Hợp lực xoay chuyển tăng trưởng kinh tế TP.HCM

(PLO)- Kinh tế TP.HCM vừa dẫn dắt vừa phụ thuộc vào các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ nên TP cần tạo được sự liên kết vùng hiệu quả.

P11_kich-cau-2.jpg
Để phục hồi kinh tế, cơ quan chức năng cần thực hiện đồng bộ nhiều chính sách như kích cầu tiêu dùng, mua sắm. Ảnh: TÚ UYÊN

Các chuyên gia đánh giá hiện nay kinh tế TP.HCM đang có những điểm sáng khi đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng để sớm xoay chuyển tăng trưởng trong thời gian tới, TP cần giải quyết bài toán cụ thể về dòng vốn cho doanh nghiệp (DN), cải cách thủ tục hành chính công, kích cầu tiêu dùng, thu hút thêm nhà đầu tư lớn nước ngoài…

P11_ong-Nguy-Duc-Hien.jpg

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương:

Lựa chọn con đường phát triển khác thời gian trước

Với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, quy mô lớn, trong thời gian tới TP.HCM cần lựa chọn con đường phát triển khác thời gian trước. TP có thể lựa chọn tiên phong trong phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh… Đây là hướng đi đúng, phù hợp với định hướng của Đảng và xu thế mới của thế giới, tạo ra động lực và không gian mới trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, TP.HCM cần tiên phong trong phát triển một số ngành công nghiệp như công nghiệp công nghệ số, công nghiệp sinh học, công nghiệp công nghệ cao... Đồng thời, TP.HCM cần tiếp tục triển khai xây dựng đề án trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế; đi đầu trong phát triển, thử nghiệm các sản phẩm mới, sản phẩm xanh và là trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo của khu vực. Trong đó các trung tâm đổi mới, sáng tạo phải lấy nòng cốt từ các khu công nghệ cao, phát huy các trường ĐH, trong đó có ĐH Quốc gia TP.HCM.

P11_ong-Nguyen-Ngoc-Hoa.jpg

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA):

Giải quyết nhanh các vướng mắc cụ thể của DN

Một số ngành trên địa bàn TP.HCM đang dần phục hồi, một số trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP đạt được những điểm sáng quan trọng, tạo tiền đề cho sự phục hồi trong thời gian tới. Tuy kinh tế TP có những tín hiệu tích cực nhưng chưa toàn diện, chưa đồng đều.

Thực tế cộng đồng DN vẫn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vấn đề thị trường, vốn, pháp lý, thủ tục hành chính... Các khảo sát của HUBA trong hai quý đầu năm cho thấy 51% DN có doanh thu giảm, 62% có lợi nhuận giảm trong khi sản phẩm hàng hóa tồn kho tăng lên 41%. Có thể thấy rất nhiều DN đang kinh doanh không thuận lợi. Khả năng số lượng DN tiếp tục rút lui khỏi thị trường sẽ còn gia tăng, làm ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa, dịch vụ và thu ngân sách.

Vì thế, Nhà nước cần tiếp tục có các chính sách tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động của DN. Việc ban hành các chính sách, văn bản tránh tạo thêm các thủ tục hoặc có nội dung không rõ ràng gây khó khăn cho hoạt động của DN vốn đang gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, cần tạo điều kiện thuận lợi để DN được tham gia các dự án đầu tư công, các chương trình trọng điểm.

Riêng đối với TP.HCM, dù có nhiều chương trình kích cầu được triển khai trong thời gian dài nhưng số lượng DN tiếp cận và được thụ hưởng chưa nhiều so với nhu cầu thực tế.

Bằng cách cung cấp các ưu đãi cho nghiên cứu và phát triển, TP.HCM có thể thu hút nhiều gã khổng lồ về bán dẫn và tự khẳng định mình là một trung tâm đổi mới.

Theo Nghị quyết 98, TP.HCM sẽ triển khai chương trình kích cầu đầu tư. Trong đó, TP đã đưa các nội dung về chuyển đổi xanh vào chương trình này. Các DN chuyển đổi xanh sẽ được hỗ trợ vay vốn với lãi suất bằng 0 hoặc bù lãi suất 50% trong thời hạn bảy năm để thực hiện tiến trình xanh hóa.

Tuy nhiên, DN cần nắm rõ đây là chính sách kích cầu đầu tư, ngân sách TP chỉ hỗ trợ lãi suất cho khoản vay phục vụ đầu tư xây dựng, mở rộng sản xuất, thị trường, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh chứ không hỗ trợ lãi suất các khoản vay lưu động. Các DN muốn tham gia chương trình cần xây dựng dự án và đảm bảo tính khả thi của dự án, có kế hoạch sản xuất, kinh doanh hiệu quả để thanh quyết toán phần vốn vay đúng thời hạn.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kiến nghị TP có cơ chế để DN đầu tư dự án tại các tỉnh theo các chương trình liên kết vùng, được tham gia chương trình kích cầu theo Nghị quyết 98; thành lập các tổ công tác theo từng chuyên ngành, lĩnh vực để giải quyết nhanh chóng cụ thể các vướng mắc của DN.

P11_TS-Huynh-Phuoc-Nghia.jpg

Ông Huỳnh Phước Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Kinh tế, luật và quản lý thuộc Trường ĐH Kinh tế TP.HCM:

TP.HCM cần hợp lực liên kết vùng Đông Nam Bộ

Để phục hồi kinh tế, xoay chuyển tăng trưởng, từ Chính phủ đến các tỉnh, thành như TP.HCM đã thực hiện nhiều giải pháp từ giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), kích cầu tiêu dùng, giảm lãi suất, đẩy mạnh đầu tư công, tháo gỡ pháp lý bất động sản, hay mời gọi nhà đầu tư… TP.HCM cũng đang triển khai Nghị quyết 98 vào thực tế để kích cầu, gỡ nút thắt cho các dự án… nhằm phục hồi kinh tế.

Nhưng cần lưu ý rằng kinh tế TP.HCM không chỉ là đầu tàu của cả nước, dẫn dắt kinh tế vùng mà kinh tế TP còn phụ thuộc khá nhiều vào kinh tế vùng Đông Nam Bộ. Vì thế, để kéo nền kinh tế TP.HCM sớm phục hồi trở lại cần tạo được kết nối với các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ để đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ công nghệ, dịch vụ tài chính, thương mại điện tử…

Bây giờ nhiều giải pháp, chính sách đã có sẵn nhưng để sớm cải thiện bức tranh kinh tế TP.HCM thì cần tập trung vào các vấn đề trọng yếu những tháng cuối năm 2023 và cả năm 2024. Cụ thể, TP phải chuyển đổi để thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), quan trọng nhất là ngành công nghệ cao. Muốn vậy, mảng hành chính công cần năng động trở lại, tạo ra được tinh thần kinh doanh mới mẻ, tích cực.

Ngoài ra, để tạo đà phục hồi cho các tỉnh xung quanh, TP.HCM cần đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng, giảm chi phí logistics. TP.HCM cần xác định phải là đô thị dịch vụ, tài chính, công nghệ, y tế

P11_TS-Majo-George---ĐH-RMIT-(1).jpg

TS Majo George, ĐH RMIT Việt Nam:

Thu hút thêm nhiều gã khổng lồ về bán dẫn

Tôi cho rằng thu hút các tập đoàn bán dẫn nên là chiến lược tăng trưởng của TP.HCM trong tương lai. Khi chuỗi cung ứng toàn cầu điều chỉnh lại sau đại dịch COVID-19, TP.HCM đã trở thành điểm đến ưa thích của đầu tư trực tiếp nước ngoài, chủ yếu từ các công ty bán dẫn của Mỹ.

Nhưng để thu hút được những gã khổng lồ quốc tế về công nghệ, TP cần tăng sức hấp dẫn bằng cách hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng và viễn thông để đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn công nghệ cao này. Mặt khác, bằng cách cung cấp các ưu đãi cho nghiên cứu và phát triển (R&D), TP.HCM có thể thu hút nhiều gã khổng lồ về bán dẫn hơn và tự khẳng định mình là một trung tâm đổi mới.

TP.HCM cũng cần thắt chặt quan hệ hợp tác giữa DN nước ngoài và các cơ sở giáo dục trong nước để đẩy mạnh các chương trình đào tạo và phát triển kỹ năng. Khi TP.HCM tiếp tục định vị mình là một trung tâm lớn về sản xuất chất bán dẫn, cần phải có một cách tiếp cận đa diện nhằm cân bằng giữa phát triển DN FDI và DN trong nước.

Tôi cho rằng bằng cách đưa ra sự kết hợp phù hợp giữa các ưu đãi và cơ sở hạ tầng hiện đại, TP.HCM sẽ thu được lợi ích về mặt đầu tư và tiến bộ kinh tế - xã hội.•

Doanh nghiệp phải số hóa để tồn tại và tăng trưởng

Trong giai đoạn hiện nay, DN cần phải tận dụng thời cơ để tiến hành thực hiện chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Làm như vậy mới có thể trụ vững và đưa ra thị trường những sản phẩm hàng hóa rẻ hơn, kích thích sức mua tăng trở lại.

Nhìn chung, chúng ta đang tăng trưởng và phát triển trong xu hướng số hóa ở tương lai gần. Số hóa tất cả hoạt động sẽ giảm thiểu mức chi tối đa về chi phí sản xuất, chi phí tiếp cận khách hàng, chi phí quảng cáo, chi phí xanh… Đây là vấn đề hết sức thiết thực, cần phải thực hiện càng sớm càng tốt.

Dù kinh tế đang gặp không ít khó khăn nhưng mỗi lĩnh vực, ngành nghề đều có những “khe hở” khác nhau để khai thác, nếu các DN vừa và nhỏ hiện nay tìm kiếm được khe hở đó và nắm bắt được nó thì việc tăng trưởng trong tương lai gần là điều chắc chắn.

PGS-TS ĐINH TRỌNG THỊNH, chuyên gia tài chính

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm