Vì sao PVC thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng?

Từ năm 2009 đến tháng 5-2013, ông Trịnh Xuân Thanh giữ chức chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN. Thời điểm này, PVC niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội với mã chứng khoán PVX.

Không lâu sau, PVX trở thành một trong những mã nóng nhất khi khối lượng giao dịch lên đến hàng triệu cổ phiếu mỗi ngày. Đây cũng là cơ sở để PVC phát hành thành công thêm cổ phiếu vào đầu năm 2010, tăng vốn điều lệ lên 2.500 tỉ đồng.

“Ông Thanh có phần trách nhiệm”

Nhưng ngay trong những năm tiếp theo, PVC có dấu hiệu đi xuống rồi lâm vào thua lỗ. Theo tài liệu chúng tôi có được, năm 2012, doanh thu của PVC đạt 4.600 tỉ đồng nhưng lỗ hơn 1.300 tỉ đồng. Năm 2013, PVC tiếp tục lỗ gần 2.000 tỉ đồng. Đặc biệt, PVC còn phải gánh nợ quá hạn hàng trăm tỉ đồng vay ở các ngân hàng.

Riêng trong năm 2012, tình hình kinh doanh của PVC gặp rất nhiều khó khăn. Các dự án mà PVC tham gia xây lắp đều bị chậm tiến độ. Do không có nguồn việc mới nên sản lượng và doanh thu của PVC sụt giảm nghiêm trọng, trong khi khối lượng công việc dở dang và công nợ rất lớn. Tính đến cuối năm 2012, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang là 3.200 tỉ đồng, tập trung chủ yếu ở các công trình Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng, Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ, Kho LPG lạnh Thị Vải,…

Ông Trịnh Xuân Thanh đang thay mặt PVC nhận danh hiệu Anh hùng lao động. Ảnh: PVC

Đặc biệt, trong giai đoạn này, thị trường bất động sản đóng băng, chính sách tín dụng thắt chặt nên một số đơn vị kinh doanh bất động sản của PVC rơi vào bế tắc. Nhiều dự án đã triển khai và giải ngân vốn nhưng không bán được hàng như trụ sở PVFC Hải Phòng, dự án Petrolandmark, sân golf Nha Trang.

Hàng loạt dự án PVC nhận chuyển nhượng từ đơn vị khác trong ngành như dự án Công ty Xi măng Dầu khí 12/9, Công ty Xi măng Hạ Long, khách sạn Lam Kinh,... đều lâm vào cảnh thiếu vốn, tiền bán hàng thu hồi chậm, kinh doanh lỗ vượt kế hoạch làm ảnh hưởng đến dòng tiền và tình hình sản xuất kinh doanh chung của PVC. Theo tính toán, khoản đầu tư vào các dự án này khoảng 1.193 tỉ đồng và PVC không có khả năng thu xếp nguồn trả nợ.

Báo cáo tài chính sau kiểm toán của PVC giải thích chính công tác quản trị doanh nghiệp, nhất là quản lý tài chính, kế toán, cân đối dòng tiền yếu dẫn đến tình cảnh kinh doanh khó khăn. Hợp đồng kinh tế với các nhà thầu phụ và các đối tác chưa chặt chẽ, tình trạng tạm ứng, thanh toán vượt quá quy định dẫn đến công nợ phải thu của công ty mẹ rất lớn, gây mất cân đối dòng tiền.

“Từ năm 2012 đến tháng 5-2013, dù đã có những cố gắng cùng tập thể lãnh đạo đơn vị đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ nhưng với cương vị chủ tịch HĐQT PVC, ông Trịnh Xuân Thanh có phần trách nhiệm” - bản báo cáo  của PVN nêu rõ.

Thanh tra Chính phủ từng cảnh báo

Chiều 19-7, PV đã liên hệ với một lãnh đạo Thanh tra Chính phủ để tìm hiểu thêm về tình hình của PVC dưới thời ông Thanh. Vị này cho biết vào tháng 4-2012, Thanh tra Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng nhiều sai phạm tại PVN và các công ty con, trong đó có việc PVC thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng.

Theo vị lãnh đạo này, thời điểm đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành thu hồi khoản tiền trên 1.600 tỉ đồng mà PVN cho các đơn vị bên ngoài ứng vốn để đầu tư nhưng không có kế hoạch trả nợ hoặc không có khả năng thanh toán. Đồng thời PVN phải xử lý khoản tiền vi phạm lên tới hơn 18.000 tỉ đồng.

“Sau đó Thủ tướng yêu cầu PVN phải rà soát việc đầu tư ngoài ngành, đề xuất xử lý những tồn tại tài chính, lộ trình thoái vốn cũng như làm việc với Bộ Tài chính trong việc xử lý vốn... Các công việc đó phải được tiến hành đúng pháp luật và chức năng nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho tập đoàn này. Để xảy ra những sai phạm nói trên, ngoài trách nhiệm của PVN thì lãnh đạo một số bộ liên quan cũng có trách nhiệm” - vị lãnh đạo Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

Ngày 19-7, PV Pháp Luật TP.HCM đã liên lạc với Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thị Hà, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Câu hỏi đặt ra là: Vì sao PVC thua lỗ nhưng vẫn được tặng thưởng Huân chương Lao động hai năm liền (2009, 2010) và phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động (2011)?

Bà Hà trả lời: Việc tặng thưởng Huân chương Lao động, danh hiệu Anh hùng lao động là khen thưởng thành tích cho cả tập thể PVC giai đoạn 2004-2009 chứ không phải khen thưởng riêng cá nhân ông Trịnh Xuân Thanh. Giai đoạn nào có thành tích thì khen thưởng giai đoạn đó.

Theo bà Hà, giai đoạn 2004-2009, căn cứ vào các báo cáo, việc PVC được khen thưởng là xứng đáng do giai đoạn đó tổng công ty có nhiều thành tích. “Quá trình thẩm định việc khen thưởng PVC là đúng quy định của pháp luật. Ban Thi đua - Khen thưởng đã có báo cáo về vụ việc này gửi Ủy ban Kiểm tra Trung ương” - bà Hà nói.

CHÂN LUẬN

Sau khi bị thôi chức do để PVC thua lỗ nghiêm trọng, ông Trịnh Xuân Thanh không còn đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch các chức vụ cao hơn và không thuộc diện cán bộ luân chuyển. Lẽ ra Bộ Công Thương phải có hình thức xử lý các sai phạm của ông Thanh nhưng lại tiếp tục bổ nhiệm nhiều chức vụ khác nhau trong thời gian ngắn. Rõ ràng quy trình xử lý kỷ luật, bổ nhiệm ông Thanh đã vi phạm các quy định hiện hành.

Một lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm