Bộ Nội vụ cho biết sau nhiều năm thực hiện, một số quy định tại hai luật này bộc lộ một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp quy định mới.
Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức của Bộ Nội vụ, sửa đổi quy định tại Điều 6 về chính sách đối với người có tài năng theo hướng Chính phủ quy định khung cơ chế, chính sách đối với người có tài năng trong từng ngành, lĩnh vực và phân cấp cho bộ, ngành địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể của bộ, ngành, địa phương quy định chi tiết chính sách thu hút, sử dụng, đãi ngộ người có tài năng. Sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 34 về phân loại công chức, theo đó đề xuất Luật Cán bộ, công chức sẽ không khống chế số lượng ngạch công chức từ cao xuống thấp chỉ có bốn loại (A, B, C, D) như trước đây mà giao cho Chính phủ quy định cụ thể thứ bậc các ngạch công chức chuyên ngành từ cao xuống thấp để tạo cơ sở thuận lợi cho việc xây dựng hệ thống vị trí việc làm và trả lương theo vị trí việc làm.
Sửa đổi, bổ sung quy định tại các điều 44, 45 và 46 về ngạch và nâng ngạch công chức theo hướng quy định hai phương thức thi hoặc xét nâng ngạch; bổ sung quy định công chức trúng tuyển kỳ thi hoặc xét nâng ngạch được bổ nhiệm vào ngạch cao hơn, đồng thời được bố trí vào vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức mới được bổ nhiệm để gắn công tác thi hoặc xét nâng ngạch công chức với công tác bố trí sử dụng. Bổ sung khoản 5 vào Điều 78 và sửa đổi Điều 79 quy định kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu nhưng có hành vi vi phạm trong thời gian công tác đảm bảo đồng bộ với kỷ luật đảng nhằm mục đích xử lý nghiêm những người có sai phạm… Dự thảo sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 7 về vị trí việc làm, theo đó xác định rõ vị trí việc làm là căn cứ để xác định biên chế, thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và trả lương đối với viên chức.
Sửa đổi, bổ sung các điều 25, 28, 29 về các loại hợp đồng làm việc để thể chế hóa chủ trương thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với những trường hợp tuyển dụng mới và để giải quyết vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện. Sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 41 về nội dung đánh giá viên chức đảm bảo xuyên suốt, liên tục, đa chiều, dân chủ, khách quan, phù hợp với từng ngành nghề, lĩnh vực.