Vì sao VKSND Tối cao phải phân công cho VKS cấp dưới giải quyết các đại án?

(PLO)- Theo quy định, VKSND Tối cao có thể phân công cho VKS cấp tỉnh để tham gia thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm đối với các loại án.

Thời gian qua, rất nhiều đại án tham nhũng, kinh tế đã được tòa án đưa ra xét xử. Chẳng hạn vụ Trương Mỹ Lan cùng 85 bị cáo khác bị TAND TP.HCM đưa ra xét xử vì những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB); vụ án chuyến bay giải cứu đã được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử.

Điểm chung trong các vụ án này là đều do Bộ Công an khởi tố, điều tra và VKSND Tối cao là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và phân công cho VKSND TP Hà Nội hoặc VKSND TP.HCM thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm tại tòa.

Vấn đề đặt ra là vì sao đối với những đại án, vụ án đặc biệt nghiêm trọng mặc dù VKSND Tối cao là cơ quan ra quyết định truy tố ra trước Toà án để xét xử nhưng không trực tiếp giữ quyền công tố tại toà mà phân công cho VKSND cấp tỉnh để thực hiện quyền công tố và kiểm sát việc xét xử của tòa án cấp sơ thẩm.

Trong vụ án Vạn Thịnh Phát, VKSND Tối cao đã phân công cho VKSND TP.HCM giữ quyền công tố tại toà. Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo Điều 239 Bộ luật tố tụng hình sự (TTHS) 2015 thì VKSND cấp nào thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì VKSND đó quyết định việc truy tố. Thẩm quyền truy tố của VKS được xác định theo thẩm quyền xét xử của Tòa án.

Đối chiếu với thẩm quyền xét xử của Toà án theo quy định tại Điều 268 và Điều 269 Bộ luật TTHS thì chỉ có TAND cấp huyện và TAND cấp tỉnh mới có thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, TAND Tối cao không được xét xử sơ thẩm.

Do vậy, dù các vụ án bị điều tra, truy tố ở cấp trung ương nhưng khi xét xử sơ thẩm đều phải đưa ra xét xử ở TAND cấp tỉnh hoặc cấp huyện tuỳ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ án.

Áp dụng trong vụ án cụ thể như vụ Trương Mỹ Lan hay vụ án chuyến bay giải cứu thì để thực hiện chức năng kiểm sát xét xử và chức năng buộc tội tại toà thì VKSND Tối cao phải thực hiện phân công (ủy quyền) cho VKSND TP.HCM/Hà Nội là căn cứ vào Điều 239 Bộ luật TTHS và Điều 72 Quyết định số 111/QĐ-VKSTC năm 2020 của Viện trưởng VKSND Tối cao.

Theo đó, chậm nhất là hai tháng trước khi kết thúc điều tra, VKS cấp trên phải thông báo cho VKS cấp dưới cùng cấp với Tòa án xét xử sơ thẩm để cử Kiểm sát viên tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án.

Ngay sau khi quyết định truy tố, VKS cấp trên ra quyết định phân công cho VKS cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử; sau khi nhận được hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng, VKS cấp dưới có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo quy định.

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho Kiểm sát viên của VKS cấp dưới được tham gia giải quyết vụ án, nghiên cứu hồ sơ và tham gia kiểm sát xuyên suốt vụ án thì VKSND Tối cao còn ban hành Quy chế phối hợp số 314/QĐ-VKSTC năm 2018. Theo quy chế này, các kiểm sát viên cấp tỉnh có thể được biệt phái đến VKSND Tối cao để tham gia/phối hợp giải quyết vụ án ngay từ giai đoạn điều tra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới