TP.HCM tìm động lực phát triển từ kinh tế xanh

(PLO)- Để hướng tới sự phát triển bền vững, TP.HCM cần hướng đến nền kinh tế xanh, đề cao trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2023 được tổ chức vào ngày 15-9, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh cần phải nhanh chóng chuyển đổi từ kinh tế truyền thống sang hành trình tăng trưởng xanh với tầm nhìn cho một tương lai bền vững.

Bởi vì nếu không thay đổi, TP sẽ đối diện với những vấn đề rất lớn về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Vì lẽ đó, lãnh đạo TP rất mong muốn học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, gắn kết của mọi tổ chức, cá nhân cho hành trình tăng trưởng xanh, tạo ra một nền tảng tốt đẹp cho tương lai các thế hệ mai sau.

Tuy nhiên, để có thể đạt được hành trình tăng trưởng xanh là một thách thức không nhỏ với một siêu đô thị như TP.HCM. Đơn cử, TP tiêu thụ 90 triệu kWh điện/ngày nhưng năng lượng sạch chỉ chiếm 7,6%. Lượng rác thải hằng ngày rất lớn, đến 9.500 tấn nhưng gần 70% được xử lý bằng cách chôn lấp. Người dân TP tiêu thụ 1.900 tấn nhựa mỗi ngày nhưng chỉ có 27% được tái chế…

Công nghệ sản xuất ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung hiện nay so với thế giới phần lớn là công nghệ cũ, tiêu hao năng lượng lớn. Việc thay đổi công nghệ mới phù hợp với kinh tế xanh cũng là thách thức không nhỏ nếu không có sự trợ giúp kịp thời, phù hợp về vốn và công nghệ của các nước có công nghệ cao trên thế giới.

Đó là chưa kể nhận thức của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp về tăng trưởng xanh còn khá hạn chế. Chính sách, luật pháp chưa thực sự khuyến khích, ưu đãi phát triển và hỗ trợ các dự án xanh, sản phẩm xanh.

Như vậy, rõ ràng để thích ứng với tăng trưởng xanh, TP.HCM phải vượt qua các thách thức, rào cản nêu trên, cũng như đầu tư dài hạn và bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp.

Thực tế chứng minh tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát thải ròng bằng không là thách thức không nhỏ nhưng cũng tạo ra những cơ hội to lớn. Vì vậy, theo các chuyên gia, TP cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp không ngừng sáng tạo, tạo sự chuyển đổi liên tục và toàn diện trong chiến lược, công nghệ và mô hình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, cần chú trọng phát triển không gian xanh, công trình xanh, đô thị sinh thái, đô thị thông minh, chống chịu với biến đổi khí hậu.

Kỳ vọng với vị thế là đầu tàu phát triển kinh tế, khoa học - công nghệ, cửa ngõ giao lưu quốc tế của cả nước…, TP.HCM sẽ thực hiện thành công kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh đã đặt ra. Qua đó, không chỉ tạo ra lợi ích kinh tế mà còn góp phần vào sự phát triển chung của xã hội, bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai. Dĩ nhiên, để đạt được mục tiêu này phải thông qua những hành động cụ thể, thiết thực, đo đếm được.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm