Sâu ban miêu chứa độc tố nguy hiểm
Sâu ban miêu có tên khoa học là Cantharis vesicatoria, hay còn gọi là manh trùng, ban manh, ban mao. Đây là loài sâu có cánh cứng, màu xanh lục biếc, dài khoảng 15-20 mm, ngang 4-6 mm, đầu hình tim, có rãnh dọc ở giữa, râu đen hình sợi. Thân sâu có 11 đốt, giữa đầu và thân có một chỗ thắt lại. Trên hai cánh màu đen có các chấm màu vàng hoặc màu đỏ nhạt, cũng có loài thân màu vàng với các điểm hay các dải ngang màu đen.
Sâu ban miêu. |
Chia sẻ trên PLO trước đó, ThS-BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh viện (BV) Bạch Mai, Hà Nội, cho biết, độc tố của sâu ban miêu là cantharidin, hủy hoại các tổ chức, cơ quan trong cơ thể từ dạ dày, ruột đến cơ, gan, thận máu… Chất độc này không phân hủy ở nhiệt độ cao, do đó không sử dụng sâu ban miêu làm thực phẩm dù chế biến bằng bất kỳ cách nào.
Ngộ độc sâu ban miêu tuy gặp không nhiều nhưng nếu gặp sẽ rất nặng nề, tỉ lệ tử vong cao và gây khó khăn cho hầu hết bác sĩ cấp cứu ban đầu khi tiếp xúc với loại ngộ độc này. Trên thế giới cho tới nay chưa có phác đồ điều trị hiệu quả ngộ độc sâu ban miêu. Việc điều trị thực tế thay đổi và tùy thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất hiện có cũng như khả năng hồi sức của cơ sở.
Ngoài ra, nếu tiếp xúc với sâu ban miêu và bị chất độc gây bỏng rát, đỏ rộp da hay mắt, người dân cần rửa khu vực bỏng rát bằng nước sạch, chớp mắt liên tục, và nhanh chóng đến ngay bệnh viện để điều trị.
Sâu ban miêu được đồn là có tác dụng cải thiện sinh lý nam
Từ xa xưa, do tình cờ phát hiện tác dụng của sâu ban miêu gây tăng tưới máu khu vực tầng sinh môn từ đó gây hiện tượng cương dương ở nam giới, mà các sản phẩm từ loại sâu này (như các loại bột nghiền trộn lẫn với các hóa chất khác), được sử dụng như một loại thuốc kích dục từ thời Hi Lạp- La mã cổ đại. Tuy nhiên đã có nhiều nhân vật thời cổ đại chết vì lạm dụng loài vật này.
Bên cạnh đó, cách đây 2 năm thương lái đổ xô đến Kom Tum mua sâu ban miêu để đưa sang Trung Quốc làm thuốc, với giá 1,5 triệu đồng mỗi ký, khiến nhiều người dân đổ xô đi bắt loài sâu chứa độc tố liều cao này.
Mặc dù trong y tế, sâu ban miêu vẫn được ứng dụng trong y học cổ truyền, song vì độc tính cao nên các chuyên gia y tế khuyến nghị người dân không nên tự ý thu bắt và sử dụng để tránh các trường hợp đáng tiếc.
Ngoài ra một số trường hợp còn nhầm sâu ban miêu với bọ xít, dẫn đến tình trạng ngộ độc đáng tiếc. Vào năm 2015, và 2011 đã có trường hợp tử vong do nhầm lẫn hai loại côn trùng này. Việc nhận biết giữa sâu ban miêu và bọ xít không khó. Nếu là bọ xít thì có tam giác ở lưng và có vòi còn sâu ban miêu thì không có. Sâu ban miêu thì thân màu đen, đầu màu đỏ.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, sâu hay bọ xít đều có nhiều loài khác nhau, trong đó nhiều loại chứa độc tố. Bên cạnh đó, ngay cả khi con vật không có độc nhưng có nguy cơ rất cao mang các mầm bệnh và lây bệnh cho người (như các ký sinh trùng, vi khuẩn, virus).
Do đó để phòng tránh ngộ độc, bên cạnh một vài dạng sâu đã được biết rõ ràng có thể dùng làm thực phẩm (ví dụ nhộng tằm), người dân tuyệt đối không được sử dụng bọ xít và sâu làm thực phẩm hoặc cho vào vị thuốc dù chế biến bằng bất kỳ cách nào.
Ngày 13-6, lãnh đạo UBND xã Lưu Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) cho biết, trên địa bàn xã Lưu Sơn vừa xảy ra vụ ngộ độc sâu ban miêu dẫn đến một người tử vong, một người đang nguy kịch.
Trước đó, trưa ngày 12-6, Bệnh viện đa khoa Đô Lương, tiếp nhận 2 bệnh nhân B.T.B (64 tuổi) và T.M.H (50 tuổi) vào viện trong tình trạng: Phỏng rộp miệng lưỡi, nôn ra máu, đau bụng, đau tức ngực sau ăn sâu ban miêu 1 giờ.