Sáng 7-6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có buổi làm việc với lãnh đạo Thành ủy, UBND và Sở GD&ĐT TP.HCM xung quanh chủ đề phát triển giáo dục của TP có dân số đông nhất cả nước.
Áp lực tăng dân số
Báo cáo trước các lãnh đạo, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP, đánh giá chất lượng giáo dục của TP thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Đó là nhờ TP luôn ưu tiên đầu tư cho giáo dục. Tổng chi cho giáo dục chiếm 26% tổng ngân sách chi thường xuyên. Mỗi năm TP đưa hàng ngàn phòng học vào sử dụng, đầu tư trang thiết bị hiện đại, đổi mới phương pháp giảng dạy để ngày càng nâng cao chất lượng dạy và học.
Tuy nhiên, do đặc thù là một TP lớn có dân số 13 triệu người, tốc độ tăng dân số cơ học kéo theo tốc độ tăng học sinh (HS) trung bình 65.000 em/năm. Đặc biệt năm 2015 tăng 85.000 em. Điều này đã gây quá tải chỗ học, sĩ số lớp cao, tạo áp lực về chất lượng dạy-học. TP cũng chưa đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ cho đa số con em công nhân tại các KCX-KCN.
Ông Sơn cũng cho rằng chương trình giáo dục hiện nay còn hàn lâm, quá tải, phân phối chưa hợp lý khiến HS phải học rất áp lực, vẫn còn tình trạng dạy thêm, học thêm. HS chưa có điều kiện vui chơi, thể dục thể thao… một cách thoải mái.
Để làm được các mục tiêu đề ra, TP kiến nghị Bộ GD&ĐT cho phép ngành giáo dục TP.HCM cơ chế đặc thù riêng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhằm triển khai những giải pháp mang tính đột phá, đổi mới.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng (bìa phải) trao đổi với Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Phùng Xuân Nhạ sau cuộc họp bàn về phát triển giáo dục và đào tạo TP.HCM vào sáng 7-6. Ảnh: HOÀNG GIANG
Đào tạo phải hướng đến giá trị thực
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng: “Văn hóa Sài Gòn có đặc sắc là nghĩa khí, hào sảng, dấn thân nên giáo dục TP.HCM phải duy trì để những nét văn hóa đó không bị mai một”. Cho nên sản phẩm của giáo dục không chỉ là HS phải giỏi công nghệ thông tin, ngoại ngữ hay giỏi văn, giỏi toán. Giáo dục là phải làm sao xây dựng được cho HS, sinh viên lý tưởng, tạo dựng sự nghiệp cho bản thân, gắn kết gia đình, dù ở cấp bậc học nào.
Để làm được điều đó, ông Thăng đề nghị phải thực hiện xã hội hóa giáo dục, có nhiều loại hình giáo dục để người dân lựa chọn, không phân biệt công hay tư.
“Tại sao các trường quốc tế không dạy thêm, học thêm học trò vẫn giỏi, học phí cao vẫn nhiều người học. Muốn hội nhập, trong năm nay TP phải dứt khoát xóa bỏ dạy thêm học thêm, chạy trường chạy lớp. Chỉ còn phụ đạo cho HS yếu. TP cũng có các trung tâm văn hóa, thể thao ngoài giờ có thể mở các lớp dạy thêm, ai cần thì đến đăng ký chứ tuyệt đối không được mở lớp dạy thêm, học thêm trong nhà trường” - Bí thư Thăng nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong góp ý kiến đề xuất về phát triển GD&ĐT TPHCM sáng 7-6. Ảnh: HOÀNG GIANG
Tại buổi họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong xác định TP hướng đến xây dựng đề án giáo dục theo yêu cầu hội nhập, hệ thống hạ tầng trường lớp phải đạt chuẩn quốc tế. Đào tạo phải hướng đến giá trị thực.
“Tại sao bằng cấp của nước ta cấp cho sinh viên không được các nước công nhận? Có phải chuẩn chất giáo dục của ta có vấn đề? Việc này không thể làm ngày một ngày hai nhưng từ nay đến năm 2020, chúng ta phải kiên quyết thực hiện được và phải thực hiện đồng bộ ” - ông Phong nói.
Ông Phong cũng cho rằng TP.HCM đang có hơn 8.000 giáo sư, tiến sĩ, nếu không phát huy được nguồn lực tri thức này thì TP sẽ không trở thành TP văn minh, hiện đại được.
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị TP.HCM phải có đề án tổng thể phát triển GD&ĐT đến năm 2020 và tầm nhìn 2035. Trong đó phải thể hiện rõ tất cả vấn đề ngành giáo dục đang vướng phải. Bộ sẽ cùng TP chuẩn chỉnh những quy định hiện hành cho phù hợp với xu thế hội nhập, GD&ĐT phải gắn với nhu cầu xã hội, đổi mới giảm tải, tăng cường chất lượng giáo viên...
Bộ GD&ĐT phản hồi 8 kiến nghị lớn của TP.HCM 1. Bộ GD&ĐT tới đây sẽ thống nhất một khung chương trình chung, mang tính nền tảng. Từ đó, TP được chủ động, linh hoạt xây dựng chương trình, SGK theo bản sắc văn hóa riêng và tùy theo yêu cầu thực tế của TP. 2. Đồng ý về chủ trương cho phép HS các trường chuyên, lớp chuyên được thi một số tín chỉ ở một số môn tương ứng, phù hợp đang được giảng dạy trong các trường ĐH-CĐ vì đây là xu hướng quốc tế. 3. Đồng ý nhà trường và giáo viên có trách nhiệm đánh giá định kỳ HS, Sở GD&ĐT tổ chức đánh giá chung giữa và cuối cấp học để làm cơ sở xem xét hoàn thành chương trình học của cả cấp. Đánh giá, nhận xét là chủ động của thầy cô nhưng phải đảm bảo tính xác thực, tránh việc giáo viên bị áp lực. 4. Ủng hộ đề xuất giao quyền cho các tỉnh, TP trực thuộc trung ương thực hiện kiểm tra, đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT. Việc tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ thuộc trách nhiệm của các giám đốc, hiệu trưởng ĐH, CĐ. Bộ sẽ hướng dẫn và giám sát chứ không làm thay. 5. Đồng ý chủ trương tổ chức khảo thí trình độ tiếng Anh của HS theo bốn kỹ năng nghe-đọc-nói-viết. 6. Cho phép các trường chủ động trong việc điều chỉnh thời lượng giảng dạy của các bộ môn trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng, chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, liên môn và đa dạng hóa việc kiểm tra, đánh giá cho phù hợp với tình hình giảng dạy thực tế trong từng loại hình trường. 7. Giao quyền tự chủ 100% cho các trường CĐ, TCCN công lập tự quyết định chương trình, được nhập khẩu trực tiếp các chương trình đào tạo tiên tiến từ nước ngoài, tự quyết định mức học phí, chỉ tiêu tuyển sinh... nhưng phải đảm bảo chất lượng. 8. Thống nhất đầu mối quản lý giáo dục nghề nghiệp (hiện nay do ngành GD&ĐT và ngành LĐ-TB&XH quản lý): Bộ đang làm việc với các bộ, ngành nhưng quan điểm của Bộ thống nhất quản lý về GD&ĐT, còn TP có thể chủ động để làm sao có hiệu quả là được. ______________________________________ TP.HCM sẽ thành lập lại hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH do chủ tịch UBND TP làm chủ tịch hội đồng để xác định các trường đào tạo theo nhu cầu của xã hội, tổ chức hoạt động các trường ĐH hợp lý hơn và phát huy được cơ chế để họ tham gia vào giải quyết các vấn đề của TP. Chủ tịch UBND TP.HCM NGUYỄN THÀNH PHONG |