Việt Nam chưa có bệnh nhân nhiễm Ebola

Ngày 12-8, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về dịch sốt  xuất huyết Ebola do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết số ca nhiễm và tử vong liên tục gia tăng. Tại Việt Nam và các nước châu Á đến nay chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh Ebola. “Đây là dịch bệnh nguy hiểm, tỉ lệ tử vong lên đến 90%. Vì vậy cần chủ động phòng tránh nhưng cũng không gây hoang mang trong nhân dân” - ông Phu nói.

Theo dõi chặt động vật qua biên giới

Theo ông Phu, Bộ Y tế đã yêu cầu áp dụng tờ khai y tế tại các cửa khẩu đường thủy, đường bộ và hàng không với tất cả hành khách trở về từ Tây Phi. “Khách từ vùng dịch về thì được dẫn tới cơ quan kiểm dịch để kiểm tra. Sau khi làm tờ khai sẽ có phân loại, nếu không bị sốt hoặc có triệu chứng nghi ngờ thì được về. Tuy nhiên, chúng tôi tiếp tục giám sát, nếu sau 21 ngày mà khách có những triệu chứng nhiễm virus Ebola thì được đưa vào khu vực điều trị cách ly ngay” - ông Phu nói. Theo ông Phu, nếu hành khách không phải đến từ bốn nước Tây Phi nhưng nếu qua máy đo thân nhiệt từ xa thấy có nghi ngờ thì cũng phải kiểm tra.

Về khả năng lây bệnh qua động vật nhập khẩu, ông Phu cho biết động vật từ Tây Phi về không nhiều. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ việc kiểm dịch động vật, thực phẩm thịt qua đường biên giới.

Trước sự việc mạng xã hội lan truyền tin đồn có bệnh nhân nhiễm Ebola đang điều trị tại BV Bạch Mai (Hà Nội), ông Trần Đắc Phu khẳng định Việt Nam chưa có bệnh nhân nào nhiễm bệnh này.

Hành khách được đo thân nhiệt khi đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất sáng 12-8. Ảnh: TÙNG SƠN

Hỗ trợ Việt Nam kỹ thuật, sinh phẩm xét nghiệm

PGS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết hiện đã có hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh Ebola. Theo ông Kính, hiện nay cả thế giới mới chỉ có chín phòng xét nghiệm có độ an toàn được phép làm xét nghiệm virus Ebola. Do đó khi có nghi ngờ phải tiến hành cách ly người bệnh ngay và lấy bệnh phẩm, trước mắt là gửi về Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP.HCM, từ đó sẽ gửi mẫu bệnh phẩm tới phòng xét nghiệm chuẩn trên thế giới. Tuy nhiên, ông Trần Đắc Phu cho biết Bộ Y tế đang thương lượng với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để thực hiện xét nghiệm tại Việt Nam. Bộ Y tế đang phối hợp với WHO, Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (USCDC) để các tổ chức này hỗ trợ về kỹ thuật, sinh phẩm xét nghiệm.

TP.HCM sẵn sàng dập dịch

Sáng 12-8, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch Ebola của Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế đặt tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc trung tâm, cho biết mỗi ngày có khoảng 100 chuyến bay quốc tế đến với khoảng 20.000-30.000 người.

Từ ngày 11-8, trung tâm đã bắt đầu cho lập tờ khai y tế đối với những người đến từ vùng có dịch Ebola. Được biết mỗi ngày sân bay Tân Sơn Nhất có ba chuyến đến từ khu vực Trung Đông với trung bình 750 hành khách. “Đối với trường hợp nghi nhiễm bệnh Ebola, bên cạnh việc người bệnh được cách ly đưa về BV Bệnh Nhiệt đới lấy mẫu gửi Viện Pasteur TP xét nghiệm thì không khí, bàn ghế, khu vực sân bay cũng được khử khuẩn. Hiện trung tâm đã chuẩn bị đầy đủ hóa chất và trang thiết bị để phát hiện, cách ly bệnh nhân” - ông Sáu nói.

Sau khi kiểm tra, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhận xét Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế đã triển khai khá đầy đủ các biện pháp phòng ngừa như kế hoạch của ngành y tế. Ông Hưng chỉ đạo Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế báo cáo nhanh mỗi ngày có bao nhiêu người từ vùng dịch về và gửi danh sách về cho giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP giám sát. Khi có trường hợp nghi ngờ thì phải báo cáo ngay cho Sở Y tế.

Ý thức phòng bệnh ở “phố Tây” khá cao

Ngày 12-8, tại khu “phố Tây” (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM), bà Châu Thị Kim Hoa, chủ nhà nghỉ Hải (217/9 Đề Thám, phường Phạm Ngũ Lão), cho biết thường theo dõi thông tin liên quan bệnh Ebola qua báo đài, Internet… và hết sức cảnh giác bệnh này. “Khách lưu trú phải vào sổ sách. Tôi đặc biệt chú ý khách đến từ châu Phi. Tuy nhiên, từ lâu không thấy khách đến từ các nước châu Phi. Đối với khách Tây nói chung, khi phát hiện họ có các biểu hiện khác thường như sốt, đau đầu, buồn nôn… thì tôi khuyên đi bệnh viện. Nếu họ không đi, tôi báo chính quyền địa phương xử lý” - bà Hoa cho biết.

Tại khách sạn Lý (84/24 Bùi Viện, phường Phạm Ngũ Lão), bà Nguyễn Thị Lý, chủ khách sạn, đang theo dõi dịch bệnh Ebola trên tivi. Bà Lý cho biết khách du lịch nước ngoài mùa này giảm hẳn, còn khách châu Phi hầu như không thấy đến thuê phòng. Nói về bệnh Ebola, bà Lý tỏ ra khá rành rọt. Bà kể vanh vách từng chi tiết biểu hiện của bệnh, cách phòng ngừa.

Ông Lê Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão (quận 1), cho biết bình quân mỗi tháng có 400-600 khách nước ngoài lưu trú trên địa bàn. UBND phường tổ chức tuyên truyền các biện pháp phòng, chống Ebola đến các tổ dân phố, các hộ kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn. “Chúng tôi cũng khuyến cáo các hộ kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn khi phát hiện khách có biểu hiện bất thường thì báo cho UBND hoặc trạm y tế phường ngay” - ông Tuấn cho biết.

H.HÀ - D.TÍNH - T.NGỌC

WHO: Nguy cơ Ebola vào Việt Nam không cao

Việt Nam chưa có bệnh nhân nhiễm Ebola ảnh 2
 
BS Masaya Kato, chuyên gia bệnh   truyền nhiễm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam (ảnh), cho rằng nguy cơ lây nhiễm dịch Ebola vào Việt Nam không cao. Lý giải tại sao nguy cơ lây nhiễm vào Việt Nam không cao, ông Kato cho biết có hai cách lây nhiễm virus Ebola qua tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp. “Virus Ebola lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với vết xước trên da hay niêm mạc, với máu hay các chất tiết của cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người mắc bệnh. Còn lây gián tiếp khi vết xước trên da hay niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm bởi các chất tiết của người nhiễm virus như quần áo, ga trải giường hay kim tiêm đã qua sử dụng. Ngoài ra khi người mẹ mắc Ebola cho con bú thì cũng có thể lây truyền qua sữa mẹ” - ông Kato nói.

Ông cho biết công tác chuẩn bị ứng phó với dịch Ebola của Việt Nam khá tốt. Hiện tại Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh, vì vậy nguy cơ dịch bệnh vào Việt Nam là không cao.

Trả lời câu hỏi đến năm 2015 sẽ có vaccine phòng bệnh Ebola, ông Kato cho biết hiện nay chưa có vaccine phòng Ebola. “Để sản xuất vaccine phải qua nhiều khâu, thử phản ứng lâm sàng, được phép của các cơ quan chức năng mới được áp dụng lên người. Mặc dù cả thế giới đều hết sức nỗ lực, chúng ta cũng hy vọng rằng sẽ sớm có vaccine này. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa có câu trả lời chính xác về thời gian” - ông Kato nói.

Không đưa lao động sang vùng có dịch Ebola

Chiều 12-8, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) yêu cầu các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài triển khai các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài nhằm phòng ngừa dịch bệnh Ebola.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết Cục yêu cầu các doanh nghiệp kiểm tra, báo cáo Cục về lao động làm việc tại khu vực có dịch bệnh và khu vực châu Phi. Tuyên truyền cho người lao động đang làm việc tại các khu vực có dịch bệnh chủ động phòng, chống bệnh hiệu quả. Không đưa lao động sang các vùng đang có dịch bệnh cũng như các vùng có khả năng lây dịch cao. Trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh, yêu cầu người lao động thông báo ngay cho người sử dụng lao động, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước sở tại và các cơ quan y tế để được cách ly và điều trị.

 PHONG ĐIỀN

Tây Ninh “siết chặt” cửa khẩu

Lãnh đạo khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vaccine thương phẩm (thuộc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Tây Ninh) ngày 12-8 cho biết: Để ngăn chặn khả năng dịch Ebola thâm nhập qua cửa ngõ Tây Ninh, tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng phối hợp chặt với Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế “siết chặt” các cửa khẩu. Hai cửa khẩu quốc tế Xa Mát, Mộc Bài và các cửa khẩu phụ đều được trang bị hệ thống giám sát, máy đo thân nhiệt từ xa để kiểm tra sức khỏe hành khách. Những hành khách đến từ các vùng dịch như châu Phi đều được lập danh sách và kiểm tra, theo dõi kỹ.

MINH NGÔ

Đà Nẵng đưa ra các tình huống ứng phó

Sáng 12-8, BS Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, cho biết hiện TP đang tích cực triển khai việc phòng, chống dịch bệnh Ebola. Sở đã tập huấn cho đội ngũ y, bác sĩ nắm bắt diễn biến, biểu hiện và cách phòng, chống dịch bệnh này. Sở cũng đã đưa ra các tình huống ứng phó khi dịch bệnh Ebola xảy ra. Sở này cũng đã phối hợp với Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng tiến hành giám sát thân nhiệt đối với hành khách nhập cảnh. Ngoài ra Sở Y tế TP Đà Nẵng cũng đã đề xuất mua thêm máy đo thân nhiệt cùng thiết bị để phục vụ công tác phòng dịch Ebola.

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm