Ngày 17-1, báo cáo tổng kết công tác năm 2023 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết năm 2024 được dự báo tăng trưởng kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực.
Xu hướng kinh tế xanh
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, năm 2024, TP.HCM sẽ đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15, tận dụng tối đa các cơ chế chính sách đặc thù để phát triển, môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố được cải thiện. Thu hút đầu tư nước ngoài, tư nhân, đầu tư công... được thúc đẩy mạnh mẽ, tận dụng xu hướng dịch chuyển đầu tư từ các nước nhờ môi trường đầu tư được cải thiện. Các vấn đề xã hội cơ bản được giải quyết, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
“Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, thu nhập của người lao động tại TP.HCM được tích cực giải quyết. Người lao động được hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ, chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ vay vốn mua, thuê mua nhà ở xã hội… Các xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số tiếp tục được TP.HCM quan tâm, tạo điều kiện phát triển trong năm 2024”- lãnh đạo HUBA chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Hoà cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, dù TP.HCM nỗ lực tập trung giải quyết các công việc tồn đọng theo thẩm quyền, tuy nhiên tiến độ một vài công việc còn chậm. Giải ngân vốn đầu tư công TP.HCM cao hơn cùng kỳ về giá trị tuyệt đối, nhưng tốc độ giải ngân còn thấp, chưa đạt như kỳ vọng. Công tác cải cách hành chính TP.HCM được quan tâm triển khai đồng bộ và có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn những quy trình, thủ tục chưa kịp thời, một số điểm nghẽn chậm được tháo gỡ.
Một số khó khăn, thách thức đặt ra khi kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động, môi trường quốc tế đang kém thuận lợi, một số thị trường chậm cải thiện, tác động trực tiếp làm sản xuất công nghiệp trong nước nói chung và của TP.HCM nói riêng bị ảnh hưởng. Đơn hàng sản xuất giảm, hàng hóa tồn kho tăng, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm; thu hút vốn FDI giảm.
6 kiến nghị với lãnh đạo TP.HCM
Vì vậy, trong năm 2024, HUBA có 6 kiến nghị gửi lãnh đạo TP.HCM nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của thành phố.
Thứ nhất, HUBA kiến nghị triển khai mạnh mẽ thực thi Nghị quyết 98 bằng việc đẩy mạnh đầu tư công, TP.HCM tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp được tham gia dự thầu các dự án đầu tư công và được vay vốn từ chương trình kích cầu.
TP.HCM cần thành lập tổ công tác xét duyệt các dự án đầu tư và có cơ chế để doanh nghiệp đầu tư dự án tại các tỉnh theo các chương trình liên kết vùng, các dự án chuyển tiếp được tham gia chương trình kích cầu.
Đồng thời, TP.HCM có cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại mái nhà của các nhà máy, xí nghiệp, dự án... để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác, nhưng được nối lưới với hệ thống điện quốc gia.
Kiến nghị thứ hai, theo HUBA, TP.HCM cần có giải pháp đón nhận dòng dịch chuyển vốn FDI, sớm thực hiện chuyển đổi các Khu công nghiệp, Khu chế xuất đến hạn và ban hành giá đất Khu công nghiệp hỗ trợ nhà đầu tư hoàn tất các thủ tục pháp lý, ổn định sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, TP.HCM phối hợp đồng bộ các chính sách liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở thương mại ở phân khúc trung bình với giá đất thấp, hỗ trợ lãi suất cho cả nhà đầu tư và người mua.
Thứ tư, HUBA đề xuất TP.HCM có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia triển lãm, quảng bá giới thiệu hàng hóa xuất khẩu, mở rộng thị trường và tăng cường kết nối doanh nghiệp trong nước với cộng đồng quốc tế.
Cụ thể, HUBA kiến nghị TP.HCM chỉ đạo thúc đẩy thành lập trung tâm hội chợ quốc tế quy mô lớn, mang tầm quốc tế để hỗ trợ cho doanh nghiệp, tạo điểm nhấn kích thích hoạt động du lịch, giải trí, mua sắm, ăn uống, thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Thứ năm, TP.HCM hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động kinh doanh: có kênh thông tin nền tảng chính thức cho doanh nghiệp, kết nối mạng lưới nguồn lực đầy đủ và có nhóm chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp. TP.HCM xây dựng bộ cơ sở dữ liệu dùng chung cho từng ngành, lĩnh vực, kết nối với hệ thống số của doanh nghiệp, giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao năng lực quản trị và kinh doanh.
Kiến nghị thứ sáu, TP.HCM chỉ đạo hỗ trợ vốn, pháp lý, công nghệ cho doanh nghiệp đăng ký chuyển đổi xanh, giúp doanh nghiệp có nguồn kinh phí đáp ứng nhu cầu giảm phát thải nhà kính.
Đồng thời, Chính phủ sớm ban hành chương trình giảm phát thải nhà kính theo lộ trình cụ thể, xây dựng bộ chỉ số xanh (Green index) thúc đẩy bảo vệ môi trường, thành lập thị trường tín chỉ carbon, điện mặt trời, điện mái nhà,....giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.