Ngày 5-6, Quốc hội (QH) tiến hành chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Ngô Văn Tuấn về những vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm toán.
Mở đầu buổi chất vấn, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn chia sẻ với QH rằng sắp tới dịp kỷ niệm 30 năm thành lập ngành kiểm toán, ngành mà ông đang phụ trách trong hơn 1/4 thế kỷ đã đóng góp hiệu quả vào việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Chỉ kiểm toán tài sản, tài chính công
Đại biểu (ĐB) Trịnh Minh Bình (đoàn Vĩnh Long) cùng nhiều ĐB khác đặt vấn đề vừa qua tại một số dự án đầu tư xây dựng đã được kiểm toán nhưng sau đó cơ quan chức năng vẫn phát hiện các sai phạm trong hoạt động đấu thầu. “Tổng KTNN lý giải vấn đề này như thế nào và giải pháp để khắc phục trong thời gian tới” - ĐB Bình chất vấn.
Trả lời, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho hay KTNN là cơ quan do QH thành lập với chức năng đánh giá, xác nhận kết luận, kiến nghị tình hình quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Trong thời gian qua có một số vụ án lớn liên quan đến việc đấu thầu mà cụ thể là vụ án tiêu cực của Tập đoàn Phúc Sơn và Tập đoàn Thuận An có sai sót trong đấu thầu.
“Tôi khẳng định hai đơn vị này là doanh nghiệp không có vốn nhà nước nên không phải là đơn vị được KTNN” - Tổng KTNN nói và cho biết những công ty này liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công với tư cách là nhà thầu. Hoạt động của KTNN là kiểm toán ở đơn vị chủ đầu tư và ban quản lý dự án, thực hiện cả ba nội dung KTNN.
Cũng từ vụ việc Tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An và nhiều vụ án tham nhũng khác, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) đề nghị Tổng KTNN cho biết những kiến nghị cụ thể để KTNN có thể tham gia phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra.
Về vấn đề này, Tổng KTNN cho hay Tập đoàn Phúc Sơn bị khởi tố liên quan đến việc chấp hành pháp luật về kế toán và hoàn toàn không liên quan gì đến hoạt động của KTNN, còn Tập đoàn Thuận An có vi phạm về pháp luật đấu thầu.
Để kiểm toán có thể tham gia sâu hơn vào quá trình điều tra, ông Ngô Văn Tuấn nói thuật ngữ “kiểm toán điều tra” đã được đề cập đến từ năm 1946. Tuy nhiên đến nay ngay cả Hiệp hội Kiểm toán quốc tế, các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) vẫn đang tranh luận. “Hiện nay rất ít cơ quan kiểm toán tối cao thực hiện chức năng này” - Tổng KTNN nói thêm.
Phiên chất vấn diễn ra thẳng thắn, sôi nổi trên tinh thần xây dựng. Chất vấn của các ĐBQH rất cụ thể, bám sát nội dung chất vấn.
Tổng KTNN lần đầu tiên trả lời chất vấn trước QH đã chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời ngắn gọn, rõ ràng, thuyết phục, đi thẳng vào các vấn đề ĐBQH đặt ra.
Phiên chất vấn có 35 ĐB đăng ký phát biểu, đã được chất vấn hết, trong đó có một ý kiến tranh luận.
Chủ tịch QH TRẦN THANH MẪN
“KTNN đang cố gắng hoàn thành tròn chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận kiến nghị theo quy định của pháp luật và theo đúng lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đúng vai, thuộc bài thì không bao giờ sai” - ông nhấn mạnh.
Vai trò của KTNN đến đâu?
Cũng liên quan đến các vụ án gần đây và vai trò của kiểm toán, ĐB Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) nêu vụ án ở Ngân hàng SCB và cho rằng nhiều công ty đã thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính nhưng không phát hiện được dấu hiệu bất thường tại ngân hàng.
“Vậy trách nhiệm của đơn vị kiểm toán và đặc biệt là trách nhiệm của KTNN ở các vụ việc như Ngân hàng SCB ra sao?” - ĐB Hải hỏi.
Tổng KTNN cho rằng vụ án xảy ra ở Ngân hàng SCB không liên quan đến KTNN và doanh nghiệp này cũng không thuộc phạm vi kiểm toán của KTNN. Theo ông Tuấn, Ngân hàng SCB là công ty đại chúng nên thuộc đối tượng kiểm toán độc lập. “Trách nhiệm trong vụ việc xảy ra tại Ngân hàng SCB thuộc về các doanh nghiệp đã cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập” - ông Tuấn nói.
Tham gia giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết khi kiểm toán Ngân hàng Nhà nước, KTNN đã kiến nghị và lưu ý một số vấn đề của Ngân hàng SCB.
Ông Phớc lưu ý hệ thống kiểm toán gồm hai nhánh trong đó có KTNN, cơ quan do QH thành lập, có nhiệm vụ kiểm toán tài sản công, tài chính công. Cùng với đó là các công ty kiểm toán độc lập, cung cấp dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính, dự án đầu tư... cho các đơn vị, doanh nghiệp khi có nhu cầu. “Hai hệ thống kiểm toán này được điều chỉnh bởi hai luật khác nhau là Luật KTNN và Luật Kiểm toán độc lập” - ông Phớc nói.
Tuy nhiên theo bộ trưởng Bộ Tài chính, Ngân hàng SCB trong quá trình hoạt động, giai đoạn 2012-2022, đã thuê các công ty kiểm toán nước ngoài thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính như EY, Deloitte và KPMG. Ông thừa nhận quá trình thực hiện kiểm toán này “có những vấn đề thiếu sót, sai phạm và đã được cơ quan điều tra xử lý vụ án”.
Cũng theo ông Phớc, Bộ Tài chính quản lý chất lượng kiểm toán độc lập thông qua ban hành chính sách, kiểm tra, cấp phép, thanh tra. Chẳng hạn, năm 2023, đã kiểm tra 20 công ty kiểm toán, qua đó đánh giá 11 đơn vị đạt yêu cầu, bảy đơn vị không đạt và một doanh nghiệp bị đánh giá yếu kém… “Năm 2024, chúng tôi có kế hoạch kiểm tra 20-24 doanh nghiệp kiểm toán, trong đó tám đơn vị liên quan tới lĩnh vực chứng khoán” - ông Phớc cho hay.
Tăng chất lượng thực thi kiến nghị của KTNN
ĐB Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) và một số ĐB khác chất vấn về việc số tiền mà KTNN kiến nghị thu hồi còn ít, các kiến nghị khác của KTNN qua các báo cáo kiểm toán cũng chưa được thực thi nghiêm và đề nghị Tổng KTNN cho ý kiến, giải pháp.
Tổng KTNN khẳng định việc thực hiện kết luận, kiến nghị của kiểm toán đã được các cơ quan hết sức quan tâm. Đặc biệt, sau khi QH thực hiện giám sát tối cao đối với việc thực hiện các pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm và chống lãng phí thì tiến độ và ý thức chấp hành trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đã cao hơn.
“Theo thống kê, hiện vẫn còn hơn 67.000 tỉ đồng liên quan đến kết luận, kiến nghị kiểm toán chậm được triển khai thực hiện và chia thành bốn nhóm nguyên nhân. Cụ thể, nguyên nhân thuộc về đơn vị được kiểm toán chiếm 59,46%, nhóm nguyên nhân thuộc về bên thứ ba là 24%, nhóm nguyên nhân khác chiếm 16% và nhóm nguyên nhân của KTNN chiếm 0,4%” - ông Tuấn nêu.
ĐB Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) nêu số liệu 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua kiểm toán cho cơ quan điều tra và cho rằng số vụ việc được chuyển như vậy là hạn chế. “Theo Tổng KTNN, hạn chế này có nguyên nhân do đâu và giải pháp gì để khắc phục trong thời gian tới” - ĐB Nhi chất vấn.
Theo Tổng KTNN, trong giai đoạn 2019-2023, KTNN đã thực hiện kiểm toán và phát hành 1.345 báo cáo tài chính, trong đó kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra 19 vụ. “Với phương châm là rất thận trọng, phải chín, phải rõ thì mới chuyển nhưng không có nghĩa là vai trò về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của KTNN bị hạn chế” - ông Tuấn nói.
Dẫn chứng thêm, ông Tuấn cho biết trong năm năm đó KTNN đã cung cấp 1.609 hồ sơ, báo cáo tài liệu cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra. “Như vậy không có nghĩa là chúng tôi không chuyển thì không có tác dụng, mà đây là những tài liệu đầu vào để giúp cho các cơ quan chức năng đẩy nhanh hiệu quả hơn việc điều tra, truy tố, xét xử các đối tượng tham nhũng, tiêu cực” - ông Tuấn nói thêm.
Tranh luận lại, ĐB Nhi nói không nhận định 19 vụ việc đó là nhiều hay ít vì con số không phản ánh được vấn đề gì. Ở đây, bà cho rằng KTNN đang phát huy vai trò hiệu quả chủ yếu ở khía cạnh phòng ngừa nhưng số vụ chuyển cơ quan điều tra còn hạn chế, do vậy bà đặt vấn đề về giải pháp khắc phục với Tổng KTNN.
Tổng KTNN cho rằng việc “ít” đó là do “chúng tôi tự nhận thấy” và đó là “tồn tại, hạn chế”. “Tới đây, chúng tôi sẽ nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán để kịp thời phát hiện những sai phạm và thu thập bằng chứng để kịp thời chuyển cơ quan điều tra” - ông nêu giải pháp.
Chuyển từ “bị” sang “được” kiểm toán
Cuối phiên chất vấn, ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) đặt vấn đề là KTNN có phấn đấu theo hướng các đơn vị không phải “bị” mà là “được” KTNN đến và vui mừng đón tiếp hay không?
“Gần đây, tôi được đọc các báo cáo KTNN tại TP.HCM thì thấy KTNN chỉ ra được rất nhiều điểm mà đơn vị được kiểm toán cần kịp thời sửa chữa, uốn nắn” - ĐB Ngân nói.
Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho rằng thời gian qua KTNN được rất nhiều bộ, ngành, địa phương mời vào kiểm toán, đặc biệt là các công trình, dự án nhạy cảm.
Căn cứ vào nguồn lực, căn cứ vào nhiệm vụ của QH giao, căn cứ vào kế hoạch kiểm toán hằng năm thì KTNN đã cân nhắc để đưa vào kế hoạch kiểm toán hằng năm theo yêu cầu của địa phương, bộ, ngành và kể cả doanh nghiệp.
“Thời gian qua, chúng tôi nhận được rất nhiều văn bản yêu cầu của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu KTNN vào kiểm toán xác nhận quyết toán vốn đối với các đơn vị cổ phần hóa và thoái vốn. Căn cứ vào nguồn lực, chúng tôi cũng từng bước đáp ứng yêu cầu phục vụ cho công tác điều hành của Chính phủ” - Tổng KTNN cho hay.
*******
BÊN HÀNH LANG QUỐC HỘI
ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA (đoàn Hải Dương):
Sôi nổi, cởi mở
Không khí chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên rất sôi nổi và cởi mở, thậm chí có những lúc rất nóng khi có nhiều ĐB đăng ký tranh luận. Tôi thấy bộ trưởng đã nắm rất chắc vấn đề, lĩnh vực mà mình phụ trách, trả lời được tất cả vấn đề mà ĐB nêu ra.
Tôi thấy cũng có lúc bộ trưởng đã bỏ sót câu hỏi của ĐB, chưa trả lời hết, thậm chí có những câu trả lời ĐB chưa hài lòng. Tuy nhiên, ở góc độ của một ĐBQH thì vấn đề và giải pháp mà bộ trưởng đưa ra trong phiên chất vấn này đã làm thỏa mãn cử tri và ĐB. Bởi trong thời gian một phiên chất vấn thì sẽ không thể đưa ra những giải pháp toàn diện.
Điều mà chúng tôi kỳ vọng là sau các phiên chất vấn, với những vấn đề được nêu ra thì bộ trưởng sẽ thực hiện lời hứa, kế hoạch cũng như cam kết của mình như thế nào trước cử tri và nhân dân; việc thực hiện đã tạo ra những chuyển biến tích cực như thế nào... Đây chính là điều mà cử tri và nhân dân rất trông đợi.
------
ĐBQH NGUYỄN ĐẠI THẮNG (đoàn Hưng Yên):
Các bộ trưởng rất sát sao, nắm rõ vấn đề phụ trách
Tôi thấy những vấn đề được QH lựa chọn chất vấn lần này rất sát, đúng, trúng, được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm. Bộ trưởng Bộ TN&MT, tổng Kiểm toán Nhà nước dù lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn nhưng đã thể hiện sự sát sao, nắm rõ những vấn đề của ngành mình phụ trách.
Thông qua chất vấn sẽ giúp các bộ, ngành được chất vấn và những bộ, ngành liên quan tập trung tổ chức, chỉ đạo, triển khai trong thực tiễn nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ, mục tiêu đề ra về phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024, nhất là những vấn đề liên quan đến triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đặc biệt có những vấn đề mà thông qua kiến nghị, đề xuất của ĐBQH cũng như qua nội dung chất vấn sẽ giúp QH, Chính phủ có thể đưa ra những giải pháp thực hiện tốt hơn các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Với câu hỏi mà tôi đặt ra về giải pháp giảm chi phí logistics, hỗ trợ xuất nhập khẩu ở Việt Nam cũng như doanh nghiệp trong ngành này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có sự quan tâm và trả lời nhiều vấn đề mà cá nhân tôi và các ĐB khác quan tâm.
Tôi cũng cho rằng mỗi phần trả lời chất vấn của các bộ trưởng, trưởng ngành đều có ấn tượng riêng và mỗi người có cách thể hiện khác nhau. Qua chất vấn, mỗi bộ trưởng, trưởng ngành đều thể hiện những mặt tích cực và cũng có những vấn đề của ngành mà tự thân mỗi bộ trưởng sẽ phải nỗ lực để làm sao chỉ đạo, triển khai tốt chức năng, nhiệm vụ mà ngành mình quản lý.
------
ĐBQH PHẠM VĂN HÒA (đoàn Đồng Tháp):
Trả lời đúng, trúng vào yêu cầu trọng tâm
Tôi rất ấn tượng với những câu trả lời rất trúng và đúng vào yêu cầu trọng tâm, đảm bảo được thời gian.
Tôi cũng đồng tình khi bộ trưởng Bộ TN&MT trả lời hai vấn đề mà tôi nêu trước nghị trường là quy hoạch vùng, đập, hồ chứa nước ở ĐBSCL... Tôi rất tâm phục, khẩu phục.