Mới đây, một người đàn ông ở Lâm Đồng phải nhập viện trong tình trạng chấn thương sọ não do dùng cưa máy cắt tháo nắp một thùng phuy, bên trong vẫn còn một lượng xăng nhỏ.
Ở TP.HCM cách đây khoảng ba năm, một người đàn ông đã tử vong tại chỗ cũng vì hành động tương tự này.
Hiện trường người đàn ông tử vong do thùng phuy phát nổ trong khi hàn ở quận 9 năm 2017. Ảnh: H.TÂM
Cái chết thương tâm vì những thùng phuy rỗng
Đầu năm 2017, ông T. (61 tuổi) làm nghề chăn nuôi heo chở thùng phuy tới nhà bạn trên đường Nguyễn Xiển (quận 9) để cắt nắp thùng mang về nấu cám cho heo ăn. Ông đặt thùng phuy nằm trên nền sân và dùng máy hàn điện cắt. Mới chỉ vài đường cắt, bất ngờ tiếng nổ đinh tai chát chúa vang lên. Nắp thùng phuy bay xoẹt lên, cắt ngang phần bụng ông T. khiến người đàn ông tử vong tại chỗ.
Nguyên nhân khiến thùng phuy phát nổ khiến người đàn ông 61 tuổi tử vong được xác định là do chất khí có sẵn trong thùng phuy khi gặp lửa từ mỏ hàn đã khiến thùng phát nổ.
Theo các cán bộ khám nghiệm hiện trường, rất có thể thùng phuy bị nổ vốn chứa sơn hoặc dung môi pha sơn. Có thể sơn đã sử dụng hết nhưng vẫn còn lượng nhỏ các hóa chất bám dính ở thành thùng. Các chất này hóa hơi tạo thành hỗn hợp khí dễ cháy nổ, trong đó đặc biệt nguy hiểm là toluene, acetone, xylene, alkyd… Khi dùng máy hàn điện cắt thùng đã đốt cháy hỗn hợp khí trong thùng gây ra nổ.
Vụ việc mới đây (ngày 25-4) xảy ra ở Lâm Đồng cũng tương tự, nguy hiểm hơn nạn nhân dùng cưa máy cắt tháo nắp một thùng phuy khi vẫn còn một lượng xăng nhỏ bên trong.
Cưa thùng phuy hay… cưa bom?
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, một lãnh đạo nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều tra, khám nghiệm hiện trường cháy nổ cho hay: Cảnh sát PCCC và các ban ngành chức năng đã nhiều lần cảnh báo nhưng những tai nạn thương tâm vẫn cứ diễn ra và gần như năm nào cũng có.
Việc sử dụng máy hàn, máy cưa cắt thùng phuy, bồn từng chứa xăng dầu là hành vi nguy hiểm chết người, kể cả thùng phuy đã không còn xăng dầu bên trong.
Nhiều tai nạn thương tâm xảy ra vì cưa thùng phuy. Ảnh: H.Tâm
“Dù không còn chứa xăng, dầu, sơn bên trog thì vẫn còn một lượng hơi xăng dầu hoặc dung môi pha sơn nhất định. Chỉ cần tiếp xúc với nguồn nhiệt từ tia lửa hàn cắt… thậm chí chỉ cần bật lửa soi rọi thôi, hỗn hợp khí này sẵn sàng bắt lửa và gây nổ” - vị này cho hay.
Bởi vậy, trước khi hàn cắt, sửa chữa thùng phuy, bồn như những câu chuyện trên, đầu tiên phải mở nắp và để một thời gian dài cho hơi bên trong thoát ra. Kế đó dùng các loại hóa chất thích hợp để tẩy rửa hỗn hợp khí bên trong.
Tiếp đó cần đổ đầy nước vào thùng, bồn và đổ ra để đảm bảo làm sạch hết hỗn hợp khí, cuối cùng mới bắt đầu hàn cắt. Những việc này rất đơn giản và sẽ hạn chế tối đa những hậu quả đau lòng.
|