huyết do vi rút Ebola) là bệnh nguy hiểm, thường dẫn đến tử vong, với tỷ lệ tử vong lên đến 90%.
Bệnh tấn công người và động vật có vú (khỉ, gôrila, tinh tinh). Theo thống kê đã có hơn 1.800 người mắc, trong đó có ít nhất 1.000 người đã tử vong vì căn bệnh này. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra một số khuyến cáo.
Bệnh lây qua tiếp xúc gần hoặc trực tiếp
Vi rút Ebola lây nhiễm sang người như thế nào?
Trong đợt bùng phát dịch hiện nay ở Tây Phi, đa số các ca bệnh ở người là do lây nhiễm từ người sang người. Vi rút Ebola lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với vết xước trên da hay niêm mạc, với máu hay các chất tiết của cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người mắc bệnh.
Bệnh cũng có thể lây nhiễm khi vết xước trên da hay niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm bởi các chất tiết của người nhiễm vi rút, như quần áo, ga trải giường nhiễm bẩn hay kim tiêm đã qua sử dụng.
Đã có hơn 100 nhân viên y tế bị phơi nhiễm khi chăm sóc bệnh nhân Ebola. Nguyên nhân có thể là do họ đã không sử dụng trang thiết bị bảo vệ cá nhân hoặc không áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn khi chăm sóc cho bệnh nhân.
Người bệnh có khả năng làm lây bệnh chừng nào mà máu và dịch tiết của họ còn chứa vi rút. Vì vậy, trước khi cho ra viện, bệnh nhân nhiễm vi rút Ebola cần được cán bộ y tế giám sát chặt chẽ và và được xét nghiệm để đảm bảo là vi rút không còn lưu hành trong cơ thể họ nữa. Khi cán bộ y tế quyết định là bệnh nhân có thể về nhà, tức là họ không còn có thể làm lây lan vi rút và không thể làm cho bất cứ ai trong cộng đồng bị mắc bệnh nữa. Nam giới đã khỏi bệnh vẫn có thể lây truyền vi rút qua tinh dịch trong tới 7 tuần sau khi bình phục. Vì thế, điều quan trọng là sau khi bình phục họ cần tránh quan hệ tình dục trong ít nhất là 7 tuần, hoặc phải sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục trong thời gian 7 tuần sau khi bình phục.
Đối tượng nào có nguy cơ cao nhất?
Trong một vụ dịch bệnh do vi rút Ebola, những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm vi rút gồm: cán bộ y tế; thành viên gia đình hay người tiếp xúc gần với người mắc bệnh; và người đi dự tang lễ tiếp xúc trực tiếp với thi thể người chết do nhiễm vi rút Ebola.
Chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu
Dấu hiệu đặc trưng và triệu chứng của bệnh do vi rút Ebola là gì?
Sốt đột ngột, vô cùng mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, đau họng là những dấu hiệu và triệu chứng điển hình. Tiếp theo là các triệu chứng nôn, ỉa chảy, phát ban, suy giảm chức năng thận, gan, và ở một số trường hợp có xuất huyết nội và ngoại.
Thời gian ủ bệnh, hay thời gian từ khi nhiễm vi rút đến khi xuất hiện triệu chứng, là từ 2 – 21 ngày. Bệnh nhân trở thành nguồn lây bệnh ngay sau khi họ bắt đầu có triệu chứng. Nhưng trong thời gian ủ bệnh họ không có khả năng lây lan.
Bệnh do vi rút Ebola chỉ có thể được chẩn đoán xác định thông qua xét nghiệm.
Bất kỳ trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nào cũng cần được thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất và được chăm sóc y tế ngay nhằm giảm nguy cơ tử vong. Việc kiểm soát sự lây truyền của bệnh cũng rất quan trọng, và cần tiến hành ngay các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn.
Phương pháp điều trị bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola là gì?
Bệnh nhân bị bệnh nặng do vi rút Ebola cần được điều trị tích cực. Bệnh nhân thường mất nước và cần được bù nước với các dung dịch điện giải qua đường uống hay truyền tĩnh mạch. Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh này. Nhiều bệnh nhân khỏi bệnh sau khi được chăm sóc y tế thích hợp.
Để kiểm soát sự lây truyền của vi rút, người mắc bệnh hay nghi ngờ mắc bệnh cần được cách ly với các bệnh nhân khác trong cơ sở y tế và được nhân viên y tế điều trị, tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn đã khuyến cáo.
Đưa ngay đến cơ sở y tế nếu nghi ngờ
Có thể làm gì để phòng nhiễm vi rút Ebola? Có thể phòng chống bệnh không? Có vắc xin phòng bệnh do vi rút Ebola chưa?
Hiện chưa có thuốc đặc trị hay vắc xin phòng bệnh do vi rút Ebola, nhưng nhiều phương pháp điều trị thuốc đang được phát triển. Có thể áp dụng nhiều biện pháp để phòng lây nhiễm và giảm thiểu hay ngăn chặn sự lây lan của bệnh.
Nếu bạn nghi ngờ người thân hay một ai đó trong cộng đồng bị nhiễm vi rút Ebola, cần động viên và giúp đỡ họ đến khám và điều trị tại cơ sở y tế.
Không nên chăm sóc cho bệnh nhân tại nhà, cá nhân bị mắc và thân nhân của người nhiễm vi rút Ebola cần đến ngay cơ sở y tế để được chăm sóc và điều trị.
Khi thăm bệnh nhân trong bệnh viện hay chăm sóc bệnh nhân tại nhà, cần rửa tay với xà phòng sau khi tiếp xúc với người bệnh, hay tiếp xúc với dịch tiết cơ thể hoặc sờ vào các vật dụng của người bệnh.
Thi thể của người chết do nhiễm vi rút Ebola cần được xử lý với phương tiện bảo hộ phù hợp và phải mai táng ngay bởi cán bộ y tế công cộng được đào tạo về thực hành mai táng an toàn.
Ngoài ra, cần tránh tiếp xúc với các động vật có nguy cơ cao nhiễm vi rút Ebola (ví dụ như: dơi ăn quả, khỉ, hay vượn) tại khu vực có rừng nhiệt đới. Không giết mổ động vật nghi ngờ bị nhiễm bệnh. Thịt và tiết canh của động vật nên được nấu chín kỹ trước khi ăn.
Chăm sóc và điều trị những bệnh nhân nghi ngờ mắc Ebola thế nào?
Bệnh nhân mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh do vi rút Ebola cần được cách ly ở những phòng riêng biệt. Nếu không có phòng riêng để cách ly từng bệnh nhân, cần bố trí những khu vực đặc biệt cho bệnh nhân mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh do vi rút Ebola, cách ly khỏi những bệnh nhân khác. Từng bệnh nhân mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh do vi rút Ebola cũng cần được cách ly riêng trong những khu vực đặc biệt này. Hạn chế người ra vào những khu vực cách ly này, và cần bố trí trang thiết bị cần thiết cho khu vực dành riêng cho điều trị bệnh nhân mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh do vi rút Ebola; cần phân công riêng nhân viên lâm sàng và các nhân viên khác phụ trách các phòng cách ly và khu vực dành riêng này.
Ngoài các biện pháp phòng ngừa y tế chuẩn, cán bộ y tế cần tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn đã khuyến cáo nhằm tránh phơi nhiễm với máu, dịch tiết của người bệnh hoặc môi trường hay vật dụng của người bệnh bị ô nhiễm, như khăn trải giường bẩn hay kim tiêm đã qua sử dụng.
Cán bộ y tế và người đến thăm cần tuân thủ chặt chẽ việc sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân. Phương tiện phòng hộ cá nhân cần bao gồm ít nhất là găng tay, áo choàng không thấm nước, ủng/giày kín có ủng bao, khẩu trang y tế và kính bảo hộ hoặc tấm chắn để tránh chất dịch lỏng của bệnh nhân bắn vào người.
HUY HÀ