Chùm ảnh: Bác sĩ quân y 'băng chốt' tiếp cận, chăm sóc F0

TP.HCM thực hiện chiến lược xét nghiệm bóc tách F0, nhiều mẫu test nhanh được phát hiện dương tính đồng nghĩa số ca F0 cần khám bệnh, chăm sóc, cấp cứu càng nhiều. Từ khi nhận nhiệm vụ vào TP.HCM, các bác sĩ và học viên Học viện Quân y tỏa đi khắp nơi với nhiều nhiệm vụ, trong đó có thăm khám và cấp cứu F0 trong thời gian TP thực hiện siết chặt giãn cách xã hội.

Ghi nhận tại phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM, các bác sĩ, học viên  thuộc Học viện Quân y được giao nhiệm vụ phụ trách hai trạm y tế lưu động của phường. 

Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu khi đến vùng đất mới, lực lượng quân y đã nhanh chóng bắt tay vào công việc. Hằng ngày, dưới sự dẫn đường của lực lượng dân quân tự vệ địa phương, họ tìm đến những gia đình có bệnh nhân F0 để thăm khám, tư vấn, theo dõi sức khoẻ.

Đến nay, phường Bình Hưng Hòa A đã ghi nhận hơn 1.700 ca F0. Hiện địa phương đang quản lý gần 300 ca F0 đang cách ly tại nhà.  

Trung úy, bác sĩ Nguyễn Trọng Đức (giữa), Trưởng trạm y tế lưu động cùng hai học viên học viện đi đến từng khu phố đang bị giăng dây để hỏi bệnh và thăm khám cho các F0.

BS Đức đo SPO2 cho bệnh nhân F0, “Hiện giờ bác đang có tình trạng khó thở nhẹ. Bác có khó chịu, có khó thở gì không? Có đang dùng thuốc điều trị gì không?”. - bác sĩ ân cần hỏi. Con gái của bệnh nhân đem ra một số thuốc và cho biết mẹ có bị bệnh cao huyết áp. Sau khi kiểm tra thấy thuốc gia đình trang bị hợp lý, BS Đức căn dặn cách tập thở cho bệnh nhân: “Giờ bác đang có mức độ khó thở vừa thì chưa cần dùng bình oxy đâu. Khi thở, không nên thở nhanh và vội quá, hít sâu vừa phải thở ra khoảng 20 lần một phút”.

Đội tiếp tục lên đường, gõ cửa tìm thêm nhiều nhà khác, trung bình mỗi ngày danh sách thăm khám có khoảng 10 bệnh nhân.

Không chỉ bệnh nhân COVID-19, đội còn kiểm tra sức khỏe cho những bệnh nhân mắc các bệnh lý khác đang ở nhà theo dõi do không thể đến bệnh viện trong thời gian giãn cách xã hội.

Địa bàn rộng, mỗi nhà cách xa nhau, số nhà khó tìm, thậm chí tìm nhầm địa chỉ nhà này thành nhà khác nên đôi khi thời gian tìm nhà người bệnh còn chiếm nhiều hơn thời gian thăm khám.  

"Thời điểm này đi đâu cũng có thể gặp chốt, chốt nào chỉ giăng dây thì đội còn tìm cách mở để vào, còn những chốt được thiết lập, bao bọc kỹ lưỡng thì tụi em phải đi bộ vào trong". - Sinh viên Nguyễn Ngọc Đức, Học viện Quân Y  chia sẻ.

Sau hơn 2 tiếng vất vả tìm F0, đội mới chỉ tiếp cận được 3 hộ dân, những bước chân vẫn tiếp tục đi về phía trước, len lỏi vào thêm từng tổ dân phố, từng con hẻm. 

Cơn mưa rả rích, khiến công việc gặp không ít trở ngại, nhiều F0 không để lại số điện thoại, ít thông tin để tiếp cận. 

Đội đành chở nhau về lại trạm để giữ sức cho buổi trực đêm.

Bữa cơm của những chiến sĩ tại trạm y tế. "Cuộc chiến còn dài, chúng tôi không chỉ đang thực hiện trách nhiệm của một người quân nhân, mà bằng cả sức mình, anh em ai cũng mong Sài Gòn mau chóng khỏe lại, người dân được trở lại cuộc sống bình thường" - BS Đức nói.

Theo đại diện tổ công tác Bộ Y tế, đến hết ngày 25-8, trên địa bàn TP.HCM đã thiết lập được 403 trạm y tế lưu động. Các trạm y tế lưu động này kết hợp chặt chẽ với đội phản ứng nhanh của xã, phường để chăm sóc, theo dõi sức khỏe F0 khi điều trị tại nhà.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm