'Bài báo được trình bày chói lọi nhưng không có câu chuyện sẽ không ai đọc'

(PLO)- Ths Trần Lệ Thùy, chuyên gia báo chí truyền thông, nhấn mạnh báo chí dữ liệu là đưa dữ liệu vào để có cách kể chuyện mới, nếu không có câu chuyện thì không thể hấp dẫn bạn đọc.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 15-3, trong khuôn khổ Diễn đàn báo chí tại Hội báo toàn quốc 2024 đã diễn ra phiên thảo luận về Báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội.

Tại phiên thảo luận, Ths Trần Lệ Thùy, chuyên gia báo chí truyền thông, nhìn nhận báo chí dữ liệu chỉ chiếm một phần nhỏ trong “bánh xe” đổi mới báo chí nhưng có vị trí, vai trò rất quan trọng.

Theo Ths Thùy, báo chí dữ liệu là lĩnh vực mới mẻ của báo chí. “Làm báo mà giỏi về con số cũng rất hiếm” – bà nói và cho rằng các cơ quan báo chí phải tìm nhân lực nắm bắt lĩnh vực này và có chiến lược đầu tư dài hạn mới có nhà báo dữ liệu được.

'Bài báo được trình bày chói lọi nhưng không có câu huyện sẽ không ai đọc'-bao-chi-du-lieu-cau-chuyen
Các đại biểu tham gia tại phiên thảo luận. Ảnh: NGUYỄN DINH

Bà nhìn nhận nhiều vấn đề xung quanh báo chí dữ liệu đang còn nhiều tranh cãi, kể cả về khái niệm.

“Hầu hết dự án báo chí dữ liệu được giải lớn đều được xây dựng và lưu trữ trên nhiều nền tảng. Các toà soạn báo nhỏ nói không có khả năng kỹ thuật, đầu tư nhiều tiền nhưng thực tế có nền tảng bên ngoài rất rẻ, dễ dùng được” – Ths Thùy đề cập.

Bà kể, có trường hợp toà soạn bảo đầu tư rất nhiều để làm báo dữ liệu nhưng không ai đọc, lượng view không cao, chẳng hạn như hình thức megastory trước đây.

“Thực ra là cách làm sai, vì chúng ta quên cách kể chuyện. Bởi megastory hay báo chí dữ liệu thực chất là cách kể chuyện. Megastory trông rất đẹp nhưng nếu không có câu chuyện thì không ai đọc” – Ths Trần Lệ Thùy phân tích và nhấn mạnh báo chí dữ liệu là đưa dữ liệu vào để có cách kể chuyện mới, nếu không có câu chuyện thì không thể hấp dẫn bạn đọc.

'Bài báo được trình bày chói lọi nhưng không có câu huyện sẽ không ai đọc'-bao-chi-du-lieu-cau-chuyen
Ths Trần Lệ Thùy, chuyên gia báo chí truyền thông, phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: NGUYỄN DINH

Ths Thùy nhìn nhận nhiều nguồn dữ liệu được công khai nhưng bạn đọc gặp khó khăn trong việc đọc. Do đó, vai trò của nhà báo dữ liệu là kể chuyện cho bạn đọc những dữ liệu mà họ không đọc được. Bà cho biết ngay cả trong báo chí điều tra cũng sử dụng rất nhiều dữ liệu.

“Bài báo được trình bày chói lọi nhưng không có tính kể chuyện là đánh mất chúng ta” – bà nhấn mạnh và gợi ý lực lượng sinh viên báo chí cũng có thể là nguồn nhân lực có khả năng tổng hợp dữ liệu lớn.

Vị chuyên gia báo chí truyền thông đề nghị các toà soạn báo chí Việt Nam nên quan tâm đến phát triển báo chí dữ liệu, trở thành nghiệp vụ không thể thiếu của nhà báo.

“Nghiệp vụ dữ liệu đi cùng với kỹ năng sản xuất tác phẩm báo chí có thể đảm bảo tính công bằng, chính xác, cân bằng trong tác phẩm báo chí, xây dựng lòng tin đối với độc giả. Đây là một chiến lược quan trọng trong xây dựng nội dung vượt trội” – bà nói.

PGS.TS Trần Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm thông tin, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đặt vấn đề về việc lựa chọn phương thức để tạo ra các sản phẩm báo chí dữ liệu ở các cơ quan báo chí. Theo ông, từ dữ liệu báo chí có thể xây dựng các tuyến bài viết.

bao-chi-du-lieu-cau-chuyen-5.jpg
PGS.TS Trần Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm thông tin, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: NGUYỄN DINH

PGS.TS Trần Quang Diệu cho biết hiện dữ liệu ở các cơ quan báo chí đang dừng ở mức độc lập, chưa có sự liên kết, chia sẻ. Ông đề nghị báo chí Việt Nam nên xây dựng hệ sinh thái báo chí mà trong đó các cơ quan báo chí cùng chia sẻ dữ liệu với nhau, tạo kho dữ liệu dùng chung, bớt đi sự lo ngại từ tác động của AI.

Từ đó, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT có thể xây dựng nền tảng dùng chung cho các cơ quan báo chí, vừa phát huy dữ liệu đang có, vừa có thể chia sẻ với nhau khi cần.

Hội Nhà báo Việt Nam cũng cần dẫn dắt, định hướng việc này để tạo “Sân chơi chung; đồng thời, các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông cần thay đổi chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu mới.

Xây dựng chuyên mục tri thức chuyên sâu

Nhà báo Ngô Việt Anh, Phó Trưởng ban Nhân dân điện tử, Báo Nhân Dân, cho biết cơ quan này đã vận dụng báo chí dữ liệu trong xây dựng các các sản phẩm tri thức chuyên sâu dưới dạng các chuyên trang.

Theo Nhà báo Ngô Việt Anh, mỗi sản phẩm tri thức chuyên sâu cung cấp thông tin hệ thống về một sự kiện, vấn đề, nhân vật, tổ chức, địa danh… dưới dạng hỏi đáp.

Chuyên mục có giao diện hiện đại, thu hút bạn đọc; mỗi một sản phẩm được trình bày theo một định dạng thống nhất, có bản sắc. Đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để trình bày đa phương tiện, trực quan.

Ông dẫn chứng các chuyên mục “Việt Nam ASEAN”, “Tết Nguyên đán”, “Hồ Chí Minh và tư tưởng Lấy dân làm gốc”…

Nhà báo Ngô Việt Anh cho biết chuyên trang “Hồ Chí Minh và tư tưởng Lấy dân làm gốc” có nhiều bài viết của Bác Hồ trên báo Nhân Dân khó tìm được ở bên ngoài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm