VIDEO: Hải quân TQ cảnh báo máy bay chở nghị sĩ Philippines đến đảo Thị Tứ

Đài Abs-Cbn đưa tin máy bay chở đoàn của Thượng nghị sĩ Philippines Panfilo "Ping" Lacson đến đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đang bị Philippines chiếm đóng trái phép) ngày 20-11 đã bị hải quân Trung Quốc cảnh báo bằng vô tuyến.

Trong đoạn video do phía đảng Cải cách Dân tộc (PRP) công bố hôm 21-11, đoàn của ông Lacson đã nhận được cảnh báo bằng vô tuyến từ phía hải quân Trung Quốc khi đang di chuyển trên máy bay tư nhân Pilatus PC-12 từ thành phố Puerto Princesa đến đảo Thị Tứ.

Hải quân Trung Quốc cảnh báo vô tuyến máy bay Philippines đến đảo Thị Tứ .Video: PRP/ ZACARIAN SARAO/ INQUIRER/ TWITTER

"Giới nhà chức trách từ Hải quân Trung Quốc đã phát thanh với thông báo sau: ‘Quý vị đang tiếp cận khu vực quân sự của chúng tôi. Vui lòng tránh xa khu vực này và rời đi ngay lập tức. Hành động của quý vị là không thân thiện và nguy hiểm. Hành động của quý vị là nguy hiểm" – phía hải quân Trung Quốc cảnh báo.

“Đây là Hải quân Trung Quốc. Quý vị đang tiếp cận vùng cảnh báo quân sự của chúng tôi. Hãy rời đi ngay lập tức để tránh đánh giá sai lầm” – phía Trung Quốc cảnh báo thêm.

Theo Abs-Cbn, ông Ashley Acedillo - người phát ngôn của đảng Cải cách Dân tộc – cho biết không có sự cố rủi ro nào xảy ra và phía Philippines đã có cách xử lý giúp xoa dịu căng thẳng.

 “Các phi công riêng của chúng tôi đã có phản hồi chuẩn và trước khi chúng tôi bay đến đó, các phi công đã phối hợp với giới chức trách từ lực lượng vũ trang Philippines (AFP)” – ông Acedillo, đi cùng chuyến bay với ông Lacson, cho hay.

Ông Lacson cho biết đã nhận thấy cảnh báo bất thường, nói thêm rằng ông đã nhận được tin nhắn "Chào mừng đến với Trung Quốc" trên điện thoại di động cá nhân ngay khi đoàn đáp xuống đảo Thị Tứ.

Theo Abs-Cbn, chuyến bay của đoàn ông Lacson đến đảo Thị Tứ diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông thời gian qua diễn biến phức tạp.

Trước đó, phía Philippines hôm 18-11 đã lên án "mạnh mẽ" hành động của ba tàu hải cảnh Trung Quốc khi dùng vòi rồng phun nước ngăn chặn tàu của Manila tiếp tế cho lực lượng đồn trú trái phép trên bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Các nhà phân tích nhận định vấn đề Biển Đông là mối quan tâm hàng đầu trong cuộc bầu cử Philippines năm 2022.

Trung Quốc đưa ra các yêu sách chủ quyền phi pháp bao chiếm gần hết Biển Đông, trong khi Philippines cũng yêu sách nhiều khu vực thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Đảo Thị Tứ nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng bị Philippines chiếm đóng trái phép từ năm 1974.

Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, hay còn gọi là “đường lưỡi bò” đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ vào năm 2016.

Trong tuyên bố, Tòa cho biết "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc "không có quyền lịch sử" tại Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đến nay luôn phủ nhận và không tuân thủ theo phán quyết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm