Vì sao phải 'khai tử' mới nhận được tiền kí quỹ?

Theo Luật Du lịch, doanh nghiệp (DN) kinh doanh lữ hành quốc tế đóng tiền kí quỹ là 500 triệu đồng; kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là 100 triệu đồng. Nhiều DN muốn vay lại tiền kí quỹ này để trang trải chi phí cho mình nhưng vướng luật nên làm thủ tục dừng hoạt động, trả giấy phép kinh doanh lữ hành cho cơ quan quản lý. Sau đó họ mới nhận được tiền ký quỹ. Như vậy, DN đã "khai tử" mới nhận được tiền kí quỹ.  

Ông Phạm Văn Du, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Xuân Nam

Cần cho công ty du lịch vay để cầm cự qua ngày

Theo quy định thì từ năm 2002-2004 công ty đóng tiền kí quỹ để kinh doanh dịch vũ lữ hành outbound và inbound là 250 triệu đồng. Sau 10 năm tiền kí quỹ tăng lên 500 triệu đồng.

Với lãi suất tiền gửi không kỳ hạn, mỗi năm DN nhận được tiền lời không bao nhiêu. Hiện nay DN du lịch xem như đóng cửa then cài, chưa biết sống chết ra sao. 

Chúng tôi cho rằng ngân hàng cũng là một DN. Để hỗ trợ thật sự cho DN du lịch lúc này Chính phủ cần có cơ chế chính sách nhất định, làm sao cho DN du lịch vay tiền kí quỹ này bằng tài sản thế chấp là giấy phép kinh doanh lữ hành để DN có thể cầm cự được.

*Đại diện Hiệp hội du lịch Nha Trang-Khánh Hòa: 

Cam kết hoàn trả tiền ký quỹ

Trước khó khăn của các DN, Hiệp hội đã có văn bản gửi Tổng cục Du lịch xem xét và có kiến nghị lên Bộ VHTT&DL cho phép các DN lữ hành được tạm thời sử dụng số tiền ký quỹ đã nộp vào tài khoản ngân hàng. Các DN lữ hành cam kết hoàn trả, thực hiện đầy đủ quy định pháp luật khi bắt đầu hoạt động trở lại.

Sau đó, Hiệp hội nhận được phản hồi của Tổng cục Du lịch cho biết thời gian qua Bộ này đã kiến nghị với Chính phủ một số biện pháp nhằm hỗ trợ DN du lịch như hỗ trợ về vốn, lao động, tiền lương...

Về vấn đề cho phép DN sử dụng tiền kí quỹ trong thời gian dịch COVID-19 đã được tính đến trong quá trình nghiên cứu đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Tuy nhiên, theo Luật Du lịch, ký quỹ ngân hàng là một trong những điều kiện bắt buộc để DN kinh doanh lữ hành. Tiền ký quỹ của DN lữ hành thể hiện một phần năng lực của DN nhằm xử lí rủi ro, khủng hoảng và bảo vệ quyền lợi khách hàng, nhất là trong bối cảnh dịch trên thế giới còn diễn biến phức tạp...

Sau khi nghiên cứu quy định pháp luật và tham vấn ý kiến chuyên gia, Tổng cục Du lịch nhận thấy đề xuất của Hiệp hội về sử dụng tiền ký quỹ kinh doanh lữ hành không khả thi trong giai đoạn hiện nay. 

Du khách tham quan Nhà Lớn Long Sơn tỉnh Bà Rịa Vũng tàu-di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia 

Th.s Nguyễn Đức Chí, Giảng viên trường Đại học Hoa Sen TP.HCM:  

Không lo trốn nợ đối tác 

Để hỗ trợ DN du lịch, Chính phủ cần sửa điều 16 Nghị định 168/2017 cho phép DN vay lại hay trích tiền ký quỹ khi gặp thiên tai dịch bệnh bất khả kháng...

Theo đó, DN làm đơn gửi Tổng cục Du lịch trong 48 giờ để được chấp thuận ra ngân hàng trích, hoặc cho phép vay lại. Mặt khác, việc trích hay cho vay lại tiền kí quỹ còn bị ràng buộc 30 ngày sau DN phải nộp đủ trở lại, do đó, cần nới thời gian này ra cho DN.

Thứ hai Bộ VHTT&DL giảm thủ tục hoàn trả tiền kí quỹ từ 60 ngày cho DN chấm dứt hoạt động kinh doanh lữ hành xuống khoảng một đến hai tuần càng ngắn càng tốt để DN trả giấy phép nhận tiền ngay. Khi nào DN cần xin lại giấy phép thì thực hiện thủ tục nộp tiền ký quỹ, bằng cấp…trong 10 ngày là xong.

Từ đầu năm đến nay việc kinh doanh của DN đã bị ngưng trệ, nhiều DN đã chốt công nợ với nhau rõ ràng, có DN không còn khả năng tiếp tục kinh doanh đến hết năm. Do đó, không lo lắng DN lấy lại được tiền sớm rồi trốn nợ đối tác. 

Thứ ba Chính Phủ có thể cho DN có giấy phép lữ hành được vay từ gói hỗ trợ ngân sách nhà nước với cam kết và ra một quy định DN nộp giấy ký quỹ. Đồng thời thông báo cho ngân hàng không cho DN rút tiền ký quỹ khi vay.

Nếu DN không trả nợ Chính phủ có thể thu lại bằng tiền ký quỹ. Để làm được điều này, Chính phủ phải chỉ định một ngân hàng nào đại diện cho mình thực hiện cho vay từ ngân sách.

Chính phủ, Bộ có thể nghiên cứu xem xét lựa chọn các giải pháp phù hợp nhất, triển khai sớm nhất để cứu DN du lịch trong lúc này.

PGS. TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch: 

Cần xem xét điều chỉnh điều khoản giải ngân tiền kí quỹ

DN du lịch cũng nằm trong đối tượng các ngành “khốn khổ” vì ảnh hưởng dịch COVID-19. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tài chính hỗ trợ nhưng cũng như DN các ngành nghề khác, DN du lịch rất khó tiếp cận.

Theo luật du lịch, DN phải kí quỹ mới được cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nội địa.  Thời gian dịch vừa qua nhiều DN lữ hành đóng băng. Để duy trì hoạt động các DN đề xuất vay vốn từ tiền kí quỹ là một giải pháp thiết thực. Theo luật quy định, tiền kí quỹ DN gửi vào ngân hàng chỉ được giải ngân trong trường hợp bồi thường cho du khách khi xảy ra rủi ro. Ngân hàng không thể tuỳ tiện cho DN vay cho dù đó chính là tiền của họ kí quỹ.

Do đó, để DN vay được tiền kí quỹ này như một phương thức đặc thù đối với DN du lịch để hỗ trợ vượt khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ VHTT& DL cần trưng cầu ý kiến cộng đồng DN du lịch, trình Chính phủ xem xét điều chỉnh Nghị định 168 đối với điều khoản giải ngân tiền kí quỹ trong một số trường hợp rủi ro bất khả kháng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn khách du lịch như dịch bệnh, bão lũ, suy thoái kinh tế

Đồng thời bổ sung điều khoản DN du lịch có trách nhiệm bổ sung lại số tiền đã vay để đảm bảo mức kí quỹ theo quy định sau khi đã phục hồi hoạt động.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm